Efren Saldivar, kỹ thuật viên hô hấp, sinh ra trong gia đình Mexico nhập cư ở Brownsville, bang Texas, năm 1969. Hai năm sau, anh ta cùng gia đình chuyển đến thành phố Los Angeles, bang California, nơi người cha làm thợ xây và mẹ là thợ may.
Theo lời kể của gia đình, Saldivar thông minh và hướng ngoại nhưng không chăm chỉ khi đi học các cấp. Cuối cấp ba, Saldivar làm thêm tại siêu thị nhưng thường xuyên trộm cắp đồ. Chểnh mảng học, điểm thi của cậu ta thấp đến mức không thể tốt nghiệp.
Vô tình gặp một người bạn học trường cao đẳng y tế, Saldivar thích bộ đồng phục và quyết định theo đuổi ngành học tương tự. Sau khi thi lấy chứng chỉ tương đương tốt nghiệp trung học, Saldivar đăng ký học cao đẳng y.
Năm 1989, với tấm bằng kỹ thuật viên hô hấp, anh ta xin vào làm tại Trung tâm Y tế Glendale. Tranh thủ ban đêm, Saldivar nhận thêm việc tại Bệnh viện Methodist Southern California (giai đoạn 1991-1993) và Bệnh viện Glendale Memorial (giai đoạn 1991-1994).
Trong 9 năm công tác, Saldivar không gây ra sự cố nghiêm trọng nào. Chỉ đến năm 1997, một đồng nghiệp báo với lãnh đạo Trung tâm Y tế Glendale rằng nhìn thấy Saldivar tiêm thứ gì đó vào tĩnh mạch bệnh nhân. Nhưng đồng nghiệp này từng có mâu thuẫn với Saldivar, và không có sự gia tăng đáng kể nào về số người chết trong các ca trực của anh ta, nên tố cáo bị bỏ qua.
Sự nghi ngờ Saldivar chỉ rõ nét hơn khi một nhóm đồng nghiệp trêu đùa, giấu quần áo của một người. Khi cạy tủ cá nhân của Saldivar để nhét quần áo vào, họ phát hiện ống tiêm cùng nhiều chai Morphine, Succinylcholine chloride (SUCC) và Pavulon, một loại thuốc giãn cơ mạnh gây ngừng tim. Đây đều là những biệt dược mà kỹ thuật viên chăm sóc hô hấp không được phép sử dụng.
Đầu năm 1998, một trong những đồng nghiệp tham gia vụ giấu quần áo đã kể mối nghi ngờ với người bạn tên là Grant Brossus trong quán bar. Brossus nghe xong liền gọi điện tống tiền Trung tâm Y tế Glendale, đe dọa phát hiện "có nhân viên tiêm thuốc cho bệnh nhân chết nhanh". Thấy nghiêm trọng, lãnh đạo trung tâm báo ngay cảnh sát và tự tiến hành điều tra riêng.
Tháng 3/1998, Sở cảnh sát Glendale thẩm vấn Saldivar và anh ta thú nhận, tự mô tả mình là "thiên thần chết chóc". Những vụ giết người đến với anh ta dễ dàng như việc lấy một thanh kẹo cao su. Trường hợp đầu tiên là tại Trung tâm Y tế Glendale với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, anh ta đã tiêm 2 ống Pavulon và SUCC làm nạn nhân tê liệt đường thở.
Ban đầu, Saldivar khai động cơ giết người vì lý do đạo đức, thương cảm nỗi đau bệnh tật của người già. Anh ta chọn những bệnh nhân trông như thể họ đã sẵn sàng yên nghỉ. Saldivar nói rằng thấy tức giận khi nhìn thấy bệnh nhân được giữ sống trong tình trạng ấy, song sau đó thú nhận giết người vì muốn giảm bớt khối lượng công việc.
"Chúng tôi có quá nhiều việc", Saldivar thừa nhận. "Tôi sẽ nhìn vào danh sách bệnh nhân. Ta phải loại bỏ ai? Được rồi, ai đang ở trong tình trạng tồi tệ ở đây?".
Tuy nhiên, sau 2 ngày bị tạm giữ, Saldivar được tại ngoại vì cảnh sát thiếu chứng cứ buộc tội trực tiếp, ngoài lời khai của anh ta. Tủ đồ cá nhân của Saldivar khi đó trống trơn và việc khám xét nhà anh ta cũng không thu được biệt dược đáng nghi nào.
Ngay sau đó, nam kỹ thuật viên hô hấp xuất hiện trên truyền hình nói rằng đã bịa toàn bộ câu chuyện giết người vì đang bị trầm cảm và muốn chết. Các bệnh viện sa thải Saldivar và anh ta phải luôn sẵn sàng làm việc với nhà chức trách, khi có yêu cầu.
Để thu thập chứng cứ, cảnh sát bắt đầu sàng lọc hơn 1.000 bệnh nhân tử vong trong các ca trực của Saldivar. Họ dành một năm để thu hẹp số lượng những ca đáng ngờ, chẳng hạn tập trung vào những người được chôn (không hỏa táng) và những người có vẻ khỏe mạnh trước khi chết.
Xét nghiệm pháp y 20 thi thể của những ca đáng ngờ nhất, cảnh sát phát hiện 6 người ở độ tuổi 75-87 có hàm lượng cao thuốc Pavulon trong nội tạng. Họ chết trong khoảng thời gian từ tháng 12/1996 đến tháng 8/1997. Những trường hợp chôn từ đầu thập niên 1990 thì không thể xét nghiệm.
Đến tháng 1/2001, cảnh sát hoàn thiện hồ sơ chứng cứ và chính thức bắt giam Saldivar. Việc thống kê chính xác số nạn nhân của anh ta gặp nhiều khó khăn. Hắn khai đã giết hơn 60 bệnh nhân nhưng thực tế có thể hơn. "Tôi không nhớ nổi sau 60 người", anh ta kể.
Cảnh sát đánh giá Saldivar đã tính toán rất kỹ để số lượng các ca tử vong "trông có vẻ bình thường", không tăng cao đột biến bất kỳ thời điểm nào suốt 9 năm.
Nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ án là bà Jean Coyle, 63 tuổi, bị bệnh khí phế thũng và nhập viện tháng 2/1997. Saldivar rất khó chịu vì bà thường nhấn chuông ở đầu giường để gọi hỗ trợ. Anh ta đã tiêm cho bà một ống SUCC. Bệnh nhân bị suy hô hấp, bất tỉnh và may mắn được các điều dưỡng phát hiện, cấp cứu kịp thời. Sau này, bà Coyle dự phiên tòa tuyên án Saldivar và nêu nguyện vọng "muốn thấy anh ta nhận bản án tử hình".
Một nhân chứng chống lại kẻ sát nhân hàng loạt còn là nữ điều dưỡng Ursula Anderson. Hai người có quan hệ tình cảm và thường lén lút quan hệ tình dục tại nơi làm việc. Mặc dù chứng kiến Saldivar tiêm biệt dược vào cơ thể bà Coyle nhưng Ursula đã không nói với ai.
Tháng 3/2002, để tránh án tử hình, Saldivar đã nhận 6 tội danh giết người cũng như tội danh âm mưu giết bà Jean Coyle. Anh ta bị kết án 6 bản án chung thân không ân xá và 15 năm tù, hiện thi hành án tại bang California.
Việt Anh (theo Oxygen, Criminal Minds)
Xem thêm: lmth.0421724-iohc-ort-ut-taol-gnah-nahn-tas-ek-neid-ol/ten.sserpxenv