Đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân giảm thu nhập phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu. Chưa kể hiện nay giá thép xây dựng tăng tới 40%, giá nguyên liệu cho sản xuất da giày, giá vật tư như điện, nước... đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Thực tế này khiến cả người dân và doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với khó khăn kép.
Thép tăng 40%, dân không dám xây nhà
Một trong những mặt hàng có mức tăng sốc nhất từ đầu năm 2021 đến nay là thép. Theo số liệu mới nhất, giá thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý hồi tháng 12-2020 có giá khoảng 12.000 đồng/kg thì đến đầu tháng 6-2021 đã tăng lên hơn 18.000 đồng/kg.
Giá thép thanh vằn D10 trước kia là 80.000 đồng/cây thì nay đã tăng lên hơn 120.000 đồng/cây; giá thép thanh vằn xây dựng D14 từ hơn 162.000 đồng/cây tăng lên hơn 230.000 đồng/cây. Giá thép tăng cao khiến nhiều công ty xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản.
Giá thép và vật liệu xây dựng tăng cao khiến cả doanh nghiệp và người dân gặp khó. Ảnh: AN HIỀN
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Xây dựng Thành Hà, cho biết giá thép tăng hơn 40% khiến người dân, DN e ngại, hạn chế xây nhà, làm xưởng vào thời điểm này. “Giá thép tăng cao mà đi nhận công trình giá cao thì khách hàng chê, nhận giá thấp thì không có công. Chúng tôi chỉ mong giá thép hạ nhiệt vì nếu tình hình này kéo dài thì công ty phá sản” - ông Mạnh chia sẻ.
Không chỉ vậy, theo phản ánh của một số DN, việc mua thép cũng gặp khó khăn. Đại diện một DN nhỏ cho biết không mua được thép ở các cửa hàng quy mô nhỏ mà phải nhập từ các công ty, đại lý lớn.
Ông Đỗ Phước Tống, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí TP.HCM, cho biết giá thép nguyên liệu tăng cao khiến các DN nhóm ngành cơ khí kết cấu thép gặp nhiều khó khăn. Các đơn hàng đã ký thì các DN cơ khí phải chịu lỗ, còn hợp đồng mới phải đàm phán lại với khách hàng.
Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Nam Định vừa có văn bản gửi các cơ quan có liên quan về tình hình giá vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thép. Ngoài ra, một số vật liệu xây dựng khác còn xảy ra khan hiếm bất thường như cát xây dựng.
Trước đó, nhiều DN ở tỉnh Cà Mau cũng gửi đơn cầu cứu đến chính quyền sở tại đề xuất điều chỉnh giá vật liệu xây dựng như cát, đá ngoài thị trường đang tăng quá cao. Mặt khác, nguồn cung không đủ cầu khiến nhà thầu gặp nhiều khó khăn, không có hàng hoặc có nhưng rất ít, không đủ để thi công.
Giá vật tư điện, nước cũng nhảy múa
Ngoài thép và vật liệu xây dựng thì các mặt hàng vật tư thi công điện, nước cũng tăng giá mạnh. Anh Nguyễn Văn Hà (chủ một công ty thi công lắp đặt công trình điện, nước tại Hà Nội) dẫn chứng: Một cuộn dây điện Trần Phú 2 x 2,5 mm năm 2020 có giá khoảng 1,3 triệu đồng thì nay đã tăng lên khoảng 1,7 triệu đồng; giá ống nước Tiền Phong từ 49.000 đồng/m tăng lên hơn 60.000 đồng/m...
Anh Hà nói: “Giá tăng cao ảnh hưởng đến khách hàng cuối, những công trình nào chưa triển khai thì tạm dừng triển khai, công trình nào đang triển khai phải đàm phán lại với khách hàng điều chỉnh lại giá. Nếu không đàm phán được thì DN đứng trước nguy cơ thua lỗ”.
Ông Cao Trung Thế, Giám đốc Công ty TNHH Cekool, cho biết: “Khoảng 10 năm qua, vật tư điện, nước của từng hãng ổn định nhưng từ tháng 10-2020 đến nay thì tăng giá mạnh. Những hãng lớn chỉ tăng 20% nhưng một số hãng nhỏ lại tăng tới 50%”.
Lý giải nguyên nhân, ông Thế cho rằng do tác động tăng giá của nguồn nguyên liệu bột nhựa, nguồn cung giảm và khó khăn trong vận chuyển vì dịch COVID-19. Vì thế, thời gian tới giá vật tư điện, nước chưa thể giảm như trước đây, nếu có thì chỉ giảm phần ít.
Cũng theo ông Thế, một thời gian đã xảy ra tình trạng khan hàng khi các hãng lớn hạn chế sản xuất do lo ngại thua lỗ vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn rồi bình thường trở lại. “Giá cả thị trường các mặt hàng vật tư điện, nước nhảy múa loạn xạ. Thậm chí có tình trạng các hãng trung bình tạo ra sự khan hàng để các cửa hàng, đại lý ôm hàng, ôm xong thì giá cả trở lại như cũ. Có những hãng thì tăng giá đón đầu” - ông Thế nói.
Thép tăng phi mã, Chính phủ vào cuộc Mới đây, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến và yêu cầu các sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường. Qua đó để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu trong các dự án đầu tư công bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách. Vì nếu không cập nhật giá thép thị trường, các nhà thầu sẽ phải tự giải quyết sự thâm hụt lớn này. Lý giải về giá thép tăng cao, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết đó là do giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng là những lý do khiến giá thép tăng mạnh. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng có ý kiến yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, có biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước nhằm đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm. Gấp rút gỡ khó cho nhà thầu Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Nam Định đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa ra giải pháp hữu hiệu kịp thời để gỡ khó cho các nhà thầu, công ty xây dựng. Theo đó, đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, đề xuất UBND tỉnh và các ngành có liên quan xem xét hỗ trợ DN được điều chỉnh giá (cả đối với hợp đồng trọn gói), cho phép kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng hoặc cho tạm dừng thi công chờ bình ổn giá. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng đề nghị cơ quan hữu trách chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, cập nhật kịp thời thông báo các loại vật tư xây dựng cho sát với giá thị trường. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, rà soát lại các quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng, tạo điều kiện cho các DN khai thác hiệu quả, đảm bảo nguồn cung. |