Trong những ngày cả thế giới nín thở chú mục vào những thảm trạng đang diễn ra trong khói lửa chiến tranh bao trùm cả dải Gaza này, những căn nguyên của xung đột triền miên Israel - Palestine (mà rộng hơn là xung đột giữa Israel và thế giới Hồi giáo) lại liên tục được xới lên, phân tích, mổ xẻ từng khía cạnh.
Tuy nhiên, giữa trùng điệp những lý do chồng chéo mang tính "cục diện - thời thế" ấy, có lẽ vẫn nên nhắc đến tầm ảnh hưởng của một cá nhân duy nhất, vị thủ tướng lập quốc của Israel, người đã thực hiện ước mơ của mình bằng toàn bộ sự kiên định đến sắt máu - David Ben-Gurion (16-10-1886 - 1-12-1973).
"Không bao giờ có hòa bình"
Nguyên văn câu nói đó, một trong những lời phát biểu đáng nhớ nhất trong cuộc đời của David Ben-Gurion, là khi đề cập tới "vấn đề Arab" trong một cuộc thảo luận năm 1956: "Nếu tôi là một nhà lãnh đạo Arab, tôi cũng sẽ không bao giờ cố gắng xây dựng mối quan hệ hòa bình với Israel. Điều đó là đương nhiên...". Và ông đi đến kết luận: "Rất đơn giản: Chúng ta (Israel) phải mạnh mẽ, và phải có một quân đội hùng hậu".
Đến cả Nahum Goldman, một lãnh tụ khác của chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism) thời điểm đó, cũng phát hoảng bởi cách tiếp cận vấn đề rõ ràng và lạnh lùng của Ben-Gurion. Sau này, ông nhận xét: "Ben-Gurion phải chịu trách nhiệm chủ yếu về chính sách chống Arab, bởi chính ông là người tạo nên nền tảng tư tưởng ấy cho nhiều thế hệ người Israel".
Thời điểm 1956 đó đã là tám năm sau khi cuộc chiến tranh Israel - Arab năm 1948 trôi qua - cuộc chiến mà David Ben-Gurion, trên cương vị là người lãnh đạo Phong trào phục quốc Do Thái, chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động quân sự. Ngay trong những tuần đầu tiên sau khi Israel tuyên bố độc lập, Ben-Gurion đã gấp rút xây dựng một quân đội quốc gia - khi đó mang tên Các lực lượng phòng vệ Israel (IDF).
Ông giải thể mọi tổ chức du kích Do Thái đã từng hiện diện và hoạt động từ những năm cuối của Đại chiến thế giới lần thứ hai, sáp nhập và đoàn ngũ hóa họ thành một khối thống nhất trong IDF.
Ông trang bị cho họ bằng cách sẵn sàng tịch thu những khối lượng vũ khí mà chính thủ lĩnh các nhóm vũ trang đồng minh dự định trang bị cho lực lượng quân sự của riêng mình - như một chuyến tàu chở đầy súng đạn của nhóm Irgun - thậm chí là bằng vũ lực.
Kết quả của những hành động cứng rắn đó đã in hằn vào lịch sử: IDF đủ tiềm lực và phương tiện, để đánh bại những cuộc tiến công từ phía liên quân Arab, bảo vệ được nền độc lập mong manh và non trẻ của mình, như một ốc đảo ngay trong lòng thế giới Arab Hồi giáo.
David Ben-Gurion trên chiến trường. |
Lời tuyên bố năm 1956 được David Ben-Gurion cất lên khi ông đang cùng Israel chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến khác: Chiến tranh bán đảo Sinai.
Trong cuộc chiến đó, khéo léo khai thác những mâu thuẫn của thế giới lưỡng cực, Israel của Ben-Gurion một lần nữa lại giành được những thắng lợi quan trọng, cho dù thực tế không chiếm thêm và mở rộng được phần lãnh thổ nào.
Phải nhấn mạnh là sau khi David Ben-Gurion trở lại chính phủ năm 1955 sau hai năm chủ động rời cương vị, để nắm giữ vị trí Bộ trưởng Quốc phòng rồi lại là Thủ tướng, Israel đã phản ứng mạnh mẽ hơn hẳn với những vụ tiến công của du kích Palestine từ dải Gaza (lúc đó vẫn do Ai Cập quản lý).
Trong sự gia tăng của vòng xoáy bạo lực, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tăng cường sức mạnh quân sự với những hỗ trợ từ phía Liên Xô, còn David Ben-Gurion tìm kiếm những hậu thuẫn từ phía Pháp và Anh, trong bối cảnh Nasser ra lệnh quốc hữu hóa kênh đào Suez.
Sau những trận đánh, Israel vẫn phải triệt thoái khỏi bán đảo Sinai - đổi lấy việc duy trì tự do hàng hải trên kênh Suez và Hồng Hải, dưới sức ép của các cường quốc - song đã có một lực lượng đồn trú của Liên Hợp Quốc đóng chắn giữa Israel và Ai Cập. Vào thời điểm đó, điều ấy có nghĩa là Israel được bảo đảm an toàn ở biên giới phía nam của mình.
Ngàn năm công tội
Đặt vào bối cảnh hiện tại, với khát vọng độc lập và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cháy bỏng của nhân dân Palestine cạnh những phần lãnh thổ ngày càng phình ra của Israel, với những máu lệ trải dài suốt những chặng đường lịch sử dưới chân thành cổ Jerusalem kể từ năm 1948, với tư tưởng của mình, David Ben-Gurion chính là một trong những nhân tố tạo nên mâu thuẫn không dứt ở vùng đất ấy.
Cũng rõ ràng, ông đã nhầm lẫn khi cho rằng: Chỉ qua một hai thế hệ, thời gian sẽ bào mòn sức phản kháng của người Palestine, phủ bụi lãng quên lên ý chí phản kháng của họ.
Nhưng riêng với đất nước Israel và dân tộc Do Thái mà ông phụng sự (theo cách có thể là hẹp hòi và tàn nhẫn đối với những cộng đồng lân cận), David Ben-Gurion thực sự là vị nguyên thủ đặt nền móng cho sự hùng cường hiện tại của họ.
Ngay từ năm 1938, theo một số trích dẫn, Ben-Gurion đã xác định: "Tôi tin ở sức mạnh của chúng ta - thứ sức mạnh mà chúng ta sẽ có. Và nếu sở hữu được điều đó, các giải pháp cũng sẽ xuất hiện".
Diễn giải một cách ngắn gọn, David Ben-Gurion tâm niệm rằng luật chơi thuộc về kẻ mạnh, và vì thế, bằng mọi giá, Israel phải trở nên hùng mạnh. Một kiểu tư tưởng mang màu sắc chauvinism, cực đoan.
Tuy vậy, không phải lúc nào David Ben-Gurion cũng xác định cho mình và dân tộc của mình một thứ kim chỉ nam cứng rắn đến thế. Chuyện ông tin rằng không thể có hòa bình giữa Israel và khối Arab chỉ xuất hiện sau này, sau cuộc chiến năm 1948. Trước đó, là thủ lĩnh Do Thái phục quốc, ông đã từng chỉ thị không trả đũa những vụ người Arab tấn công thường dân Do Thái, trong quãng 1936-1939.
Có điều, năm 1939, một sự kiện xuất hiện, có lẽ đã tác động rất nhiều đến quan điểm của Ben-Gurion: Nước Anh (cường quốc ủy trị toàn bộ khu vực Ai Cập - bán đảo Sinai - Israel - Jerusalem - dải Gaza khi ấy) ra một Sách Trắng, trong đó quy định hạn ngạch hồi hương của người Do Thái vào Palestine, ở mức 15.000 người/năm. Còn sau đó, hạn ngạch này sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của các chính quyền Arab lân cận.
Ben-Gurion và Thủ tướng Anh Winston Churchill. |
Người Do Thái nói chung và Ben-Gurion nói riêng có lý do để cảm thấy bị phản bội, hoặc bị bán đứng. Bởi, từ năm 1917, Ngoại trưởng Anh - huân tước Balfour, đã chấp thuận cho người Do Thái có một "Quê hương".
Đó là một cách dùng từ lắt léo, theo học giả Nguyễn Hiến Lê (cuốn “Bán đảo Ảrập - Hồi giáo và dầu lửa”): "Ngôn ngữ chính trị, ngoại giao của Tây phương thật là khó hiểu. Họ không nói một "quốc gia Do Thái", mà nói một "quê hương có tính cách quốc gia" (National home)… Thật là mập mờ, và hai bên Do Thái, Ả rập muốn hiểu ra sao thì hiểu".
Vậy là, người Do Thái nô nức hồi hương, xây dựng "National home" của họ. Nhưng vậy là, với sự mập mờ câu từ kia, va chạm và tranh chấp giữa hai cộng đồng dân cư mỗi lúc lại một trở nên gay gắt. Người Do Thái bị siết chặt hạn ngạch hồi hương theo Sách Trắng, và rõ ràng họ cảm thấy điều đó là bất công.
Trong khi ấy, chính phủ Anh đã bắt đầu tính đến chuyện chia đôi dải đất Palestine cũ (gồm tất cả những vùng lãnh thổ của Israel và Palestine hiện tại), "cho yên chuyện".
Yếu tố Anh, suốt quãng thời gian đó, có lẽ đã khắc sâu vào tâm trí Ben-Gurion sự tán đồng quan điểm của Winston Churchill, rằng "Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu".
Suốt những năm Đệ nhị Thế chiến, Ben-Gurion ủng hộ người Do Thái gia nhập quân đội Anh, chiến đấu cho nước Anh, song song với việc tổ chức những chuyến tàu đưa người Do Thái nhập cư trái với quy định Sách Trắng. Một câu nói nổi tiếng khác của ông: "Hãy ủng hộ người Anh như không hề có Sách Trắng, và phản đối Sách Trắng như không có cuộc chiến".
Nhờ thế, nhờ được trui rèn trong chiến đấu, các nhóm du kích Do Thái, và sau này là IDF, thể hiện được năng lực chiến đấu vượt trội so với liên quân Arab trong trận chiến năm 1948, bảo vệ được những giá trị căn bản của nền độc lập mà họ vừa giành được, sau khi Anh không còn là cường quốc ủy trị.
Cũng bởi thế, quan điểm của David Ben-Gurion càng lúc càng trở nên bất khoan nhượng. Ông tin vào họng súng, chứ không tin vào những cuộc thương thảo. Tư tưởng của ông bén rễ và ăn sâu trong xã hội Israel, để lò lửa Trung Đông vẫn còn mãi âm ỉ và luôn sẵn sàng bùng cháy, đến tận bây giờ… * Sau cuộc chiến tranh Arab - Israel năm 1948, Ben-Gurion được bầu làm Thủ tướng Israel. Ngoại trừ gần hai năm gián đoạn, ông giữ cương vị ấy đến tận năm 1963. Với tư cách Thủ tướng, ông giám sát việc thành lập các định chế nhà nước. Ông làm chủ tịch nhiều dự án quốc gia, với mục tiêu thúc đẩy đất nước và dân số phát triển nhanh chóng, như: Chiến dịch Thảm thần - cuộc không vận đưa người Do Thái hồi hương từ các quốc gia Arab; hay việc xây dựng Kênh nước ngọt quốc gia, cùng các dự án phát triển địa phương và việc thành lập các thành phố và thị trấn mới. Đặc biệt ông đã kêu gọi tiến hành định cư tại các khu vực bên ngoài lãnh thổ được quốc tế quy định. * Năm 1941-1942, đã có những chuyến tàu chở đầy người Do Thái (vừa trốn thoát được khỏi nguy cơ bị phát xít Đức tàn sát ở châu Âu) bị đắm tại Địa Trung Hải hay Hắc Hải, chỉ vì bị Anh cấm không cho vào hải phận. Năm 1946, tàu Exodus chở 300 trẻ em Do Thái buông neo, cương quyết tuyệt thực đòi được vào "Quê hương" (khi ấy còn gọi chung là Palestine). Đến ngày thứ tư, 10 em tắt thở, chính quyền Anh đành nhượng bộ (theo Nguyễn Hiến Lê). |
Xem thêm: /480346-iahT-oD-couq-cuhp-oc-nogN/hniM-naV-coh-aohK/nv.moc.dnac.tcgtna