- Bộ Y tế đề nghị Hà Nội cử 20 đội cấp cứu hỗ trợ Bắc Giang tiêm vaccine COVID-19
- Ưu tiên tiêm vaccine cán bộ, nhân viên phục vụ, người xử lý rác tại các khu cách ly
- Từ 1 tháng sau tiêm vaccine COVID-19 mũi 2, hiệu quả bảo vệ mới đạt 60-90%
“Một doanh nghiệp (DN) chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. DN sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, lao động mất việc không còn thu nhập”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định.
Trong khi đó, dịch bệnh hiện đang rất phức tạp, khó lường và cũng đã xâm nhập vào một số khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), các DN có đông người lao động. Trong bối cảnh đó, vấn đề cần tiêm chủng vaccine cho người lao động (NLĐ) để họ ổn định, duy trì sản xuất đã trở thành yếu tố then chốt và cấp bách hơn bao giờ hết...
Thông tin từ Hiệp hội Túi xách Da giày Việt Nam (Lefaso), trong năm 2020 và quý 1/2021, nhờ kiểm soát dịch tốt so với các nước trong khu vực, các đơn hàng từ Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc… đã dịch chuyển về Việt Nam sản xuất khá lớn. Chính vì vậy, trong những tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) của ngành da giày đều đặn tăng khoảng 10%/tháng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hiện nay nhiều DN đứng trước nguy cơ phải đóng cửa, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến NLĐ lo sợ, tâm lý không ổn định dẫn đến có thể nghỉ việc, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất của DN.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam kiến nghị sẽ bỏ tiền mua vaccine tiêm chủng cho người lao động để họ yên tâm làm việc. |
Với ngành dệt may, trong quý I/2021, đã có sự khởi sắc trở lại, nhiều nhãn hàng lớn tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam để tìm nhà cung ứng. Với tín hiệu lạc quan như vậy, năm 2021 được dự báo sẽ là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam và dự kiến XK đạt 40 tỷ USD (trong khi XK dệt may năm 2020 chỉ đạt hơn 35 tỷ USD).
Tuy nhiên, dịch bệnh bất ngờ bùng phát mạnh trở lại, khiến các DN trở tay không kịp, theo đại diện Vitas, hiện nay, nhiều DN đã ký kết đơn hàng đến hết năm. Nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn thì sẽ bị phạt, huỷ đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD.
Trước tình hình đó, để bảo vệ sức khỏe và ổn định tâm lý cho NLĐ, để họ yên tâm tiếp tục làm việc, đại diện các Hiệp hội, trong đó có Vitas, Lefaso, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ cho DN dệt may, da giày được mua vaccine tiêm cho NLĐ, ưu tiên tiêm vaccine cho các DN đông lao động ở khu vực trung tâm dịch. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), kiến nghị được mua 1 triệu liều để tiêm cho công nhân…
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19. Trên cơ sở đó, sẽ huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, trước tình hình nhiều DN có nguy cơ đóng cửa, đứt gãy chuỗi cung ứng, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị để các DN được đồng hành cùng Chính phủ tìm nguồn vaccine, chi trả chi phí tiêm vaccine cho NLĐ để sớm khôi phục sản xuất.
Trên thực tế, vấn đề vaccine ngay lập tức đã nhận được hưởng ứng của cộng đồng DN trong việc chung tay góp sức vào những nỗ lực triển khai mua và tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19 cùng với Chính phủ.
Đặc biệt, các DN trong và ngoài nước hoạt động xuất nhập khẩu có số lượng lao động lớn. Còn các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, mặc dù ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay là rất cấp thiết để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sản xuất, nhưng không phải DN nào cũng có kinh phí để đáp ứng nhu cầu về vaccine cho công nhân.
Ông Phạm Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Lộc Phát chia sẻ: “Nếu DN tự bỏ kinh phí ra mua vaccine tiêm phòng cho NLĐ của mình thì tính ra chi phí rẻ hơn rất nhiều lần so với chi phí xét nghiệm, hoặc những thiệt hại mà dịch bệnh COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, mình là DN nhỏ chỉ với vài chục công nhân, trải qua 3 trận dịch đến nay thật sự đã “thấm đòn”. Chính vì thế, mặc dù muốn hỗ trợ cho NLĐ được tiêm vaccine để họ yên tâm gắn kết với mình, nhưng tài chính DN còn quá hạn hẹp nên trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh như hiện nay, DN thực hiện nghiêm ngặt vấn đề phòng dịch là chính”.
Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho rằng, với những DN lớn, họ sẵn sàng tiêm chủng vaccine cho NLĐ miễn phí. Nhưng còn DN nhỏ và vừa, khả năng tài chính không đảm bảo nên rất cần Chính phủ cân nhắc giải pháp để tiêm vaccine được cho tất cả NLĐ.
Hiện tại, nguồn cung vaccine còn hạn chế, Việt Nam mới chỉ đưa ra 9 đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine, tập trung vào các cán bộ ở tuyến đầu chống dịch, không có các đối tượng sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhu cầu được tiêm vaccine tại các DN là rất lớn, để vừa thực hiện công tác phòng chống dịch, vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với các DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), họ đề nghị được bỏ tiền túi để hỗ trợ vaccine cho lao động của DN họ. Với DN nhỏ và vừa, năng lực tài chính còn hạn chế, tất cả đều mong muốn khi Việt Nam nhận được số lượng vaccine lớn hơn, họ sẽ được đưa vào diện đối tượng ưu tiên tiếp theo được tiêm vaccine. Ngoài vấn đề kinh phí chi trả cho việc mua vaccine, DN cũng mong muốn cùng đồng hành với Chính phủ để tìm nguồn cung vaccine để đưa về Việt Nam một cách sớm nhất.