Án xử đã xong, nhưng…
Bộ quốc sử lớn nhất nước ta thời phong kiến, “Đại Việt sử ký toàn thư”, kỷ nhà Trần, viết về sự kiện xảy ra năm Canh Thìn, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 2, đời Trần Nhân Tông (1280), như sau:
“Em Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư kiện nhau với người, tình lý đều trái. Người kia đón xa giá để kêu bày. Vua hỏi quan xử kiện, viên quan đó trả lời rằng: “Án xử đã xong nhưng hình quan thoái thác không chịu chuẩn định đó thôi".
Vua nói: "Đó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy!".
Lập tức, đang trên đường đi, vua vẫn sai Chánh chưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức kiểm pháp quan để chuẩn định lại sự việc, thì thấy rằng Đỗ Thiên Thư quả thực là trái lý. Kể từ đó, triều đình để quan áo xanh (tức là hoạn quan) được làm việc kiểm pháp, bắt đầu từ Trần Hùng Thao”.
Nên nhớ Đỗ Khắc Chung là viên quan thân cận của vua Trần, từng giữ chức Nhập nội Giảng quan, chịu trách nhiệm giảng dạy cho vua Trần Nhân Tông lúc còn nhỏ.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285), Đỗ Khắc Chung giữ chức Chi hậu cục thủ, tức nhân viên văn phòng của nhà vua, là người đã sang doanh trại quân Nguyên biện bác lý lẽ với Ô Mã Nhi, khiến tướng giặc cũng kính nể, vua Nhân Tông cũng khen là “Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế!”. Nhờ công lao trong kháng chiến mà Đỗ Khắc Chung được vua Trần ban quốc tính, cho đổi tên thành Trần Khắc Chung.
Chép về vụ kiện này, Sử thần Ngô Sĩ Liên đã bình luận rạch ròi như sau: “Người kiện có điều oan uổng mà được dễ dàng kêu bày, hình quan để chậm án, không thấy có lời trách hỏi, hoạn quan nội thần lạm cử làm pháp quan, vua làm việc này có 3 lầm lỗi kèm theo nhưng như vậy thì dân tình được thấu lên trên”.
Tuy nhiên, Ngô Sĩ Liên cũng nhận xét về cách trị nước của vua Trần rằng: “Việc cai trị kẻ dưới thà sai để khoan thứ để cho án kiện đọng lại được xử ngay, cũng thấy được lòng trung hậu của vua”.
Qua việc này, đời sau cũng nhìn nhận, vua Trần Nhân Tông có con mắt tinh tường khi nhận ra khả năng giám sát pháp luật của một viên hoạn quan trước nay chỉ biết hầu hạ trong cung. Không những thế, Trần Hùng Thao cũng chứng tỏ ông có đủ năng lực để xét đoán vụ kiện, không sợ quyền uy từ người thân cận nhà vua. Việc bổ nhiệm hoạn quan, người về lý thuyết ít chịu ảnh hưởng của các lợi ích bên ngoài, trong trường hợp này, cũng thể hiện rõ sự khách quan, minh bạch. Trần Hùng Thao có lẽ là một viên quan có năng lực nên sau này còn được bổ nhiệm lên đến chức Thiếu phó.
Sau này, Trần Khắc Chung được thăng tiến lên nhiều chức vụ quan trọng khác, như chức An Phủ sứ ở kinh đô năm 1293, rồi sau đó thăng đến chức Nhập nội Hành khiển, ngang với Tể tướng, năm 1303.
Em của Trần Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư cũng được anh trai tiến cử làm sứ thần sang giao hảo với nhà Nguyên, sau khi quân đội nước ta đánh bại chúng ở lần xâm lược thứ ba, sự việc diễn ra năm 1288. Đây là một sứ mệnh ngoại giao không dễ dàng mà Đỗ Thiên Thư đã hoàn thành tốt đẹp nên được vua Trần rất khen ngợi.
Dù cuối đời của Trần Khắc Chung, sử sách phê phán nhiều thói hư tật xấu mà vị đại quan này mắc phải nhưng không thấy có dòng nào nói về việc anh em ông có hành động “trả thù” viên kiểm pháp quan ngày xưa, chứng tỏ luật pháp thời đó nghiêm minh và quan lại đều biết tuân thủ.
Những vị quan kiểm pháp danh tiếng
Bên cạnh Trần Hùng Thao, viên kiểm pháp quan “áo xanh” đầu tiên, thì sử sách thời Trần cũng ghi lại tấm gương của những vị kiểm pháp quan tài ba khác.
Điển hình như Đoàn Khung, cũng là quan hầu cận trong văn phòng nhà vua, đã trở thành một viên kiểm pháp quan được tôn trọng.
“Toàn thư” viết về tài trí của Đoàn Khung như sau: “Năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Phù năm thứ 6 đời Trần Thái Tông (1278), hồi đó, nhà dân ở kinh thành thường bị cháy về ban đêm. Vua ra ngoại thành xem chữa cháy, Nội thư gia Đoàn Khung đi theo. Vua sai điểm xem người nào đến chữa cháy và kiểm xem ai đến trước. Khung ấn đầu từng người một bảo ngồi xuống để đếm, đếm xong tâu rõ người nào đến trước, người nào đến sau .
Vua hỏi: "Tại sao mà biết?". Khung trả lời: "Thần ấn đầu người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám vào thì đó là những người đến trước và cố sức chữa, người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết". Vua Trần Thái Tông cho là giỏi, có ý cất nhắc để dùng.
Đến thời Trần Anh Tông, Đoàn Khung đã được bổ nhiệm làm kiểm pháp quan. Khi xét án, hễ vua hỏi về điển lệ cũ, Khung đều dẫn được án cũ làm chứng, có khi dẫn nhiều đến 5, 6 án liền. Vua Trần Anh Tông khen Khung là người thông minh, nhớ lâu.
Nhớ rõ các án lệ như vậy, hẳn nhiên Đoàn Khung xét án không sai, giúp việc thực thi pháp luật trong thời Trần Anh Tông được vững vàng.
Cũng trong thời vua Trần Anh Tông trị vì, vào mùa hè năm Hưng Long thứ 5 (1279), có viên quan Trần Thì Kiến được bổ nhiệm làm Kiểm pháp quan, kiêm chức Đại an phủ Kinh sư (cai quản về hành chính kinh thành Thăng Long).
Chính sử mô tả, Trần Thì Kiến tính người cương trực, trước kia làm môn khách của Hưng Đạo vương, Vương tiến cử ông lên nhà vua và được cất nhắc làm An phủ sứ Thiên Trường.
Khi ông cai trị phủ Thiên Trường, quê hương các vua Trần, nơi được coi như kinh đô thứ hai của đất nước, có xảy ra một sự kiện mà sử sách vẫn còn ca ngợi. Đó là việc Trần Thì Kiến quyết tâm móc họng nôn hết mâm cỗ mà người ta biếu, khi biết hóa ra người đó có việc cần cầu cạnh chứ không phải vô tư gì.
Bình luận về thái độ cương quyết có phần hơi gàn của Trần Thì Kiến, sử thần Ngô Sĩ Liên viết rằng: “Thì Kiến hành động lạ lùng quá mức để uốn nắn cái tệ xin xỏ của người bấy giờ, cũng như Án Anh tằn tiện quá mức để uốn nắn cái thói xa xỉ tiếm lễ của Quan Trọng vậy”.
Còn về khả năng xét án của Trần Thì Kiến, “Toàn thư” chép: “Mỗi khi có kiện tụng, thì dùng lý lẽ mà bắt bẻ, việc đến thì tìm phương pháp để ứng phó. Người đời đều cho là giỏi xét đoán kiện tụng”.
Đến năm 1289, Trần Thì Kiến được cất nhắc lên làm Nhập nội hành khiển Hữu gián nghị đại phu. Vua ban cho ông cái hốt có khắc bài minh ngự chế bốn câu thơ rằng: “Thái sơn trinh cao, Tượng hốt trinh liệt, Linh trãi tiến giác, Vi hốt nam chiết”. (Thái sơn rất cao, Hốt ngà rất cứng, Linh trãi dâng sừng, Làm hốt khó gãy).
Những vị quan xử án cẩn trọng
Bên cạnh các quan kiểm pháp, đời Trần cũng có những vị hình quan trực tiếp nắm việc thực thi pháp luật có tài xử án, được đời sau ca ngợi, điển hình như Phí Trực.
Sử viết, năm 1317, Thượng hoàng Trần Anh Tông về Thiên Trường, có Lang trung bộ Hình là Phí Trực theo hầu. Lúc đó, chức an phủ sứ lộ Thiên Trường khuyết, Thượng hoàng sai Phí Trực kiêm giữ luôn.
Bấy giờ trộm cướp bắt đầu nổi lên, do tên Văn Khánh là đầu sỏ. Có người khai là bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo nó là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, tên ấy nhận ngay, ai cũng cho là thực, duy có mỗi Phí Trực vẫn ngờ. Án ấy để lâu không giải quyết. Thượng hoàng hỏi chuyện đó, Trực trả lời:
"Mạng người rất trọng, lòng tôi còn có chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết".
Không bao lâu, Thượng hoàng hỏi lại, Trực trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận bảo:
"Nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa". Trực tâu:
"Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ".
Một tháng sau, Văn Khánh quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng do đó khen Phí Trực là người có tài.
Ngoài ra, thời Trần Minh Tông, còn có các viên Thẩm hình là Phạm Ngộ, Nguyễn Trung Ngạn cũng nổi tiếng về xét xử công bằng, thanh liêm.
Sử thời Trần ghi lại chuyện Trương Hán Siêu khi giữ chức Hành khiển, có nói trong triều rằng hình quan Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Vua lập tức sai điều tra, Trương Hán Siêu sợ hãi mới nói kín với người khác: "Tôi làm việc ở chính phủ, được chúa thượng tin dùng, cho nên mới nói thế, biết đâu lại có chuyện tra xét này!".
Vua nghe vậy nói: "Hành khiển là quan ở sảnh, Thẩm hình là quan ở viện, ta đều tín nhiệm cả. Sao lại làm ta tin quan sảnh mà ngờ quan viện?". Rồi khi đưa ra triều đình tra hỏi, Hán Siêu đuối lý, phải phạt 300 quan tiền.
Chỉ ít lâu sau, Phạm Ngộ được cử Tham tri chính sự Đồng tri thượng thư Tả ty sự, chức ngang với Hán Siêu. “Toàn thư” nhận định “Phạm Ngộ tuy học vấn không bằng Hán Siêu, nhưng làm quan thanh liêm cẩn thận, được tiếng khen ở thời đó”.
Một viên quan thẩm hình khác, Nguyễn Trung Ngạn, cũng được sử sách hết lời ca ngợi. Ông vốn giữ chức Tri thẩm hình viện sự, lại được kiêm chức An phủ sứ Thanh Hóa. “Trung Ngạn cho lập Bình doãn đường xét xử ngục tụng. Không ai bị xử oan hoặc xử quá đáng”, sử chép.
Về luật pháp thành văn, đến cuối đời vua Trần Minh Tông (năm 1333), vua mới sai Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn làm biên soạn bộ “Hoàng triều đại điển” và khảo soạn bộ “Hình thư” để ban hành.
Lê Tiên Long