Khi những chùm pháo hoa bay lên rực rỡ từ Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ, hàng triệu người hân hoan trao nhau những cái ôm, nụ hôn và ước vọng vào năm mới, thì trong một căn hộ chật chội nằm tại quận Brooklyn cách đó vài km, Diệu Chi, 38 tuổi, một phụ nữ nội trợ, ngồi trong bóng đêm với những giọt nước mắt lăn trên má.
Sống ở New York hai năm, nhưng mỗi dịp giao thừa đến, Chi lại từ chối đi cùng chồng con đến quảng trường Thời đại, bởi pháo hoa, đèn nháy, âm nhạc, sự huyên náo và rạng rỡ của đám đông lại khuấy đảo trong cô ký ức về những năm tháng ở Việt Nam, khi Chi còn là giám đốc sáng tạo của một công ty tổ chức sự kiện danh tiếng.
Tháng 4-2017, Chi bỏ lại sự nghiệp sáng lạn ở Việt Nam để theo chồng đến nước Mỹ lập nghiệp với hy vọng đem lại cho các con môi trường giáo dục tốt, và cô cũng có thể đăng ký vào những khoá học về nghệ thuật, truyền thông ở quốc gia có ngành công nghiệp sáng tạo, giải trí phát triển nhất thế giới.
Nhiều bạn bè, đồng nghiệp khuyên can Chi đừng dễ dàng từ bỏ sự nghiệp như vậy, vì họ hiểu, công việc là gốc rễ tạo nên con người Chi - một phụ nữ năng động, tài năng, tràn đầy năng lượng sống. Họ dự đoán cô sẽ rơi vào trầm cảm nếu chấp nhận vai phụ nữ nội trợ với những công việc quẩn quanh trong bốn bức tường.
Ảnh minh họa: L.G |
"Chỉ hai tháng sau khi đặt chân xuống sân bay John F. Kennedy, tôi rơi vào trầm cảm thực sự. Đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm con, tắm rửa, đọc truyện, cho chúng ngủ... cứ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán, khiến tôi như chết dần từ bên trong", Chi tâm sự.
Trước đây, cô hầu như dành thời gian trên các sân khấu hoặc các chuyến bay từ Nam ra Bắc, chỉ về nhà lúc con đã ngủ. Nay, Chi dành toàn phần thời gian cho con, sợi dây yêu thương được gắn kết, nhưng từ bên trong, cô luôn cảm thấy thiếu thốn một điều gì đó.
Có những lúc khi nghe một bản nhạc hoặc xem một bộ phim, Chi lại nhớ đến cảm giác hân hoan, phấn kích khi chuẩn bị các ý tưởng cho một sự kiện thời trang hoặc ra mắt sản phẩm hoành tráng. Cô nhớ những chuyến đi công tác dài ngày được gặp gỡ các chuyên gia, nghệ sĩ, cùng thảo luận những ý tưởng đột phá.
Cô nhớ những buổi làm việc thâu đêm với guồng quay chóng mặt để kịp thời hạn, nhớ những thành công và cả những thất bại của một sự nghiệp rực rỡ mà cô đam mê, nỗ lực theo đuổi.
COVID-19 ập đến, trường học đóng cửa, hai con phải học online ở nhà, dự định tham dự những khoá học về kinh doanh và sáng tạo của Chi đành gác lại. Đại dịch như giáng thêm đòn nặng nề vào tinh thần vốn bất ổn của người phụ nữ. "Tôi căng thẳng, bức bối, thường xuyên cãi vã và đổ lỗi cho chồng, vì anh mà tôi trở nên như vậy", cô kể lại.
Trong khi chồng cô được dành một phòng riêng trong nhà để làm việc, thì Chi phải vật lộn với việc chăm sóc và dạy dỗ con, đồng thời nấu nướng, mua sắm thực phẩm, sửa chữa điện nước, trong bối cảnh virus xuất hiện khắp nơi, nguy cơ mắc bệnh thường trực.
"Tôi còn lựa chọn nào khác đây? Khi lúc này chồng tôi là lao động chính trong gia đình. Nếu anh không đi làm, chúng tôi sẽ chết đói", cô cay đắng nói.
Ảnh: L.G |
Mai Lan, một bà mẹ 43 tuổi, sống tại San Jose, Mỹ cũng có sự nghiệp rực rỡ ở Việt Nam khi chị từng là phó giám đốc phụ trách bán hàng và đối ngoại của một công ty bất động sản danh tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Mức lương của chị lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng với những chuyến đi công tác trong và ngoài nước thường xuyên, những bữa tiệc và cuộc họp có sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng. Vì lý do đoàn tụ gia đình và muốn cho ba đứa con được tiếp cận với nền giáo dục hiện đại nhất thế giới, chị rời Việt Nam đến Mỹ định cư gần một thập niên.
Những năm đầu đến Mỹ, công việc luật sư kiêm môi giới bất động sản của chồng tạo nguồn thu đủ để duy trì cuộc sống nên chị đã tạm thời ở nhà để ổn định gia đình và chăm lo cho ba con. Khi chị bắt đầu khởi nghiệp bằng một doanh nghiệp với những tour du lịch đặc biệt cho đối tượng khách châu Á, thì đại dịch tràn tới, đập tan mọi dự định của Lan.
"Tôi không thể cùng một lúc làm nhiều công việc, làm mẹ, làm cô giáo (ba con đều học tại nhà), làm nội trợ và vận hành doanh nghiệp", chị kể.
Sau khi cân đo đong đếm tất cả ưu, nhược điểm của từng lựa chọn, chị đành gác lại giấc mơ khởi nghiệp, vì lúc này, sự an toàn và ổn định của con được coi là ưu tiên số 1.
"Bản năng của một người mẹ không cho phép tôi gửi con đến những lớp học khi chúng chưa được tiêm vaccine, trong khi mỗi ngày nước Mỹ vẫn có hàng trăm người chết, hàng nghìn người mắc COVID-19", chị nói.
Vậy là, người phụ nữ lựa chọn tiếp tục ở nhà toàn tâm cho sự nghiệp làm mẹ, làm vợ, dù trong thâm tâm, chị cảm nhận sự độc lập, tự chủ của mình đang chết dần. Từ một phụ nữ tài năng, đầy tham vọng, dám thách thức mọi thử thách, nay chị sợ ra ngoài mua sắm, sợ tiếp xúc với người lạ, sợ nghĩ đến cả ngày mai.
Đại dịch COVID-19 không chỉ đảo lộn toàn bộ nhân loại, tác động đến từng quốc gia, lãnh thổ, gia đình mà còn giáng đòn nặng nề lên những người phụ nữ đang tham gia lực lượng lao động.
Tại Mỹ, ổ dịch lớn nhất thế giới, COVID-19 khiến hầu như hệ thống trường học trên cả nước đóng băng trong nhiều tháng, hàng triệu trẻ em phải học online tại nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm virus.
Vào thời điểm tháng 3 đến tháng 9-2020, hơn 5 triệu phụ nữ Mỹ đã phải rời thị trường lao động để ở nhà chăm sóc, dạy dỗ con cái. Tại thời điểm hiện tại, khi một nửa dân số nước này được tiêm vaccine, các trường học bắt đầu mở cửa trở lại, 1,3 triệu phụ nữ vẫn trong cảnh thất nghiệp ở nhà trông con.
Rất nhiều phụ nữ trước đại dịch đảm nhiệm những công việc luật sư, bác sĩ phẫu thuật, tư vấn, bán hàng, marketing, tiếp thị... với mức lương hàng trăm nghìn USD mỗi tháng, giờ lựa chọn ở nhà.
Các chuyên gia đánh giá, đây là một bước thụt lùi trong tiến trình xoá hố sâu bất bình đẳng giới của nước Mỹ. Việc phụ nữ phải từ bỏ công việc sẽ để lại hậu quả nặng nề về thu nhập, sự thăng tiến trong nghề nghiệp, các cơ hội phát triển bản thân.
"Đôi khi không chỉ là thu nhập, việc ở nhà nhiều năm còn làm héo mòn người phụ nữ, khiến họ đánh mất sự độc lập tự chủ, từ đó đánh mất danh tính và mục đích sống của họ", một chuyên gia xã hội học từ Đại học Washington nhận định.
Lý do chính khiến phụ nữ chọn ở nhà để đảm nhiệm vai trò làm mẹ, làm vợ trong khi đàn ông đi làm và phát triển sự nghiệp chính là họ bị trả lương thấp hơn.
Theo nhiều nghiên cứu, nhà tuyển dụng thường đánh giá thấp hoặc không thuê những người phụ nữ có lý lịch "nội trợ nhiều năm" vì họ cho rằng những người này có bước thụt lùi về kỹ năng, kinh nghiệm, mối quan hệ xã hội và ít cam kết cống hiến tận lực cho doanh nghiệp như những người chưa lập gia đình hoặc đàn ông.
Ngoài ra, các công ty đôi khi định kiến khi phụ nữ có con, họ sẽ làm việc ít giờ hơn, bị phân tâm nhiều hơn và không thể cống hiến toàn tâm toàn lực cho ông chủ. Khi gia đình phải đối mặt với những lựa chọn ai ở nhà, ai đi làm, phụ nữ thường có xu hướng từ bỏ sự nghiệp nhiều hơn đàn ông chính vì vòng xoáy luẩn quẩn này.
Trong tâm trí của những phụ nữ đã có sự nghiệp nhưng vì hoàn cảnh phải miễn cưỡng chọn lùi lại phía sau, có một ngọn lửa luôn âm ỉ cháy. Đó là khát vọng được sống với những giá trị cốt lõi của bản thân, với đam mê, ước mơ được cống hiến và góp ích cho cuộc đời."Tôi gọi đó là mục đích sống. Tôi muốn được quay trở lại với công việc nghệ thuật và sáng tạo, muốn sáng lập một tổ chức giáo dục nghệ thuật phi lợi nhuận cho trẻ em nghèo", Chi nói.
Vì thế, cô tranh thủ hai đến ba giờ đồng hồ mỗi ngày tham dự khoá chứng chỉ 14 tháng về tâm lý giáo dục và nghệ thuật thị giác. Có nhiều lúc Chị bị phân tâm bởi việc kèm con học hoặc những khi hai đứa trẻ lây nhau ốm sốt.
Có những lúc cô mệt mỏi, kiệt sức vì xoay xở việc nhà và chăm sóc con cái, và tự hỏi: "Liệu những gì đang bỏ ra có đem lại kết quả không? Có xứng đáng để đánh đổi không?". Nhưng cuối cùng, khi Chi hiểu muốn có lại sự nghiệp, ít nhất cô phải sốc lại quyết tâm, không nhụt chí và không bỏ cuộc.
Minh ĐứcXem thêm: /770346-peihgn-us-ohc-naht-nad-yah-ioun-gnohc-ahn-O/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna