Bóng tối đặc quánh như bồ hóng bám lâu ngày trên gác bếp nhà nghèo. Gió từ sông Miên luồn qua các kẽ hở trên bức vách nẻ toang hoác, luồn vào từng cơn buôn buốt. Nơi lũy tre cuối bãi, tiếng cuốc rúc lên từng hồi thê thiết, não nề. Nằm trên chiếc giường nan cũ kỹ cọt kẹt tiếng mối mọt, Tươi trở lưng hết bên này sang bên kia mà không sao chợp mắt nổi.
“Tươi làm vợ tôi nhé?”. Chiều nay, gặp nhau ở bến sông, Diêu nhìn thẳng vào mắt Tươi mà nói như vậy. Mặt Tươi đột ngột đỏ bừng, tim đập thình thịch như muốn phót khỏi lồng ngực. Khoảnh khắc ấy, bên sông có tiếng gọi đò, Tươi vội vã xoắn tay áo rồi tất tả đi như chạy, bỏ Diêu đứng chưng hửng bên gốc gạo già đỏ rực xác hoa...
Tươi tuổi Dần, lại sở hữu đôi gò má cao như hai nửa quả cam úp vào gương mặt. Người già bảo, tướng ấy không sát chồng thì cũng sát con. Mỗi lần gặp Tươi, đám trẻ làng cứ bắc loa tay reo hò oang oảng: “Tuổi Dần, gò má lại cao/ Tươi ơi, Tươi hỡi làm sao tìm chồng?”. Ban đầu, cô chạnh lòng lắm, tối tối lại rúc vào ngực bà ngoại khóc rưng rức. Nghe nhiều thành quen. Nhưng những câu hát ấy vận vào số phận khiến đường tình duyên của cô một đời lận đận, long đong. Thời thiếu nữ, Tươi hằng ấp ủ mối tình đơn phương với một chàng trai trong làng chẳng bao giờ ngó ngàng đến cô. Thoáng thấy bóng chàng, hai nửa quả cam lại ửng lên rần rật. Rồi chàng trai ấy cưới cô gái đầu làng làm vợ...
Tươi khép cánh cửa lòng thật chặt. Dù Tươi cần cù, tháo vát cũng chẳng người đàn ông nào đoái hoài tới cô gái kém sắc, mồ côi, sống với người anh trai mắc bệnh teo cơ và bà ngoại già trong căn nhà lợp ngói âm dương lỗi thời, lụp xụp. Anh trai mất. Bà ngoại cũng chẳng đợi được ngày đứa cháu gái yên bề gia thất. Trước lúc nhắm mắt, bà nhìn trân trân lên lỗ thủng nóc nhà mà ai oán: “Sao cháu tôi lại khổ thế này?”. Một mình bơ vơ, Tươi chẳng dám mơ gặp được tấm chồng. Ban ngày, đưa đò qua sông. Đêm đến, đi cất vó tôm, vó tép. Tươi sống dật dờ như con cuốc lủi trong bụi rậm. Nhiều lúc mủi lòng, cô nghĩ, mình tên Tươi mà đời cứ tăm tối như rớt trúng đống tro.
*
Chả gì Diêu cũng là trưởng nam một dòng họ bề thế trong vùng. Nhà có hẳn ba mẫu ruộng và đàn trâu hơn chục con nần nẫn. Mang tiếng con nhà nông nhưng từ bé, Diêu chẳng phải đụng chân, mó tay vào bất cứ việc gì. Việc của Diêu là chơi cho ngoan, lớn cho khỏe mạnh, và nếu học giỏi nữa thì càng tốt. Mấy ai được bao bọc nhung lụa kiểu đó mà không sinh thói hư hỏng cho được? Hết lớp 9, Diêu bỏ học, theo đám thanh niên trong làng lên mạn ngược đào vàng. Ba bảy hăm mốt ngày thì khăn gói quả mướp lóc cóc về nhà. Nhìn Diêu tóc tai xơ xác, da dẻ vàng vọt, mẹ xót con, rơm rớm: “Về nhà, mẹ nuôi”.
Diêu có đôi mắt đen sâu thẳm như xoáy nước cuốn hồn người đối diện và chất giọng đằm đượm như rót cả bát nước chè xanh mật mía vào lỗ tai người nghe. Lớn lên, Diêu không đếm nổi hai bàn tay mình từng cởi áo biết bao người con gái làng trong, xóm ngoài. Có khi vừa cài lại cúc áo cho cô này đêm qua thì sáng nay đã thấy Diêu buông lời chòng ghẹo, tán tỉnh một cô khác. Con gái trong vùng, ai cũng biết Diêu đào hoa, Diêu lăng nhăng, lật mặt nhưng họ cứ xúm vào Diêu như vụn sắt không cách nào cưỡng lại lực hút của một thanh nam châm khổng lồ.
Chỉ những cô bị Diêu hất cẳng mới đắng đót vỡ ra, chui vào được chĩnh gạo nhà Diêu có khi còn khó hơn lên trời. Mỗi lần cởi được áo một cô gái nhẹ dạ, cả tin, Diêu tự hào như vừa lập chiến công. Mẹ Diêu nhiều lần nhắc:
- Tôi muốn bế cháu nội lắm rồi.
Diêu nhơn nhan:
- Con trai mẹ thả chút thính là gái dính như ruồi!
Thế rồi, một đêm mưa, lão đồ tể đầu làng dẫn đứa con gái tên Xuyến đang học lớp 11 với cái bụng hơi nhô nhô sau lần áo hoa mỏng dính đến nhà Diêu bắt vạ. Bà mẹ xằng xẵng:
- Có chắc là của con trai tôi không đấy?
Lão đồ tể phóng con dao chọc tiết lợn cắm phập lên mặt bàn, trợn trừng đôi mắt đòng đọc đỏ:
- Bà hỏi con bà xem?
Bà giật nảy mình, quay lại nhìn Diêu thay cho câu hỏi. Diêu cúi gằm mặt xuống nền nhà. Diêu nhớ một lần say rượu đã rủ Xuyến ra bãi ngô. Lần đó, sau khi mặc lại quần áo, cô khóc tơi bời mưa gió.
Minh họa: Phạm Minh Hải |
- Chúng con… mới làm chuyện ấy một lần.
Không kìm nổi cục tức, bà mẹ quắp ngón tay cốc vào đầu Diêu một phát đau điếng:
- Ngu ơi là ngu!
*
Thực ra, vẫn có vài ba người đàn ông nhòm ngó Tươi. Nhưng đa phần là những kẻ trung niên có vợ, hoặc thiếu thốn rỏ nước dãi, hoặc no gà, chán vịt, muốn nếm thử món bọ xuýt lạ mồm. Trong số đó, có một lão tên Mạnh, chừng sáu mươi tuổi, vợ bị tai nạn xe máy, nằm liệt giường hơn hai năm nay. Vợ ngày càng héo hon, chồng hãy còn rắn rỏi. Mấy lần, Tươi bắt quả tang lão thập thò núp sau bụi chuối trộm nhìn Tươi tắm. Tươi théo thét hét lên. Mặt lão chẳng chút biến sắc, cứ trơ ra như giẻ nhắc nồi:
- Tao đến xin ít củ chuối về xào lươn chứ có làm gì mày đâu mà mày toang toang lên thế?
Hơn ba mươi tuổi, Tươi chưa từng biết mùi đàn ông. Cô nghe người ta kể, phụ nữ có thể sống cả đời không cần đàn ông, nhưng bén hơi vài lần rồi thì khó lòng mà rứt ra cho được. Lầm lũi trong căn nhà nhỏ lúc nào cũng um ủm bóng tối, thảng hoặc, cô lại nằm tưởng tượng về ánh mắt ấy, tưởng tượng những người đang yêu tỏ tình thế nào, hôn nhau ra sao rồi tự phân thân thành hai nhân vật, tay trái nắm lấy tay phải, vân vê, nói nói, cười cười...
Rồi cũng qua tháng. Rồi cũng hết năm. Cô độc. Đói nghèo. Tủi cực. Tươi tưởng đã quen rồi. Ngày nọ, cả xã nhao lên chuyện bà cụ làng bên không chồng, không con, chết gần tháng trời trong khóe bếp chẳng ai hay biết. Khi người ta phát hiện ra, căn bếp bốc mùi hôi thối sặc sụa. Lũ ruồi nhặng luẩn quẩn bay lên, sà xuống từng đàn đen đặc. Chỉ được nghe kể mà Tươi nôn thốc, nôn tháo như sắp lộn ngược dạ dày ra ngoài. Bà lão bán nước bên gốc đa rủ rỉ vào tai Tươi: “Không chồng cũng gắng kiếm lấy một mụn con, về già còn có chỗ nương tựa”.
Cả ngày hôm đó, Tươi bỏ ăn. Tối, gió hú hét, vần vũ trên mái nhà cơ hồ muốn lật tung từng viên ngói nhỏ lên mà nhai ngấu, nhai nghiến. Sấm sét giật đùng đùng như đá lở. Ánh chớp liên hồi chém ngang, chém dọc. Rồi mưa đổ ào xối xả. Tưởng như có bao nhiêu nước, trời làm mình, làm mẩy trút hết xuống nhân gian. Mái ngói rung lắc như những chiếc răng sâu sắp rụng. Con mèo đen sợ quá, luẩn quẩn chân giường, kêu nhéo nhẳng. Tươi bế con mèo lên, vuốt ve trấn an nó mà toàn thân cô cũng run lên bần bật. Đã một mình trải qua bao mùa mưa to, gió lớn hơn thế này nhiều, nhưng bỗng dưng, cô thấy sợ, một nỗi sợ mơ hồ xâm lấn lấy tâm trí, rân rân ớn lạnh…
*
Có vợ, Diêu bỏ được thói trăng hoa. Đúng hơn là trời ban cho Diêu cô vợ ghê gớm quá, lại thêm ông bố vợ luôn giắt sẵn con dao chọc tiết lợn bên lưng quần, con gái chỉ ho một tiếng, ông liền xuất hiện với gương mặt đằng đằng sát khí. Một lần, Diêu véo má người tình cũ ở chợ bị bố vợ bắt gặp, ông lia cả cái chân giò lợn đang cạo lông vào trúng mặt con rể làm cả chợ lao xao chỉ trỏ.
Lần khác, hai đứa cãi cọ, Diêu chỉ tát Xuyến một phát nhè nhẹ, ông hùng hục xách con lợn cắp nách đến sân nhà Diêu, vung dao chém một nhát sắc ngọt, đầu lợn đứt lìa, máu phọt vào mặt Diêu tung tóe. Ông nanh nọc tuyên bố: “Mày có lỗi với con gái tao lần nữa, đời mày sẽ chẳng khác gì đời con lợn này đâu”. Cả Diêu, mẹ Diêu và Xuyến đều run lập cập. Ông bắt Diêu mang con lợn vào cạo lông, xẻ thịt, ăn cho nhớ đời.
Vợ chồng Diêu chẳng khác gì hai đứa con nít chơi trò đồ hàng. Cắm cơm, rửa bát so bì từng tí. Con trai tôi là ôsin cho nhà chị đấy à? Thời đại nam nữ bình quyền, ai cũng như ai. Mẹ chồng đằng hắng hai, con dâu cũng chem chẻm một. Khi cái bụng trồi lên lùm lùm, Xuyến đòi Diêu nấu nước ngũ vị massage chân cho cô trước khi đi ngủ. Mẹ chồng bắt gặp, mặt nặng, mày nhẹ:
- Đời thuở nào, trưởng tộc dòng họ Hà danh giá này lại phải đi vục mặt vào cái đũng váy của cô?
- Thế chả phải trưởng tộc dòng họ Hà danh giá cũng chui ra từ cái đũng váy của mẹ à? Cái đũng váy của con thì đã sao nào?
Diêu hất tung chậu nước ra sàn nhà lênh láng:
- Cô bớt mồm đi!
Chưa được bao lâu thì Xuyến sẩy thai. Hôm đi cưới đứa bạn trên thị trấn, Xuyến mặc váy bầu ngắn cũn và đi đôi giày cao gót lênh khênh hơn mười phân. Diêu khuyên thế nào, Xuyến vẫn nằng nặc không chịu đổi: “Chân tôi ngắn, đi mấy đôi giày bệt, quê bỏ xừ”. Lúc tò mò trèo lên tầng hai xem phòng tân hôn, Xuyến bước hụt cầu thang, ngã lăn mấy vòng liền. Máu ròng ròng chảy ra thành một vũng loang loang. Xe đón dâu trở thành xe cấp cứu. Khi tỉnh lại, nghe chồng thông báo đứa con không còn, Xuyến chỉ thở dài lấy lệ, mặt vẫn tỉnh bơ, vơ lấy điện thoại selfie một bức ảnh đang nằm thoi thóp trên giường bệnh đăng lên Facebook kèm theo dòng caption tỏ ra vô cùng đau xót. Một lúc sau, Xuyến hớn hở khoe chồng:
- Ba trăm hay mươi bảy like rồi nè, anh. Với lại nhiều comment lắm luôn.
- Cô thôi đi! Mất con mà cô không chút đau buồn à?
- Đau buồn giải quyết được gì? Đau buồn mang ra pha với nước mà uống được không?
Mẹ Diêu lườm con dâu đứt mắt. Bà vống lên khóc mà chẳng vắt ra giọt nước mắt nào:
- Trời ơi là trời? Có người mẹ nào vô tâm, tàn nhẫn như cô không?
*
Tươi vẫn còn ám ảnh câu chuyện cái chết của người đàn bà làng bên. Nhiều đêm, cô mơ thấy mình chết trong một góc nhà ẩm dột. Lũ chuột và gián kéo đến đục khoét, ngụp ngoi, gặm nhấm thân thể cô mỗi ngày một chút, từ mắt, mũi, miệng rồi lan dần ra các đốt ngón tay, ngón chân cho đến lúc chỉ còn trơ lại bộ xương khô nham nhở. Lần nào mơ đến đó, cô cũng vùng tỉnh, thở hồng hộc, mồ hôi túa ra bướt bện. Con mèo giật mình, kêu réo rắt rồi bỏ chạy. Tươi ôm lấy mền chăn chiên mỏng dính, khóc tức tưởi. Chẳng lẽ mình phải sống cô độc cả đời? Hay là kiếm một mụn con? Nhưng mình khoai sắn qua ngày thì được chứ bắt con chịu khổ cùng mình sao đành? Nuôi một đứa trẻ khôn lớn nào có dễ đâu?
Lão Mạnh bỗng dưng thay tính, đổi nết, trở thành người tử tế khiến Tươi ngờ ngợ. Có hôm, giữa trưa nắng chang chang, lão bí mật giúp Tươi cày nốt thửa ruộng đang cuốc dở. Hôm khác, lão mang cho Tươi giỏ lươn loẵng ngoẵng. Dù Tươi từ chối thế nào lão vẫn nhất quyết đổ ập vào cái vại bỏ không rồi cười hềnh hệch: “Tao cũng từng mồ côi, mồ cút, nên tao thương mày như đứa em thôi. Mấy nữa tao đảo lại ngói cho. Mùa mưa đến, ở tạm bợ thế này có ngày cảm lạnh chết”. Chả hiểu sao, câu nói của lão khiến Tươi sụt sùi cảm động. Lão ra về, cô cứ lẳng lặng nhìn theo mãi cho đến khi cái dáng bai bải khuất sau lũy tre. Tươi thầm nghĩ, có khi mình hiểu nhầm lão thật…
Một buổi chiều, con đò của Tươi vừa rời bến một quãng thì cứ chao đảo, chao đảo dần rồi chìm nhanh như con thỏ hụt chân hố bẫy. Tươi cố quờ quật trong dòng nước lạnh buốt. Vừa lúc lão Mạnh đi thả ống lươn ngang qua. Lão cởi phăng áo nhảy ùm xuống dòng nước xiết, lặn một hơi dài ra đến chỗ Tươi. Lão túm tóc, kéo ngửa Tươi vào bờ. Khi đã nằm trên vạt cỏ mềm, Tươi thở phì phò như con lợn bị chọc tiết. Mặt trời chìm hẳn sau cánh núi xa xa. Bóng tối đổ tràn khắp lối. Đột nhiên, lão Mạnh đặt tay lên vầng ngực phập phồng của Tươi, bóp nhẹ. Tươi giật nảy mình:
- Ông định làm gì vậy?
Lão nói nhẹ như gió thoảng:
- Mày không cảm ơn tao được à?
- Tôi… tôi…
- Tối rồi. Không ai thấy đâu mà sợ! Mày muốn có con không, tao cho mày một đứa. Rồi tao cũng sẽ có trách nhiệm với mẹ con chúng mày - Lão vẫn ôn tồn - Mày dại lắm, có đứa con cho vui cửa, vui nhà. Tao thề là dù có phải chết, tao cũng không hé răng cho người thứ ba biết.
*
Bốn năm trôi qua, cái bụng Xuyến vẫn lép kẹp như quả mướp khô. Hai vợ chồng đưa nhau lên Bệnh viện đa khoa tỉnh mấy lần, mọi thứ đều bình thường cả. Chẳng biết trục trặc chỗ nào? Con cái là lộc trời, nôn nóng hỏng việc. Mỗi lần mẹ chồng có ý bóng gió chuyện con nhà hàng xóm mới cưới nhau đã cháu bồng, cháu bế thì chẳng chịu kém cạnh nửa lời, Xuyến liền câng câng đáp lại như vậy. Không ít lần, hai mẹ con giương gân, giương cổ lên mà cãi nhau nước đôi lóe xóe. Láng giềng bĩu môi ngao ngán. Diêu cũng chỉ biết vò đầu, bứt tai. Xuyến có ông bố đồ tể làm lá chắn, chẳng ai dám đụng đến nửa cọng lông chân.
Rồi nghe thầy bói mách nước, mùa đông năm ấy, mẹ Diêu cho đầu tư xây lại nhà thờ họ thật hoành tráng, cầu kỳ. Xây xong chưa được bao lâu thì một phần mái vòm đổ sập xuống lúc bà đang đứng ở sảnh lom khom sắp mâm hoa quả. Gãy đôi xương sống. Người ta xì xào đồn thổi, bà tự ý làm mất đi nét cổ kính thâm u hằng trăm năm của nhà thờ nên bị tổ tiên trừng phạt, chưa bỏ mạng là may. Diêu bán hai mẫu ruộng và hơn nửa đàn trâu mới đủ tiền chạy chữa cho mẹ. Nhưng phần đời còn lại, bà phải nằm liệt một chỗ. Bà thều thào nói với Diêu trong nước mắt:
- Mẹ chịu trừng phạt thế nào cũng được. Nhưng các con phải sinh được con trai nối dõi tông đường.
Từ ngày mẹ chồng gặp nạn, Xuyến xem bà như cục thịt thừa. Mỗi lần dọn vệ sinh và rửa ráy, thay quần áo cho mẹ chồng, cô bịt khẩu trang bốn lớp vẫn nôn ọe như thể ai móc hầu, moi họng. Xuyến choẳn ngoẳn than mệt, thoái thác những công việc ấy cho chồng: “Tôi làm gì nên tội mà bắt tôi phải chịu cực hình một mình thế này. Anh là con đẻ thì phải có trách nhiệm chăm lo cho mẹ anh đi chứ”. Rồi tự phân công cho mình nhiệm vụ nấu ăn và rửa bát, chẳng mấy khi cô bén mảng vào căn buồng khai thủm đó. Còn một mẫu ruộng, vợ chồng bỏ hoang cho cỏ mọc xanh rì. Bầy trâu bán dần, bán mòn giờ chỉ còn lại hai con gầy trơ mạng sườn. Trong nhà không hôm nào không xảy ra lườm nguýt, đành hanh, cãi cọ. Nhiều lần, mẹ Diêu ngậm ngùi định cắn lưỡi mà chết cho xong.
Hết tình. Hết nghĩa. Hết tiền. Xuyến kê tờ đơn ly hôn dưới cái bình hoa, ngúng nguẩy khuân đồ đạc bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Diêu định chạy sang nhà bên ấy lựa lời khuyên nhủ thì mẹ anh ngăn lại:
- Thôi, con ạ! Ký đi. Nó không sống nổi trong cái nhà này được đâu...
*
Tươi mang bầu cũng là lúc lão Mạnh rủ Xuyến bỏ làng đi đâu không ai rõ. Thoáng buồn rồi cũng quên ngay. Thôi thì mẹ con mình sống với nhau, có cơm ăn cơm, có sắn ăn sắn, con nhé. Mảnh vườn nhà, hở khoảng đất nào, Tươi gieo hạt trồng rau chỗ đó. Chẳng mấy chốc mà rau cải, rau thơm, rau mùi, xà lách và mấy giàn đậu đũa, dưa leo, mướp đắng… lên xanh ngăn ngắt. Chiều chiều ra sông lấy nước tưới rau, Tươi nhìn dòng Miên uốn khúc trôi êm, nhìn những đám lục bình tím sắp tắt dưới ánh hoàng hôn sâm sẫm, lòng Tươi cứ dâng lên nỗi buồn hoang vọng…
Bụng Tươi hơi nhu nhú thì thi thoảng lại lên cơn đau dằn dẵn. Tươi mang mớ tiền lẻ dành dụm bao lâu trong cái ống nứa ra, vuốt phẳng phiu từng tờ một rồi bắt xe buýt lên thị trấn khám thai. Được một gã xe ôm trông rất chất phác, thật thà giới thiệu, Tươi tìm đến cơ sở y tế mới khai trương nằm sâu trong con ngõ lúp túp những cửa hàng ăn và shop quần áo. Hắn bảo, chỗ đó đang giảm giá, vợ hắn hôm qua cũng vừa mới khám xong, ổn lắm. Chứ vào bệnh viện có khi đắt gấp ba, gấp bốn. Người quê lên phố huyện, chẳng biết đầu đuôi thế nào, cứ nghe rẻ lại chất lượng thì thấy yên tâm. Vị bác sĩ trẻ siêu âm rồi bảo, thai nhi bị dị dạng chân tay. Một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng Tươi khiến toàn thân cô bủn rủn, bủn rủn dần. Và cô đổ quỵ xuống…
Dị tật cũng có di truyền? Giữ hay bỏ? Bỏ nó thì phải tội mà giữ nó thì cả hai mẹ con sẽ khổ suốt đời. Anh trai Tươi đã lê lết sống mòn, sống mỏi thế nào, cô còn nhớ như in. Tươi thẫn thờ ngồi ngắt những cánh hoa mùi nho nhỏ, nước mắt giàn giụa chảy ra không sao ngừng lại được. Bên bếp lửa lách lách tiếng củi khô và mùi thơm vỏ quế, nồi cơm đang sôi sùng sục. Những ngày qua, Tươi từng nghĩ, căn nhà này có tiếng trẻ con hẳn sẽ vui và ấm áp biết bao. Khi lớn lên, con sẽ cắp sách đến trường, sẽ giúp Tươi nấu cơm, quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn tược và cả nhổ tóc sâu, lông nách nữa. Đến bữa cơm, hai mẹ con sẽ gắp nhường nhau những miếng thơm ngon nhất... Bao nhiêu dự định tốt đẹp từng hân hoan nhảy múa trong đầu Tươi. Vậy mà…
*
Diêu bùi ngùi nhận ra, giờ lâm cảnh khốn cùng, đôi mắt đen sâu thẳm và giọng nói đằm đượm của Diêu chẳng đủ hấp dẫn một cô gái nào. Chợt thấy thương mẹ và hối hận về những tháng ngày chơi bời, đú đởn, Diêu dập đầu vào thành giường mà khóc tu tu. Mẹ ơi, sao trời không phạt con mà bắt mẹ phải gánh chịu hết thế này? Người mẹ già còm cõi chẳng còn nước mắt khóc cùng nữa. Những nếp nhăn trên hốc mắt cứ xô ép vào nhau rúm ró, khắc khổ. Những đau đớn tận cùng dồn lại rưn rứt khoang ngực:
- Tro tàn, mình bỏ thêm rơm. Mẹ thấy con Tươi...
Diêu biết, người phụ nữ đó vẫn thầm thương, trộm nhớ mình. Đến giờ, lần nào gặp nhau, mặt cô ấy cũng đỏ bừng như hơ lửa. Đêm xuống, nằm bên ô cửa sổ, hình bóng cô ấy trong tâm trí Diêu cứ chập chờn, thổn thức. Diêu nhớ cái tấm lưng cong của cô ấy mỗi lần chèo đò đưa khách qua sông hay những chiều thui thủi đi cất vó tôm, vó tép. Ngoài kia, ánh trăng mơ màng pha chút rét Nàng Bân cuối tháng Ba còn sót lại càng làm cho nỗi nhớ trong Diêu thêm nồng, thêm đượm. Ngày mai, Diêu nhất định sẽ đi tìm cô gái ấy…
*
Diêu muốn lấy mình? Đến cả trong giấc mơ, Tươi cũng chẳng dám tơ tưởng. Ánh mắt sâu. Giọng nói ấm. Những mùa hoa lục bình lẳng lặng trôi đi, Tươi vẫn không tài nào quên nổi. Tươi từng nghĩ, chỉ cần người đàn ông ấy ngỏ lời, Tươi sẵn sàng hiến dâng không mảy may hối tiếc. Khổ nỗi Tươi không đẹp, hai gò má lại cao nên hồi ấy chỉ biết đứng từ xa nhìn những cô gái vây quanh Diêu trong niềm ao ước...
- Tươi làm vợ tôi nhé?
Câu nói của Diêu còn thao thao trong tâm trí Tươi như thúc giục. Tươi chưa trả lời. Nếu biết mình đang mang thai, Diêu còn muốn cưới mình không? Mẹ Diêu ra nông nỗi thế, làm sao Diêu đủ sức đèo bòng thêm một đứa con riêng tàn tật của mình? Tươi ngồi bần thần mãi trên bến sông. Cuối tháng Ba, cây gạo già vắt kiệt nỗi lòng, cháy lên hết mình cho một mùa hoa đỏ. Hoa lẫn vào hoàng hôn rực rỡ. Sông Miên lặng lẽ chảy, cuốn trôi mùa hoa ngắn ngủi. Tươi nhặt đầy nón hoa, tìm đến vạt đê ngày ấy cô trao thân cho lão Mạnh, đào một cái huyệt nhỏ, xếp ngay ngắn những bông hoa nhỏ nhắn, tội tình. Rồi cô lần theo tiếng chim cuốc đi về bãi hoang lún phún mọc dày loài lá răng cưa...
*
- Cái Tươi chưa trả lời, mẹ ạ.
- Phải từ từ, từng chút một. Cứ chân thành, sớm muộn gì, nó cũng thương mình thôi.
- Mẹ vẫn sẽ thương nó chứ?
- Tôi không thương mà xúi anh đi hỏi nó về làm vợ à?
Cách vài ba hôm, Diêu lại ghé nhà Tươi, mang cho cô khi cân thịt, chiếc chân giò, lúc hộp mì tôm, chục trứng gà đều chằn chặn. Chum nước vơi, Diêu lại đem thùng ra giếng làng gánh về, đổ đầy ắp. Lần nào, Diêu cũng thấy mắt Tươi ươn ướt. Mẹ Diêu bảo, như thế nghĩa là nó động lòng rồi. Giờ thì đi đâu, làm gì, đầu óc Diêu cũng vương vương hình ảnh đôi mắt ướt lành hiền. Diêu không nhớ hết từng vờn giỡn bao cô gái. Nhưng chẳng hiểu sao, Tươi mang lại cho Diêu một cảm giác khác biệt, vừa muốn vồ vập, vừa muốn nâng niu. Nghĩ về Tươi, lòng Diêu cứ nôn nao câu hỏi, bao giờ nó mới đồng ý đây?
Diêu thuê người sửa sang lại căn nhà, chia nhỏ thành những phòng riêng biệt. Dạo gần đây, Diêu thường hay lúi húi ra bãi chặt tre về, miệt mài chẻ chẻ, vót vót. Mẹ hỏi thì Diêu bảo: “Con tính mang sang làng bên nhờ người ta đan cho mấy đôi thúng bền bền”.
*
Suốt cả tuần ròng, những cơn ác mộng giống nhau liên tục trở đi trở lại, giày vò, hút kiệt sức lực Tươi. Đứa con không tay, không chân đang cố ngửa cái đầu méo mó ngoi lên khóc thảm thiết giữa chiếc huyệt nhỏ dềnh dàng thứ máu đỏ lâm thâm, sóng sánh. Tươi chỉ biết tần ngần đứng nhìn từng đợt hoa gạo tầm tã rụng xuống lấp đầy dần chiếc huyệt cho đến khi xác hoa vun cao thành một nấm mộ thoài thoài, lạnh ngắt. Tiếng khóc của đứa con xuyên cánh hoa kéo dài u ám, mang mang...
Ấy là ngày thứ tám Tươi tươi uống thứ nước lá răng cưa đắng ngắt. Vị đắng thấm sâu vào gan, vào ruột. Con ơi, xin con hãy tha lỗi cho mẹ. Mong kiếp sau, con tìm được một người mẹ tốt hơn. Cô cứ ôm bụng nức nở. Cuối chiều, trời nổi cơn gió lạnh, Tươi lên cơn đau dữ dội. Đau như thể có cả đàn ngựa đang tung vó xéo đạp bên trong.
Vật vã. Quại quằn. Cô cắn răng nén chịu cơn đau dồn tức như thể sắp sửa nổ tung ổ bụng. Một thứ nước sền sệt ri rỉ giữa hai đùi. Sau cú gồng thở mạnh, đứa con trôi tuột ra ngoài. Cô gượng mình trườn xuống. Đứa con bé bỏng bằng củ khoai lang, tay chân đều lành lặn, đủ đầy. Cô lập cập bế nó lên, ấp vào vầng ngực, tim đau thắt nghẹn. Và cô thất thần nhìn về phía bến sông, nơi có chiếc huyệt hoa gạo chính tay cô đào sẵn, gầm lên như con sói trúng mũi tên tẩm độc:
- Ơ, con ơi!
Đúng lúc ấy, Diêu vừa chạm chân đến bậc cửa nhà Tươi. Chiếc nôi tre còn dịu thơm mùi nắng rơi tuột xuống sàn nhà máu đỏ luênh loang. Bên bến sông, bông gạo cuối cùng cũng vừa tắt lửa...
Truyện ngắn của Phan Đức LộcXem thêm: /271346-aoh-teyuH/neyurT/nv.moc.dnac.acnv