- Những điều tử tế và tốt đẹp luôn hiện diện
- Thắp sáng những điều tử tế
- Hiệu ứng cánh bướm cho những điều tử tế
Đây là sự tiếp nối sự thành công của cuốn sách “Để yên cho bác sĩ "hiền"” từng tạo nên một cơn sốt best seller hiếm thấy trên thị trường sách giấy trong ba năm trở lại đây, cuốn sách đã từng theo chân độc giả Việt Nam check in ở nhiều quốc gia, trên khắp các châu lục của thế giới. Vậy điều gì làm nên độ "hot" của phần tiếp nối này?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng. |
Ra đời ngay trong thời điểm cả thế giới và Việt Nam đang nóng lên vì đợt bùng phát thứ tư của đại dịch COVID-19, với những biến thể khôn lường của virus, trở thành thảm họa ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở khu vực châu Á, cuốn sách không chỉ mang tính thời sự mà còn chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa, trong đó, nổi bật là sự chân thực của những thông tin mà tác giả- một người đã và đang trải nghiệm với vai trò một bác sĩ giữa tâm dịch truyền tải.
Là một bác sĩ từng trải qua nhiều đợt chống dịch bệnh trước đây đồng thời cũng là một facebooker nổi tiếng, Ngô Đức Hùng hiểu rõ sức mạnh của truyền thông trong công cuộc chống lại những thảm họa này.
Trước những con số thống kê về số ca mắc, số ca tử vong hàng ngày do dịch COVID - 19, tâm lý cộng đồng không tránh khỏi sự hoang mang, hoảng loạn và lẽ thường, người ta có thể bấu víu vào những niềm tin, những phương thức phòng bệnh, chữa bệnh được lan truyền tràn lan trên mạng. Hiểu được tâm lý này, ngay phần đầu cuốn sách, tác giả đã diễn giải và chia sẻ những tri thức khoa học về virus, các bệnh dịch từng có trong lịch sử nhân loại qua văn phong đời thường, dễ hiểu, nhằm giảm bớt sự sợ hãi của độc giả về thứ virus bé nhỏ nhưng có sức hủy diệt ghê gớm này.
Sự chia sẻ thông tin trên không gian mạng là con dao hai lưỡi, vừa giúp chính quyền kiểm soát sự lây lan bệnh dịch nhưng cũng có thể đẩy người tiếp nhận đến sự cực đoan là thái độ kỳ thị đối với những ca bệnh. Ngay từ mùa dịch COVID-19 thứ nhất, không ít người đã trở thành nạn nhân của cộng đồng mạng khi họ mắc bệnh. Cùng với nỗi ám ảnh bệnh tật, nỗi kinh hoàng vì bị ném đá và kỳ thị trên mạng, trên các phương tiện truyền thông đã đẩy họ và cả những người nhiễm virus sau này có một tâm lý khiếp sợ, tự ti, giấu giếm vì sợ bị bới móc đời tư.
Những thống kê, những chuyện kể trong cuốn sách về ba làn sóng dịch bùng phát qua hai năm Covid (2020 -2021) tại Việt Nam và trên thế giới có lẽ cũng giúp người đọc nhận thức lại về những hành vi, về trách nhiệm cá nhân khi chia sẻ thông tin trên mạng, để có một thái độ nhân văn và tích cực hơn đối với người bệnh và những người liên quan – các bác sĩ điều trị.
"Những con người phải hứng chịu cơn thịnh nộ của đám đông cơ bản không có sức phản kháng, họ lựa chọn im lặng. Các câu chuyện nếu chúng ta nhìn theo khía cạnh tích cực sẽ thấy nhân văn hơn rất nhiều. Sự văn minh ấy là sự tử tế mà mỗi đám đông cần hướng tới".
Không chỉ cảnh tỉnh mặt trái của truyền thông mạng, cuốn sách còn là những chia sẻ chân thực về đời sống và công việc của những bác sĩ ngay trong tâm dịch để cộng đồng hiểu rõ hơn và cảm thông với họ. Ngày thường, họ bận tối mắt tối mũi với lượng bệnh nhân quá tải ở các bệnh viện, không một lời oán thán, vì đấy là sứ mệnh họ đã chấp nhận từ lúc chọn nghề.
Mùa dịch, hơn ai hết, người thầy thuốc biết rằng đó là công việc nguy hiểm, một chiến trường giữa thời bình, thậm chí luôn phải xác định rằng ngày xách vali đi vào tâm dịch có khả năng không trở về nhà nữa. Đây là một thực tế mà đồng nghiệp của họ ở nhiều nước phát triển, có nền khoa học tiến bộ đã trải qua.
Tác giả chỉ ra sự thất bại của các nước đó là vì sự quá tải y tế khi công tác y tế dự phòng không lường trước được mức độ gia tăng, lây lan của virus. Các nước Âu, Mỹ đã phải trả giá cho sự lơ là vì đã lâu họ không trải qua dịch bệnh.
Ngô Đức Hùng đã mổ xẻ, phân tích tâm lý hoảng loạn của đám đông trước những thông tin thất thiệt trên mạng, từ việc tích lũy thực phẩm, tăng giá khẩu trang đến áp dụng mù quáng những phương thức phòng dịch phản khoa học như: uống nước tiểu, nuốt trứng gà sống, uống thuốc chữa sốt rét…
Bên cạnh những câu chuyện không xa lạ trên mạng xã hội, cuốn sách đem đến cho độc giả những góc nhìn cận cảnh về thực tế chống dịch trong bệnh viện, những góc nhìn tâm lý của cả bệnh nhân và bác sĩ trực tiếp đứng từ những bệnh viện dã chiến, ngày ngày đối mặt với tử thần.
Các tác phẩm của bác sĩ Ngô Đức Hùng. |
"Nhiều người hỏi cảm giác sau mỗi đợt dịch được ngăn chặn thành công, các anh chị có vui không? Câu trả lời thực tế nhất là mệt, rất mệt". Không hoa mỹ, không đánh bóng để thần tượng hóa các y bác sĩ, cuốn sách của anh đơn giản là chia sẻ những trải nghiệm thực tế.
Bác sĩ cũng là con người bằng xương thịt, có gia đình, có cảm xúc. Họ sinh ra không phải để làm người hùng như báo chí tung hô. Trước mỗi làn sóng dịch bùng phát, họ chuẩn bị sẵn sàng như người lính ra trận, dù cẩn trọng nhưng thâm tâm mỗi người đều xác định bản thân mình cũng có thể trở thành bệnh nhân. Họ im lặng mỗi khi dư luận mạng xã hội kết tội họ như những tội đồ nếu chẳng may mắc bệnh, hàng xóm láng giềng xa lánh họ mỗi khi họ trở về từ bệnh viện mùa dịch.
Những câu chuyện đáng buồn ấy lại được Ngô Đức Hùng thuật lại bằng giọng văn hài hước, đậm chất "humour đen". Nhưng bất ngờ nhất chính là suy nghĩ: "Đi chống dịch, các đồng nghiệp ở nhà chia nhau làm thêm phần của mình, lịch trực dày hơn. Ai cũng vất vả cả, nhưng công lao lại dồn cho phía bên này. Đó cũng là sự bất công mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết được. Trong suy nghĩ của mình, vinh quang luôn là thứ phù phiếm. Chỉ có sự chia sẻ và thấu hiểu mới là liều thuốc khích lệ mỗi con người".
Sự đánh giá công bằng với cả người trên đầu tuyến chống dịch và người trực chiến tại bệnh viện tuyến sau chính là sự tử tế giúp cho những người làm nghề y luôn tỉnh táo, sáng suốt để biết trân trọng sức lao động mà đồng nghiệp bỏ ra.
Thái độ hợp tác hay không hợp tác của bệnh nhân trong các bệnh viện dã chiến cũng được kể lại qua rất nhiều mẩu chuyện. Những câu chuyện về sự đòi hỏi của người đi cách li, thậm chí người đang có bệnh, cậy quyền cậy thế, hạch sách đủ thứ, dọa quen ông nọ bà kia, làm náo loạn khu cách li, rồi người bệnh bất hợp tác trong việc truy vết gây khó khăn cho việc chống dịch, là một thực tế đã có khiến các bác sĩ không thể "hiền" nổi.
Tuy nhiên, trong cuốn sách này, những câu chuyện về tình người, ý thức tự giác của những người tử tế được nhắc đến nhiều hơn. Đó là khi con người biết lo lắng, sợ sệt mình có thể đem đến hiểm họa cho người khác, cho dù họ đang là những y bác sĩ làm người lính tiên phong chống dịch. Đó là những tình nguyện viên nhiệt huyết, tiếp tế cho các bệnh viện bị cách li, là những người lính lái xe chở bệnh nhân bất kể ngày đêm, những chiến sĩ canh gác biên giới. Đó cũng có thể là những bệnh nhân còn nhỏ tuổi thơ ngây, ngoan ngoãn, xa bố mẹ hay những cụ già gần đất xa trời chẳng may mắc bệnh, vẫn lạc quan tụng kinh trong khu bệnh xá. Chỉ cần những người bệnh hợp tác, tuân thủ các quy định y tế cũng đã là sự tử tế trong lúc nước sôi lửa bỏng này.
Những câu chuyện mang màu sắc hài hước, qua giọng kể tinh nghịch của chàng bác sĩ có tiếng là chua ngoa trên mạng về các tình huống bác sĩ phải "hiền" mới xử lý được những ca oái oăm của người nhà bệnh nhân, hay những câu chuyện buồn về sự bất lực của y học cho thấy trái tim nhân hậu, vị tha của những người thầy thuốc.
Có trải qua những ngày phong tỏa, dãn cách xã hội trong niềm âu lo căng thẳng, con người mới biết quý những khoảnh khắc của trạng thái sống bình thường. "Sau mỗi đợt dịch bệnh, trở về ngôi nhà, ngồi bên cây đàn cũ. Mỗi ngày đi trên con đường quen thuộc, nhìn ngắm thiên hạ cãi nhau, yêu và sống. Được làm người bình thường mỗi cuối tuần thảnh thơi uống cốc café đọc vài trang sách, không cần công danh lịch sử ghi nhận gì. Những điều lớn lao xin dừng lại ngoài cửa, đó cũng là điều bình thường nhỏ bé mình mong muốn thực hiện được với cuộc đời này".
Qua những câu chuyện đời vừa bi hài vừa thấm thía, tác giả muốn gửi gắm đến cộng đồng: hãy trân trọng những điều tử tế và tốt đẹp, giữ niềm tin vào cuộc sống, vào khoa học, chúng ta có thể vượt qua đại dịch Covid-19 như tất cả những đại dịch từng có trong lịch sử nhân loại!
Đỗ Thị Thanh NgaXem thêm: /371346-et-ut-ueid-gnuhn-ut-nad-pah-cuS/naul-yL/nv.moc.dnac.acnv