Loạt bài nhiều kỳ về cải thiện môi trường đầu tư của TPHCM khởi đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM từ ngày 18/3 đã nhận được sự quan tâm lớn của độc giả, các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp về vấn đề này và trân trọng giới thiệu đến quý độc giả. Bài 1: Xem nhà đầu tư là khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất |
Gánh nặng lãi suất
Theo ông Trương Quốc Hùng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Tấn Thành (Q.Tân Phú, TPHCM), chuyên sản xuất nhựa dẻo và cao su tổng hợp - lãi suất (LS) vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực ưu tiên là 5,5%/năm, các quỹ hỗ trợ vốn phát triển HTX là 6 - 6,6%/năm; LS cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại là 8 - 12%/năm. Để tiếp cận được vốn ưu đãi với LS từ 5,5 - 6,6%/năm, doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã phải đáp ứng điều kiện về công nghệ sản xuất, chiến lược kinh doanh, báo cáo tài chính, có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhân công lao động…
Thiếu một trong các điều kiện trên, sẽ không được xét duyệt. Do vậy, nhiều xã viên không đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, phải lấy tài sản riêng thế chấp, vay với LS thông thường (9 - 12%/năm).
Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TPHCM - cho hay LS vay hiện nay thấp hơn so với các năm trước 1 - 2%/năm, nhưng LS vay ngắn hạn dành cho DN vừa và nhỏ vẫn 7 - 8%/năm, dài hạn là 9 - 10%/năm, còn quá cao so với nhiều nước khác. Các DN Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam bằng nguồn vốn vay ở nước họ với LS chỉ khoảng 2 - 3%/năm. “Nếu không giảm LS cho vay, chúng tôi mong muốn các ngân hàng kéo dài thời gian trả nợ để hỗ trợ các DN” - ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, từ khi có dịch COVID-19, lãi suất vay chẳng những không giảm mà còn tăng - Ảnh: T.Hoa |
So với lĩnh vực sản xuất thì du lịch chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nặng hơn. Tổng thiệt hại của ngành du lịch cả nước trong năm 2020 là 530.000 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD. Để khôi phục hoạt động, DN du lịch đang rất cần được tiếp sức từ nguồn vốn LS thấp nhưng trên thực tế, rất khó tiếp cận. Ông Bùi Thế Duy - Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt - cho biết DN được ngân hàng thông báo giảm lãi vay 1%/năm với khoản vay hiện hữu (LS 10%/năm). Nhưng mức giảm này không tương xứng so với LS huy động vốn đã giảm tới hơn 2%/năm trong thời gian qua, thời hạn được hưởng LS vay ưu đãi chỉ khoảng ba tháng là quá ngắn.
Còn ông Huỳnh Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - thông tin trước đây, DN dùng nhà xưởng thế chấp, vay với LS 8,5%/năm. Kể từ khi có dịch bệnh, DN hoạt động khó khăn nhưng cũng với tài sản thế chấp như cũ, ngân hàng chẳng những không giảm LS để hỗ trợ DN mà còn tăng LS cho vay lên 9 - 9,5%/năm với lý do dịch bệnh khiến rủi ro cao.
Sợ rủi ro, ngân hàng không dám hỗ trợ
Giám đốc một DN may Việt Nam có quy mô lớn cho biết, DN khó tiếp cận vốn “rẻ” là do chính sách của Nhà nước. Chính phủ kêu gọi ngân hàng giảm LS cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ DN nhưng lại không rót tiền, để ngân hàng tự lo. Ngân hàng thấy không đúng luật, có rủi ro nên không dám triển khai.
Ví dụ, Chính phủ có gói 16.000 tỷ đồng cho DN vay LS 0% để trả lương người lao động. Để được vay, DN phải có 20 - 30% lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ngừng việc (quy định ban đầu là 50% nhưng do không khả thi nên đã hạ tỷ lệ), đang gặp khó khăn về tài chính, sử dụng hết quỹ dự phòng, không có nợ xấu ở tổ chức tín dụng… Nếu DN không đủ các điều kiện này, ngân hàng sẽ không cho vay, nhưng nếu đủ điều kiện để vay từ nguồn vốn này, khi muốn vay các nguồn khác thì không ngân hàng nào dám hỗ trợ. “Ngân hàng chỉ dám cứu những DN bị “cảm sốt“ chứ không dám cứu DN bị “bệnh nặng“, phải giảm đến 40 - 50% lao động” - chủ DN trên lý giải.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính - cho rằng nên có gói hỗ trợ trực tiếp cho DN, nêu rõ các loại hình DN được hưởng, xếp hạng nhóm DN theo mức độ khó khăn nhất, nhì, ba chứ không nêu chung chung. “DN lữ hành, vận tải, ăn uống… phần lớn đều không có tài sản thế chấp như các DN sản xuất nên có thể cho vay không cần tài sản thế chấp mà dựa trên các khoản tiền thuế nộp ngân sách Nhà nước, uy tín DN, số lượng lao động, báo cáo tài chính từ các năm trước” - tiến sĩ Thịnh đề xuất.
Thanh Hoa
* Kỳ tới: Gỡ nút thắt đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Hai nhóm giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ Chính phủ đã sớm có chủ trương hỗ trợ vốn cho DN, cùng DN cầm cự, vượt khó do dịch COVID-19. Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực hiện còn khoảng cách quá lớn, khiến dòng vốn rẻ, vốn hỗ trợ vẫn chưa đến tay DN đang cần. Rào cản thứ nhất là DN phải chứng minh thiệt hại, khó khăn tài chính phù hợp với điều kiện cấp tín dụng từ các gói hỗ trợ. Rào cản thứ hai là việc các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn cấp tín dụng nhằm đảm bảo quản trị rủi ro. Các ngân hàng chỉ có thể chia sẻ với DN bằng cách giảm LS từ 0,5% đến 2%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho khách hàng truyền thống; khách hàng mới rất khó tiếp cận các nguồn vốn này. Việc khoanh nợ, giãn nợ chỉ giúp giảm áp lực về mặt thời gian, gánh nặng nợ vẫn tồn tại và tiềm ẩn rủi ro nợ xấu rất cao. Nguồn vốn từ các quỹ phát triển, các quỹ đầu tư đã có sự hỗ trợ tương đối cao rồi nên gần như không còn chỗ để điều tiết trong trường hợp COVID-19. Hơn nữa, các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn phát triển này tương đối đặc thù, gắn với các định hướng phát triển kinh tế vĩ mô của từng giai đoạn, của từng vùng hoặc địa phương. Vì vậy, khó áp dụng hay triển khai đại trà đến mọi đối tượng trong nền kinh tế. Cần song song thực hiện hai nhóm giải pháp để hỗ trợ DN tiếp cận được vốn rẻ, gồm giải pháp tức thời và giải pháp chiến lược. Thứ nhất, trong ngắn hạn, khi nền kinh tế còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, các ngân hàng cần tháo gỡ nút thắt trong giải ngân vốn cho DN. Cụ thể, cần rà soát và cắt giảm các thủ tục hồ sơ chứng minh thiệt hại, khó khăn phù hợp với điều kiện được hỗ trợ vốn. Đây là điểm nghẽn rõ rệt nhất hiện nay, làm phức tạp thủ tục về vay vốn, miễn giảm lãi, phí đối với DN chịu ảnh hưởng của dịch. Thứ hai, trong dài hạn, cần xác định mục tiêu phát triển các kênh tín dụng mới, giảm tải cho các kênh tín dụng truyền thống qua các định chế tài chính trung gian hiện hữu. Đó là các kênh tín dụng thiết lập trên các nền tảng công nghệ tài chính và dữ liệu lớn, tiêu biểu như P2P (vay ngang hàng). Về phía DN, cần lựa chọn và xây dựng phương án kinh doanh tốt, khả thi, có độ co giãn tốt ngay cả khi có rủi ro. Phương án kinh doanh tốt phải gắn với thế mạnh riêng của DN, phù hợp với năng lực nhân sự, năng lực công nghệ, năng lực vốn và có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định, bền vững, hạn chế phụ thuộc vào một kênh vốn nhất định. DN vừa và nhỏ cần quan tâm và thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm toán, sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập để chứng minh sự minh bạch tài chính. Về phía Chính phủ, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, triển khai mạnh mẽ các gói hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ như miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ LS sau đầu tư, hỗ trợ xúc tiến hợp tác kinh doanh, giới thiệu và phân phối sản phẩm, thậm chí có thể có các gói hỗ trợ trực tiếp cho DN vay vốn ưu đãi với LS thấp, thủ tục thông thoáng để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
|
Cần có tổ hợp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp Giải pháp có thể tính đến là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng ra thành lập một tổ hợp tín dụng; tất cả các ngân hàng đều tham gia đóng góp, sau đó dùng nguồn vốn này để hỗ trợ DN. Các ngân hàng có thể tham gia bằng dòng vốn CASA (tài sản không kỳ hạn, sổ tiết kiệm LS thấp…). Tổ hợp này sẽ cho DN vừa và nhỏ vay với LS từ 3 - 5%/năm, kỳ hạn năm năm, vay dạng tuần hoàn; năm đầu ân hạn nợ gốc và chỉ trả lãi. Mô hình này đã được các nước ở châu Âu, châu Mỹ áp dụng rất hiệu quả. Do kinh tế Việt Nam còn kém, năng lực DN còn yếu nên mô hình này cần thêm quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, có vốn điều lệ lớn để bảo lãnh cho các ngân hàng. Nếu bắt ngân hàng cho vay mà không có bảo lãnh tín dụng đi kèm thì các ngân hàng sẽ không dám thực hiện. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng |
Xem thêm: lmth.2295341a-er-nov-mit-coud-tod-peihgn-hnaod-4-iab/nv.moc.enilnounuhp.www