Nông sản Việt Nam: Thiếu chiến lược cụ thể về quyền sở hữu trí tuệ!
TS. Lê Thiên Hương
(KTSG) - Làm thế nào để phát triển một chiến lược bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hợp lý để thúc đẩy sản xuất cũng như kinh doanh mặt hàng nông sản không phải là một câu hỏi mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều bỡ ngỡ đối với các vấn đề về quyền SHTT, nhất là về sự cần thiết có một chiến lược cụ thể, lâu dài, cũng như về cách xây dựng chiến lược này.
Sơ chế thanh long xuất khẩu ở Tiền Giang. Ảnh: TTXVN |
Xin nhấn mạnh là sự thiếu quan tâm, chú ý tới tài sản trí tuệ của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể dẫn đến nhiều bất lợi trực tiếp, cụ thể như bị mất thương hiệu tại thị trường mới (ví dụ vụ cà phê Trung Nguyên ở thị trường Mỹ, nước mắm Phú Quốc ở thị trường Trung Quốc, Úc và Mỹ hay như gần đây nhất là vụ tên giống lúa ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký như thương hiệu cho sản phẩm gạo), hay mất quyền đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ (quyền đối với giống cây trồng, sáng chế...).
Một mặt, mất quyền tài sản trí tuệ sẽ đồng nghĩa với mất vị trí của doanh nghiệp trên thị trường, vốn rất nhiều cạnh tranh, điều ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp. Mặt khác, khi chi phí bỏ ra cho phát triển nhãn hiệu hay cho nghiên cứu sáng tạo không phải là nhỏ, thì việc mất quyền tài sản trí tuệ cũng đồng nghĩa với thiệt hại tài chính đáng kể cho doanh nghiệp.
Ngoài việc tránh các bất lợi trực tiếp nói ở trên, thì nhìn ở khía cạnh tương lai dài hạn, có thể thấy các lợi ích gián tiếp khác của việc xây dựng chiến lược cụ thể về quyền SHTT. Chú trọng phát triển tài sản trí tuệ đồng nghĩa với thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Trong nền kinh tế mà tri thức là vũ khí cạnh tranh hiệu quả nhất, thì có một chiến lược cụ thể sẽ mang lại những lợi thế rõ ràng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cho dù là doanh nghiệp lớn hàng đầu hay là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cụ thể, đổi mới sáng tạo có thể làm giảm nguy cơ bất ổn có thể xảy ra (như nguy cơ gặp khó khăn khi có những thay đổi môi trường sản xuất do bão lũ, hạn hán, hay thay đổi nhu cầu tiêu thụ trên thị trường), đồng thời mang lại những cơ hội mới (thâm nhập vào thị trường mới nhờ sản phẩm cải tiến, hay dễ dàng kêu gọi đầu tư góp vốn hơn), cũng như nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng.
Cũng dưới góc nhìn này, quyền SHTT còn có thể giúp doanh nghiệp thu hồi lại chi phí đầu tư vào nghiên cứu phát triển (nhờ vào cấp li-xăng, chuyển giao tài sản trí tuệ, hay khai thác các quyền SHTT mà doanh nghiệp là chủ sở hữu).
Xây dựng mối liên kết hợp tác sáng tạo giữa doanh nghiệp, nông dân, viện nghiên cứu và Nhà nước cũng là một giải pháp hợp lý, giúp tạo dựng, bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn các tài sản trí tuệ. |
Để xây dựng một chiến lược SHTT hợp lý, hiệu quả về dài hạn, để thúc đẩy sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp cần chú ý tới những yếu tố sau.
Thứ nhất, chiến lược SHTT cần xác định được những tài sản trí tuệ doanh nghiệp đã có và có thể có trong tương lai.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, quyền SHTT của doanh nghiệp chủ yếu là các quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hay còn gọi là thương hiệu, bằng sáng chế, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh) và quyền đối với giống cây trồng. Cần phải nhắc lại hai đặc điểm quan trọng của các quyền SHTT nói trên, đó là tính lãnh thổ (đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở quốc gia nào thì chỉ được hưởng bảo hộ quyền SHTT ở quốc gia đó) và quyền nộp đơn sớm nhất (người nộp đơn sớm nhất sẽ có lợi thế nhất).
Nắm được hai nguyên tắc này sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh bị rơi vào tình trạng bị động, bị “mất” quyền SHTT, đặc biệt ở thị trường nước ngoài. Một khi doanh nghiệp đã xác định được thị trường khai thác, thì cần nhanh chóng đăng ký quyền SHTT tại quốc gia đó để đảm bảo sự bảo hộ của pháp luật nước sở tại.
Xin lưu ý là có một số cơ chế bảo vệ quyền SHTT quốc tế, cho phép đăng ký bảo hộ một lần cùng ở nhiều quốc gia khác nhau (như bằng sáng chế châu Âu, nhãn hiệu châu Âu, bảo hộ giống cây trồng châu Âu, nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid), nhằm giảm chi phí đăng ký và đơn giản hóa thủ tục đăng ký.
Một điểm khác cũng cần chú ý khi đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, đó là cần nắm rõ các quy định luật quốc gia. Ví dụ như đối với giống cây trồng, luật các quốc gia trên thế giới không hẳn là giống nhau. Ở phần lớn các nước, bằng bảo hộ giống cây trồng có thể được cấp cho loại giống “mới”, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn khác như “khác biệt, đồng nhất, ổn định và có tên phù hợp” (như theo điều 158 Luật SHTT Việt Nam hiện hành).
Ở các nước này, không thể đăng ký bằng sáng chế cho giống cây trồng. Tuy nhiên, ở một số nước khác, như Mỹ chẳng hạn, thì ngoài chế độ cấp bằng bảo hộ cho giống cây trồng (Plant Variety Protection) thì luật quốc gia này cũng cho phép cấp bằng sáng chế (patent) cho phương pháp lai tạo ra giống mới hay cấp bằng sáng chế tiện ích (utility patent) cho loại cây trồng mới. Vì thế, có thể thấy rất nhiều giống hoa quả mới được cấp bằng sáng chế ở Mỹ. Nắm được sự khác biệt của các quy định pháp lý quốc gia sẽ tránh cho doanh nghiệp mất đi các cơ hội đăng ký bảo hộ, sản sinh ra tài sản trí tuệ mới.
Thứ hai, một chiến lược SHTT hợp lý và lâu dài thì không thể thiếu kế hoạch duy trì, bảo vệ cũng như khai thác các tài sản trí tuệ đã tạo ra.
Nên nhớ là không có chiến lược về SHTT, trong nhiều trường hợp, có thể gây ra hậu quả thiệt hại tốn kém hơn nhiều cho doanh nghiệp, cao hơn cả chi phí có thể phải bỏ ra để xây dựng chiến lược đó. |
Đăng ký bảo hộ quyền SHTT sẽ đi cùng với việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ quyền SHTT này, cụ thể là đóng lệ phí duy trì hiệu lực tại các cơ quan về SHTT quốc gia. Hiện nay, các doanh nghiệp lớn trên thế giới thường ủy nhiệm việc đại diện, quản lý và đóng lệ phí duy trì nhãn hiệu, bằng sáng chế... cho các văn phòng luật chuyên về SHTT, để đảm bảo không xảy ra sai sót dẫn đến việc bằng bảo hộ bị mất hiệu lực.
Không chỉ thế, bản thân doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch chủ động bảo vệ quyền SHTT của bản thân để phản ứng kịp thời khi xảy ra vi phạm (như trong vụ tên giống lúa ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký làm nhãn hiệu, nếu như doanh nghiệp Việt không làm thủ tục phản đối kịp thời, thì nhãn hiệu ST25 sẽ được cấp cho người đăng ký). Cũng thế, việc phát triển và khai thác tài sản trí tuệ là phần không thể thiếu trong mỗi chiến lược doanh nghiệp. Đối với các quyền SHTT, doanh nghiệp cần lập rõ chiến lược chuyển nhượng quyền khai thác, cấp li-xăng, hay trực tiếp khai thác.
Do tính chất khá phức tạp của các hệ thống quy định về quyền SHTT, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam nên tìm sự trợ giúp của các chuyên gia về SHTT, về tiếp thị và về điều tra thị trường, để hỗ trợ việc xây dựng chiến lược về SHTT một cách phù hợp và hiệu quả.
Ngoài ra, xây dựng mối liên kết hợp tác sáng tạo giữa doanh nghiệp, nông dân, viện nghiên cứu và Nhà nước cũng là một giải pháp hợp lý, giúp tạo dựng, bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn các tài sản trí tuệ. Nên nhớ là không có chiến lược về SHTT, trong nhiều trường hợp, có thể gây ra hậu quả thiệt hại tốn kém hơn nhiều cho doanh nghiệp, cao hơn cả chi phí có thể phải bỏ ra để xây dựng chiến lược đó.
Xem thêm: lmth.eut-irt-uuh-os-neyuq-ev-eht-uc-coul-neihc-ueiht-man-teiv-nas-gnon/598613/nv.semitnogiaseht.www