vĐồng tin tức tài chính 365

Những điểm cần chỉnh sửa trong dự thảo nghị định lấn biển

2021-06-03 12:11

Những điểm cần chỉnh sửa trong dự thảo nghị định lấn biển

Tô Văn Trường

(KTSG) - Nhiều nước trên thế giới đã tiến hành lấn biển. Ngay gần ta như Singapore cũng lấn biển rất nhiều, tăng 25% diện tích so với thuở lập quốc. Con người tác động vào tự nhiên không bao giờ được tất cả, có được và mất cho nên phải làm sao chứng minh được cái lợi là lớn nhất, cái mất là ít nhất và có các giải pháp giảm thiểu tác động bất lợi.

Ở Singapore việc lấn biển là chủ trương nhất quán nhiều lợi ích, nhưng họ cũng quan tâm xử lý hạn chế các tác động tiêu cực do lấn biển gây nên.

Một khu lấn biển ở Cần Giờ. Ảnh: H.P

nước ta, từ thời cụ Nguyễn Công Trứ, đã quai đê, lấn biển tạo nên những vùng trù phú ngày nay ở Thái Bình và Ninh Bình. Những năm gần đây, nhiều nơi đã lấn biển, điển hình nhất là Quảng Ninh, ở vịnh Hạ Long. Kiên Giang cũng lấn mạnh ra biển.

Nước ta có bờ biển rất dài, nhưng đất lại nghiêng từ Đông sang Tây. Vì thế mà Việt Nam mưa nhiều nhưng vẫn thiếu nước, vì mưa xuống nước đổ ra biển hết cả, kéo theo phù sa. Hàng ngàn năm nay, bờ biển vẫn được sa bồi liên tục, đặc biệt các tỉnh có cửa sông, mà Hải Phòng là ví dụ điển hình. Bờ biển Hải Phòng trong một thế kỷ qua đã thay đổi rất kinh khủng, đã bồi đắp cỡ diện tích bằng một huyện. Ví dụ như vùng đất sân bay Tiên Lãng hơn 4.000 héc ta được bồi đắp.

Có hai luồng ý kiến khác nhau về việc lấn biển ở nước ta. Thứ nhất, cho rằng Việt Nam đất chật, người đông, có bờ biển dài, cần để cho các địa phương và doanh nghiệp có khả năng chủ động lấn biển tạo nên những vùng đất mới đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Thứ hai là việc lấn biển phải thận trọng có sự quản lý của Nhà nước, vì trải qua hàng triệu năm bờ biển mới hình thành và có trạng thái ổn định như ngày nay. Bờ biển liên quan đến đa dạng sinh học của biển và ven biển, cần tạo hành lang pháp lý trên cơ sở quy hoạch vùng để chủ động tiến ra biển ở những nơi có thể.

Việc ban hành quy định về lấn biển là cần thiết và cấp thiết, vì hoạt động lấn biển phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng rõ ràng cần phải cân nhắc thận trọng về ảnh hưởng của hoạt động này đối với các quy hoạch phát triển xã hội, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.

Tôi đã đọc bản dự thảo nghị định quy định hoạt động lấn biển do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo. Bộ cũng đã tổ chức một số cuộc hội thảo, làm việc lấy ý kiến của chuyên gia và các ngành. Đứng trên góc độ của chuyên gia tư vấn độc lập về tài nguyên nước và môi trường, tôi thấy còn những điểm cần chỉnh sửa và bổ sung như sau:

Nguyên tắc thực hiện lấn biển

“Việc lấn biển phải hạn chế tối đa các tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và cảnh quan thiên nhiên; không ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” (điều 4).

Làm thế nào để xác định dự án đã hạn chế “tối đa” tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái... để cấp phép và “tối đa” là bao nhiêu? Yêu cầu này rất mơ hồ, nếu muốn cấp phép thì công nhận đã hạn chế “tối đa”, còn nếu không thì phê là chưa “tối đa”, rồi sẽ phát sinh tranh cãi.

Điều 4 cũng nên bổ sung nguyên tắc về nguồn/nơi lấy vật liệu, vì có những dự án cần khối lượng rất lớn không thể lấy tại chỗ hoặc nhập khẩu nhằm đảm bảo không xảy ra “sự cố môi trường” ở nơi khai thác vật liệu. Ngược lại, đây cũng là giải pháp giúp cho chủ đầu tư có cơ sở khi tính chi phí, để định mức giá thành thuê đất.

Về yêu cầu đối với hoạt động lấn biển (điều 5) là nhằm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cụ thể đối với hoạt động lấn biển làm cơ sở cho việc lập phương án lấn biển của dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường. Hiện nay, pháp luật môi trường cũng chưa có quy định cụ thể là đánh giá tác động môi trường đối với dự án lấn biển được thực hiện như thế nào, mà đang thực hiện chung cho tất cả các dự án.

Cần có “giấy phép lấn biển”

Hiện nay đang có hai phương án xin ý kiến, gồm phương án 1: có cấp phép lấn biển (chương 3) và phương án 2: không có cấp phép lấn biển (không có chương này trong dự thảo).

Người đọc hiểu việc đưa ra hai phương án là có quan điểm cho rằng không cần thiết phải cấp phép lấn biển vì phát sinh thủ tục hành chính và việc giải quyết các vấn đề môi trường thì đã có quy định đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật môi trường.

Theo tôi thì nên có cấp giấy phép lấn biển, vì chỉ có công cụ đánh giá tác động môi trường là chưa đủ, nên cần thiết phải có cấp phép và kinh nghiệm quốc tế cũng như vậy. Để tránh một dự án đầu tư xây dựng phải trải qua hai lần cấp phép cho lấn biển và cấp phép cho phần dự án phía trên đất, cần làm rõ quy định tại mục 3, điều 10 về báo cáo đánh giá tác động môi trường là của phương án lấn biển hay dự án đầu tư.

Ngoài ra, trong phần giải thích từ ngữ “lấn biển” cũng cần nói rõ về các hoạt động trên mặt nước biển được giao, nếu để xảy ra việc bồi lắng thì có được coi là “hoạt động lấn biển” không?

Dự thảo có những quy định chưa rõ

Sau khi hoàn thành lấn biển thì cần phải cấp lại (hoặc cấp thêm) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất phát sinh sau khi lấn biển.

Dự thảo nghị định đã có quy định về quản lý, sử dụng khu vực lấn biển (chương 4) nhưng không rõ ràng về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ lấn biển (có thể có đặc điểm khác với đất khai hoang?).

Một điểm nữa là quy định tại điểm 3, điều 17 “...phải bảo đảm một quỹ đất lấn biển nhất định thuộc dải đất dọc theo bờ biển bàn giao cho địa phương quản lý để xây dựng công trình hạ tầng công cộng, bao gồm lối đi xuống biển nhằm bảo đảm quyền tiếp cận biển của người dân, cộng đồng” còn chung chung mà lẽ ra phải có con số định lượng cụ thể. Hơn nữa, việc “bảo đảm quỹ đất lấn biển” cũng phải được cân nhắc, quyết định ngay từ khi cấp phép lấn biển, không thể để lấn xong, có đất rồi mới quyết định việc giao một phần (cụ thể là tỷ lệ bao nhiêu?) đất cho địa phương được.

Mấu chốt “nhạy cảm” nhất của hoạt động lấn biển là tăng diện tích sử dụng đất, vì vậy phải cân nhắc kỹ lưỡng ngay từ đầu quá trình ra quyết định về vị trí, diện tích, ranh giới khu vực lấn biển, để đưa vào quỹ đất quốc gia, địa phương và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Ngoài ra, việc cho rằng “không nên quy định cụ thể việc giao, cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong nghị định này, mà chỉ cần quy định căn cứ, thời điểm đưa khu vực lấn biển vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và sau đó sẽ tự động thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai” cũng rất tù mù, tạo kẽ hở về quản lý, trong khi quản lý tài nguyên biển, quản lý tài nguyên đất và quản lý môi trường đều là lĩnh vực của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Không lẽ không có cách nào quy định chặt chẽ hơn trong nghị định quy định hoạt động lấn biển? Nếu Luật Đất đai chưa cập nhật loại hình đất hình thành do lấn biển để có quy định phù hợp thì nhất thiết nghị định này phải quy định.

Xem thêm: lmth.neib-nal-hnid-ihgn-oaht-ud-gnort-aus-hnihc-nac-meid-gnuhn/698613/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Những điểm cần chỉnh sửa trong dự thảo nghị định lấn biển”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools