Trần Duy Hào - người được Mỹ cấp bằng sáng chế giúp số hóa không gian thực lên website, trở thành dịch vụ "hot" trong mùa dịch - Ảnh: B.MAI
Chủ nhân của sáng kiến trên, anh Trần Duy Hào, đã trở thành nhà phát minh được Mỹ cấp bằng sáng chế. Hàng loạt đơn vị cũng đang triển khai áp dụng như Khu công nghiệp Long Hậu, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Sở Du lịch TP.HCM... để tăng trải nghiệm, tương tác kiểu mới trong mùa dịch.
"Nóng" tham quan nhà máy, cửa hàng trực tuyến
"Chào mừng quý khách đến với chương trình tham quan nhà máy của Công ty Ajinomoto Việt Nam" - giọng nói phát ra khi bấm vào tour "Tham quan nhà máy" trên website của Ajinomoto Việt Nam, khách có thể đeo kính thực tế ảo VR để trải nghiệm.
Trong khi Ajinomoto Việt Nam chuẩn bị từ lâu và vừa chính thức mở tour trực tuyến, thì nay nhiều doanh nghiệp du lịch, bất động sản, nông nghiệp... cũng áp dụng mô hình này.
"Số khách hàng tìm đến dịch vụ số hóa không gian thực đưa lên website tăng gấp 3 lần so với trước dịch. Đặc biệt, COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn, người dân hạn chế ra ngoài, khách hàng và đối tác ở nước ngoài khó bay sang Việt Nam để trực tiếp tham quan nhà máy, cửa hàng..." - ông Trần Duy Hào (CEO StarGlobal 3D) chia sẻ.
Kinh doanh nội thất, ông Phạm Phi Long (giám đốc kinh doanh Công ty V&A) cho biết thêm tiện ích khi số hóa showroom lên website.
"Tôi được nhiều khách hàng khen vì khi tham quan showroom trực tuyến, họ thích sản phẩm nội thất nào chỉ cần bấm vào hai điểm là có thể đo kích thước. Muốn đổi màu nội thất qua xanh, đỏ, ghi... tùy ý. Bình thường khách không biết nhà mình cần bao nhiêu cái ghế, giờ vào website và sắp xếp là biết cần mấy cái, tiện lắm, không cần tới showroom", ông Phi Long nói.
Bên cạnh đó, ông Long cũng thích thú khi có thể số hóa căn hộ mẫu để khách vào tham quan. Dịch vụ quét 3D không gian thực cũng mang lại hiệu quả trong đo đạc, thiết kế. Dịch vụ quét 3D đối với các cửa hàng, căn hộ nhỏ... có giá chỉ 50.000 đồng/m².
Ông Nguyễn Hồng Quang (chủ tịch Công ty CP Nông trại sinh thái Ecofarm) cũng nhận định web/app tương tác thông minh 3D/360 là xu hướng mới mà công ty đang quan tâm.
Sản phẩm từ gian khó phục vụ thời khó
Vào đúng thời điểm làn sóng COVID-19 bùng phát trở lại khiến nhiều hoạt động kinh doanh chao đảo, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với Trần Duy Hào - người được Mỹ cấp bằng sáng chế về "Hệ thống quản lý thông minh tích hợp thông tin thời gian thực bằng bản đồ số hóa ba chiều 3D/360", một dịch vụ đang được doanh nghiệp tìm đến như phao cứu sinh vượt qua mùa dịch.
Cách đây hơn 20 năm, Trần Duy Hào, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, được nhận học bổng thực tập tại Tập đoàn Snecma (Safran) - hãng hàng không vũ trụ hàng đầu của Pháp, rồi về làm kỹ sư bảo dưỡng máy bay cho Vietnam Airlines.
Trải qua nhiều lần trắc trở, bị mất hết sản nghiệp rồi thất nghiệp do "chảnh" trước bao lời mời vì kinh nghiệm làm việc đa quốc gia, nói được tiếng Anh, Pháp... trong những ngày tuyệt vọng đến cùng cực, Hào quyết đứng lên khởi nghiệp lần nữa, cái gì không tốn kém thì làm trước. Vậy là anh bắt đầu đăng ký tư vấn chuyển đổi số.
Hào chia sẻ từ hồi sinh viên anh đã rất đam mê không gian ba chiều, khi thầy chỉ yêu cầu vẽ 2D thì anh vẽ 3D. Anh khao khát số hóa cả công trình, nhà máy; với các cảnh đẹp, chỉ một đường link là cả thế giới xem được, chứ không chỉ scan 3D cái ly, chén hay con ốc vít...
Và rồi Hào nảy ra ý tưởng: chẳng hạn một nhà máy được số hóa, chúng ta có thể mở điện thoại, nhấn vào đường link để vào tour tham quan trực tuyến, trải nghiệm thực tế ảo, hay chạm vào hai điểm của cái cửa nhà máy là có thể đo được kích thước, chạm vào chiếc xe là có thể xem 360 độ...
"Đừng nhầm lẫn là mình sáng chế thiết bị. Người khổng lồ tạo ra những đồ chơi xịn nhất như máy quét 3D, máy quét bay trên cao... thì mình mua về để thu thập dữ liệu. Chiến lược là tập trung vào phát triển phần mềm. Dùng trí tuệ Việt Nam đứng trên nền tảng của thế giới, họ tạo ra thứ hay, mình tạo ra thứ hay hơn nữa trên nền đó", anh Hào nói và chia sẻ thêm rất nhiều khả năng kinh doanh từ ứng dụng của mình.
"Vừa rồi mình tới Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, vì dịch nên vắng vẻ, xót lắm. Nếu số hóa từng hiện vật, từng chiếc xe tăng... đưa website, bán vé tham quan online có thể mang đến sức sống cho bảo tàng" - Hào nói khi đứng ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, nơi đã được số hóa.
Giúp tăng doanh thu
Một showroom về vật liệu xây dựng ứng dụng tour tham quan online trên website - Ảnh chụp màn hình
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ gỗ tại Bình Dương cho biết hiện các sự kiện xúc tiến thương mại, triển lãm đồ gỗ ở nước ngoài đang hạn chế do dịch bệnh.
"Ý tưởng showroom 3D trên kênh online là một hình thức bán hàng được ưa chuộng vì sự thuận tiện. Do đó giúp đơn vị sống khỏe trong mùa dịch nhờ dễ có đơn hàng khi dịch được khống chế, bởi sẽ có nhiều khách hàng đến sau khi đã biết đến showroom 3D", vị này nói.
Theo đơn vị này, nhờ showroom 3D nên dù chịu tác động từ COVID-19 mà tổng doanh thu năm 2020 của công ty vẫn đạt hơn 591 tỉ đồng (đạt 91,3% kế hoạch), trong đó có sự đóng góp lớn từ kênh thương mại điện tử. (N.TRÍ)
TTO - Một anh nông dân ở vùng bảy núi tỉnh An Giang đã sáng chế ra máy băm cỏ voi và cây bắp có thể nhuyễn nhừ hơn các loại máy khác.
Xem thêm: mth.39283018030601202-d3-ueik-gnah-auc-yam-ahn-nauq-maht-iht-hcac-naig/nv.ertiout