Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai xác định các bị can gồm: Nguyễn Thị Hương, Phan Quốc Huy và Trần Quang Trung đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến việc Công ty Bình Dương hủy hoại rừng.
Ngày 3.6, tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết, vừa có quyết định truy tố 2 bị can nguyên là Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Ia Púch, huyện Chư Prông gồm: Nguyễn Thị Hương (SN 1959, trú tại phường Tây Sơn, TP. Pleiku) và Phan Quốc Huy (SN 1987, trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, bị can Trần Quang Trung - nhân viên Ban QLRPH Ia Mơr, huyện Chư Prông - cũng bị truy tố cùng tội danh nói trên. Hiện 3 bị can đều được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, trong 2 năm (2010-2011), UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành 4 quyết định thu hồi đất của Ban QLRPH Ia Púch quản lý để giao cho Công ty Bình Dương (thuộc Binh đoàn 15) thuê trồng cao su.
Trong quá trình thực hiện các dự án, từ năm 2010-2012, ông Trần Văn Khanh - Giám đốc, ông Dương Công Tư - Trợ lý Phòng Kế hoạch kinh doanh của Công ty Bình Dương đã chỉ đạo khai thác vượt phạm vi cho phép, hủy hoại hơn 631,1ha đất rừng.
Trong đó, có hơn 621ha rừng tự nhiên thuộc lâm phần của Ban QLRPH Ia Púch và UBND xã Ia Me; 9,97ha rừng phòng hộ thuộc lâm phần của Ban QLRPH Ia Mơr. Hội đồng định giá tài sản đã xác định tổng giá trị thiệt hại đối với hơn 631,1ha rừng là hơn 19,9 tỉ đồng.
Sau sự việc, Tòa án Quân sự Quân khu 5 đã tuyên phạt Trần Văn Khanh 6 năm tù, Dương Công Tư 3 năm tù về tội “Hủy hoại rừng”. Cơ quan Điều tra Hình sự Binh đoàn 15 đã chuyển hồ sơ vụ án đến Công an tỉnh Gia Lai để điều tra xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi thiếu trách nhiệm của các cá nhân thuộc 2 Ban QLRPH Ia Púch, Ia Mơr.
Công an tỉnh Gia Lai xác định các bị can Hương, Huy và Trung đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến việc Công ty Bình Dương hủy hoại rừng. Các bị can đã không tiến hành kiểm tra, giám sát việc khai hoang của doanh nghiệp; không phân công, tổ chức lực lượng kiểm tra… dẫn đến hậu quả nghiêm trọng của việc hủy hoại rừng.
Xem thêm: odl.293619-ot-yurt-ib-gnur-yl-nauq-nab-gnourt-2-gnur-iaoh-yuh-yt-gnoc-ed/taul-pahp/nv.gnodoal