Người dân đóng tiền công đức tại một ngôi chùa ở Nam Định - Ảnh: T.ĐIỂU
Thượng tọa Thích Thanh Quyết - trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh - vừa ký văn bản gửi tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Bộ Tài chính để góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội mà Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý của các bộ ngành và các bên liên quan.
Theo đó, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khẳng định dự thảo này chỉ phù hợp áp dụng đối với việc quản lý các lễ hội và di tích bình thường, không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo (như chùa của Phật giáo, nhà thờ của Công giáo…).
Vì vậy, Ban trị sự Quảng Ninh đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa, nhà thờ dù đã được kiểm đếm danh mục di tích.
Trước đó, theo giải thích của đại diện Bộ Tài chính với Tuổi Trẻ Online, những di tích là các đền, chùa do cơ quan nhà nước, địa phương quản lý phải chịu sự điều chỉnh của thông tư này, chỉ di tích thuộc di sản thế giới tại Việt Nam, di tích thuộc sở hữu tư nhân thì mới không thuộc đối tượng điều chỉnh.
Ban trị sự Quảng Ninh đưa ra nhiều lý do cho kiến nghị của mình.
Thứ nhất, trong số 27 chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính được quy định trong Luật ngân sách không có quy định quản lý tiền công đức do các cá nhân quyên góp ủng hộ tự nguyện.
Ngoài ra, các chùa nếu được Nhà nước xếp hạng di tích thì cũng "không đồng nghĩa với việc quốc hữu hóa di tích". Bản chất của tiền công đức là lòng thành của Phật tử, thể hiện sự thành kính đối với tôn giáo mà họ tin theo, được đóng góp một cách tự nguyện, không chịu bất cứ một ép buộc nào.
Điều 56, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng quy định tiền công đức tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội, được ủy quyền cho nhà sư trụ trì trông coi và toàn quyền sử dụng.
Khoản 5, điều 7, Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định nhà chùa được "nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho". Do đó, khoản 4, điều 2 trong dự thảo thông tư quy định: "Tiền công đức được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị... quản lý và sử dụng di tích" là "không hợp hiến, hợp pháp".
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Tài chính phải lấy ý kiến của 16 tôn giáo và gần 40 tổ chức tôn giáo hiện đang hoạt động tại Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đóng góp ý kiến với dự thảo thông tư về quản lý tiền công đức vốn đã qua nhiều năm xây dựng, nhiều lần lấy ý kiến, chỉnh sửa nhưng vẫn chưa ban hành được.
Qua các lần góp ý, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đều kiên định với quan điểm nhà nước không quản lý tiền công đức của nhà chùa và lễ hội Phật giáo.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, thượng tọa Thích Đức Thiện - phó chủ tịch, tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết, sau khi Giáo hội tập hợp các ý kiến góp ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành thì sẽ có ý kiến gửi Bộ Tài chính.
TTO - Tới đây người dân làm công đức ở các di tích có thể chuyển khoản tiền công đức vào số tài khoản của cơ sở quản lý di tích.