Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chứng kiến một phiên giao dịch bùng nổ cả về thanh khoản lẫn điểm số. Thị trường khởi đầu phiên giao dịch với sắc xanh chiếm ưu thế ở nhiều nhóm cổ phiếu và điều này giúp kéo các chỉ số tăng điểm.
Trong khoảng thời gian đầu phiên, diễn biến giao dịch trên sàn HoSE vẫn xảy ra tình trạng đơ, lag khiến nhà đầu tư khó chịu. Ngay đầu phiên, nhiều công ty chứng khoán thậm chí đã có thông báo chặn tính năng hủy/sửa lệnh để giảm thiểu sự cố nghẽn lệnh trên HoSE.
Từ cuối phiên sáng trở đi, đà tăng của các chỉ số được nới rộng thêm khi dòng tiền “ùn ùn” chảy vào thị trường. Tâm điểm của thị trường phiên 3/6 là nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng. Nhiều cổ phiếu thuộc 2 nhóm ngành này được kéo lên mức giá trần như LPB, MBB, OCB, SBS, EVS, VND, VDS, CTS, FTS… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, SSI tăng 6,3%, HCM tăng 5,5%, HDB tăng 5,3%, SHB tăng 4,2%.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, giao dịch diễn ra cũng có phần tích cực khi sắc xanh chiếm ưu thế hơn hẳn. Trong đó, đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn của nhóm ngành này đều kết phiên trong sắc xanh. VIC tăng 0,9% lên 118.500 đồng/cp, VHM tăng 1% lên 105.400 đồng/cp, VRE tăng 1,3% lên 30.500 đồng/cp. Mới đây, VIC đề xuất thí điểm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện. Đề nghị về chính sách thí điểm ưu đãi cho ngành sản xuất ô tô điện được VIC đưa ra tại cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành vào giữa tháng 5.
Bên cạnh đó, PDR tăng 1,6% lên 78.300 đồng/cp, NVL tăng 1,1% lên 141.000 đồng/cp. Trong khi đó, THD tăng nhẹ 0,3% còn BCM đứng ở mức giá tham chiếu.
Đối với các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, các mã thanh khoản cao như FLC, HQC, PTL, OGC, IJC… đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, DRH tăng 6% lên 10.250 đồng/cp, AMD tăng 5,3% lên 5.990 đồng/cp, DXG tăng 4,9% lên 28.900 đồng/cp, LDG tăng 4,1% lên 7.590 đồng/cp.
Trong số các cổ phiếu bất động sản giảm ở phiên 3/6 có các mã thanh khoản cao đáng chú ý như LHG giảm 1,3%, TIG giảm 1,3%. IDC giảm 1%, Ngày 1/6, IDC nhận được quyết định số 729/QĐ-TCT của Tổng cục Thuế về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế. Trong đó, tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp tiền thuế là hơn 9,3 tỷ đồng. IDICO đã nộp đầy đủ số tiền trên vào ngân sách Nhà nước.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 23,5 điểm (1,75%) lên 1.364,28 điểm. Toàn sàn có 339 mã tăng, 75 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index tăng 7,9 điểm (2,45%) lên 329,55 điểm. Toàn sàn có 154 mã tăng, 71 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,28 điểm (1,43%) lên 90,67 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn HoSE và HNX gia tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với 1,08 tỷ cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt mức kỷ lục với 33.055 tỷ đồng. FLC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 35 triệu cổ phiếu. Việc dòng tiền quá mạnh trong thời gian gần đây được cho vẫn đến từ nhà đầu tư “F0”. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 5 ở mức 113.543 đơn vị, tăng 3,2% so với tháng 4. Tổng lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong 5 tháng đầu năm đạt 479.857 tài khoản, vượt 22% so với cả năm 2020.
Điểm tiêu cực của thị trường vẫn là việc khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng rất mạnh với giá trị hơn 1.100 tỷ đồng. Trong đó, HPG vẫn là cái tên bị dòng vốn ngoại bán ròng mạnh nhất với 716 tỷ đồng. VIC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với 143 tỷ đồng. Trong khi đó, THD, FLC và NVL là 3 mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh. FLC được mua ròng 42 tỷ đồng, NVL và THD được mua ròng lần lượt 38 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm trong phiên thứ năm liên tiếp với mức tăng mạnh hơn hẳn so với bốn phiên trước đó. Và thanh khoản tiếp tục lập kỷ lục cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ mạnh vào thị trường và tâm lý rất hưng phấn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn kỹ thuật thì phiên này có thể là một đỉnh cao trào (climax top) của VN-Index khi hội tụ đủ mọi yếu tố như mức tăng mạnh, thanh khoản lớn, chỉ số gap up ngay từ đầu phiên, cũng như VN-Index đã vượt qua được xu hướng trên của kênh giá. Và trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6/2021 thấp hơn chỉ số VN30 sau 4 phiên liên tiếp cao hơn cho thấy các trader cũng đang có sự thận trọng nhất định đối với xu hướng. SHS cho rằng đà tăng hiện tại là hơi nóng và trong phiên giao dịch cuối tuần 4/6, thị trường có thể sẽ điều chỉnh trở lại khi mà áp lực bán mạnh xuất hiện.
Xem thêm: lmth.70240000042210202-6-3-neihp-gnort-ahp-tub-uahn-aud-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer