Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo các chuyên gia, việc ngân hàng rao bán các khoản nợ khó đòi là cần thiết nhằm đảm bảo đồng vốn hoạt động thay vì phải mất công theo dõi, quản lý và tổ chức nhân lực cho việc đòi nợ với hiệu quả không cao.
Hơn nữa, có những tổ chức có điều kiện, khả năng, chuyên môn để đi thu những khoản nợ đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các ngân hàng phải đưa ra tỉ lệ thu hợp lý khi bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo chứ không thể thu đúng thu đủ nợ gốc và lãi.
Bán nợ không có tài sản đảm bảo
Thời gian gần đây, VietinBank liên tục thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Chẳng hạn, ngày 17-5 ngân hàng này rao bán khoản nợ của 9 khách hàng với giá trị ghi sổ hơn 75,5 triệu đồng gồm gốc, lãi và lãi phạt. Trong đó, khoản nợ có giá trị cao nhất hơn 16 triệu đồng, thấp nhất chỉ hơn 1 triệu đồng.
Ngân hàng này cũng lưu ý là giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản và các chi phí khác khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Ngân hàng có thể bán từng khoản nợ, một số khoản nợ hoặc tất cả các khoản nợ.
Cũng có một số khoản nợ được rao đi rao lại nhiều lần và ngân hàng đã giảm giá khoản nợ. Khoản nợ của 9 khách hàng nêu trên từng được rao bán với giá khởi điểm hơn 83 triệu đồng, trước khi giảm về mức 75,5 triệu đồng.
Một khoản nợ nữa của nhóm 15 khách hàng cũng đã được VietinBank rao lần thứ hai với giá giảm 15 triệu đồng so với trước đó vài ngày, còn gần 151 triệu đồng. Do đây là các khoản vay tiêu dùng nên đều không có tài sản đảm bảo, giá trị món nợ cũng nhỏ. Khoản vay lớn nhất 40 triệu đồng (gồm cả gốc và lãi), trong khi khoản nhỏ nhất hơn 4 triệu đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện VietinBank cho hay đây là bước thử nghiệm để kích hoạt thị trường mua bán nợ cho vay tiêu dùng. Theo vị này, nhiều người chỉ quen với những khoản nợ lớn và có tài sản thế chấp, trong khi các khoản nợ vay tiêu dùng chưa được ngân hàng nào chào bán công khai. Trong thực tế, nhiều đơn vị có nhu cầu mua khoản nợ này, đó là những tổ chức có giấy phép kinh doanh thu hồi nợ.
"Thật ra, đây không phải là những khoản nợ khó bán. Ngân hàng vẫn có thể chào bán theo hình thức thỏa thuận, nhưng chúng tôi muốn chào bán công khai để ai có nhu cầu vẫn có thể mua được, đồng thời để xóa đi tâm lý cứ khoản nợ lớn, có tài sản đảm bảo thì ngân hàng mới thanh lý. Có nhiều biện pháp để thu hồi nợ xấu. Căn cứ vào nguồn lực, tính chất của các khoản nợ, ngân hàng sẽ lựa chọn biện pháp thu nợ phù hợp" - vị này nói.
Phải đưa ra tỉ lệ thu hồi nợ hợp lý
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng việc các ngân hàng công khai bán nợ cho thấy tín hiệu thị trường mua bán nợ của Việt Nam bắt đầu hình thành. Đây là tín hiệu tốt bởi các tổ chức tín dụng phải tính toán bán đi các khoản nợ, trong đó có cả nợ cho vay tiêu dùng, nhằm đảm bảo đồng vốn hoạt động chứ không thể để vốn chết.
Tuy nhiên, một tổng giám đốc ngân hàng cho rằng trên thực tế việc bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo khó có thể thu đủ nợ gốc và lãi, mà khoản thu về bao giờ cũng thấp hơn khoản cho vay ban đầu. Nhiều tổ chức quốc tế có những quy định về việc bán các khoản nợ nhóm 5 với giá rất thấp, có khi chỉ bằng 5% giá trị khoản cho vay. Khi đó, người mua nợ về chỉ cần thu được 7-8% giá trị khoản cho vay là đã có lãi.
"Việc rao bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo sẽ trở thành thông lệ trong tương lai vì có nhiều khoản nợ nhỏ ngân hàng cũng muốn mua đứt bán đoạn thay vì phải mất công theo dõi, quản lý và cũng có những tổ chức có điều kiện, khả năng, chuyên môn để đi thu những khoản nợ đó. Đây cũng sẽ là thị trường mới, cần thiết và thực tế nó đã vận hành tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số nước trong khu vực Đông Nam Á", vị tổng giám đốc này nói.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho biết ngân hàng này từng tính đến phương án bán nợ xấu các khoản vay tiêu dùng nhưng sau đó chọn giải pháp thu nợ khách hàng thay vì bán nợ. Bán nợ sẽ nhanh hơn nhưng ngân hàng phải chấp nhận giá thấp, chỉ bằng 10-20%, cao nhất chỉ khoảng 30% giá trị khoản nợ đó.
Tuy nhiên, do tỉ lệ nợ xấu nhóm khách hàng cá nhân vay tín chấp hiện khá thấp nên ngân hàng để tự thu có thể lâu hơn cách "mua đứt bán đoạn" nhưng có thể thu trọn số nợ gốc và lãi. "Quan trọng là vấn đề thời gian, nhưng dù lâu hay mau, các ngân hàng đã phải trích lập dự phòng cho những khoản nợ này. Chỉ có điều là nếu bán nợ sẽ theo kiểu mua đứt bán đoạn, ngân hàng sẽ không phải mất nhân sự, thời gian quản lý... nhưng do tỉ lệ không lớn nên ngân hàng không làm", vị này cho biết.
Tăng quản lý rủi ro cho vay tiêu dùng
VietinBank đang rao bán nhiều khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Nguyễn Tuấn Anh, vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đến cuối tháng 3-2021 dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 1,867 triệu tỉ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm ngoái. Dư nợ cho vay phục vụ đời sống không bao gồm cho vay liên quan đến nhà ở là 760.302 tỉ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2020.
Ngân hàng Nhà nước đã xếp cho vay tiêu dùng vào nhóm lĩnh vực cần tăng cường quản lý rủi ro. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn hệ thống đã xử lý được 716,7 nghìn tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý chiếm tỉ lệ lớn với 566,3 nghìn tỉ đồng, nợ xấu bán cho VAMC là 139,9 nghìn tỉ đồng. Chỉ có 1,47%, với 10,5 nghìn tỉ đồng nợ xấu được bán cho các tổ chức và cá nhân khác.
Nhưng sôi động nhất vẫn là rao bán công khai các khoản nợ có tài sản đảm bảo. Chẳng hạn, MB vừa thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư trung tâm thương mại Vina tại ngân hàng này. Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 11-5 là 957,99 tỉ đồng.
Trong đó, nợ gốc là 378,4 tỉ đồng và nợ lãi tạm tính là hơn 579,49 tỉ đồng. Ngoài ra, MB cũng chào bán toàn bộ khoản nợ của Công ty TNHH MTV Dệt 19-5 Hà Nội với nợ gốc là 97,8 tỉ đồng, nợ lãi 225 tỉ đồng. Cũng trong tuần này, BIDV công bố bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng kinh doanh nhà Bách Giang phát sinh từ năm 2007, với trị giá nợ gốc hơn 97 tỉ đồng và dư nợ lãi trên 139 tỉ đồng.
Khó thu đủ nợ gốc và lãi
Nhiều chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng khi dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay thì ngân hàng mới đáng rao bán khoản nợ vay tiêu dùng. Thực tế, hầu hết khoản vay tiêu dùng rất nhỏ, chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng/khách vay. Ngân hàng đã đòi mà không thu hồi được nợ, có thể xem là mất trắng. Do đó, việc bán khoản nợ vay tiêu dùng bằng với giá trị sổ sách là chuyện khó có thể thực hiện được.
Theo luật sư Trương Thanh Đức - giám đốc Công ty Luật ANVI, hầu hết các ngân hàng đều có công ty mua bán và thu hồi nợ. Do đó, việc bán các khoản nợ là hoạt động bình thường của ngân hàng để thu hồi nợ. Tuy nhiên, theo ông Đức, việc giá bán khoản nợ vay tiêu dùng bằng trị giá sổ sách (gồm nợ gốc, nợ lãi và lãi phạt) là nhiệm vụ bất khả thi.
"Vì khoản nợ cho vay tiêu dùng thường không có tài sản đảm bảo. Ngân hàng đã dùng nhiều biện pháp mà không đòi được nên buộc phải bán. Nhưng giá bán đưa ra gồm cả gốc, cả lãi và lãi phạt là điều không tưởng. Trong khi đó, trên thực tế, những khoản nợ có tài sản đảm bảo nếu bán được thì may lắm cũng chỉ bằng 50% tiền nợ gốc" - luật sư Đức nói.
TTO - Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa công bố kế hoạch thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ xấu nhằm đẩy mạnh thị trường mua bán nợ xấu tập trung.
Xem thêm: mth.54401618040601202-gnud-ueit-uax-on-nab-gnah-nagn/nv.ertiout