Quyết tâm to lớn của Trung Quốc
Đối với Thị trưởng Tom Hughes và các chính trị gia khác, sự kiện khai trương nhà máy điện mặt trời trị giá 440 triệu USD ở Hillsboro, Oregon là một khoảnh khắc đầy vinh quang. Sự xuất hiện của SolarWorld AG hứa hẹn một bước ngoặt cho quê hương của ông Hughes. Nó được kỳ vọng trở thành nền tảng cho một ngành công nghiệp mới với công nghệ thân thiện với môi trường.
Đó là những gì xảy ra vào năm 2008, thời điểm điện mặt trời trên đà trở thành một trong những nguồn cung năng lượng bùng nổ nhanh nhất trong một thế giới đang chao đảo bởi biến đổi khí hậu. Từ Nhà Trắng tới chính quyền bang, các nhà lãnh đạo Mỹ hứa hẹn về việc theo đuổi công nghệ xanh, không chỉ để hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn giúp cuộc sống trở nên lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, ở bên kia Thái Bình Dương, một đối thủ của nước Mỹ đang nổi lên nhanh chóng và từng bước một thống lĩnh ngành công nghiệp pin mặt trời. Trung Quốc, trong khát vọng chứng minh vị thế của mình, đã dành nhiều khoản đầu tư lớn nhằm đạt được những bước đột phá với năng lượng tái tạo.
Quốc gia này thiết lập một chuỗi cung ứng khép kín, kiểm soát phần lớn polysilicon (Silicon đa tinh thể) của thế giới – thứ vật liệu quan trọng để tạo ra những tấm pin mặt trời. Trung Quốc cũng phớt lờ đề nghị của các nhà môi trường về việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện dùng than, vốn cung cấp điện giá rẻ để sản xuất pin mặt trời. Thậm chí, Trung Quốc còn giữ chi phí lao động thấp hơn so với hầu hết các nước công nghiệp và sẵn sàng phát triển mà không cần lãi.
Kết quả của quá trình đó giúp Trung Quốc sản xuất ¾ số pin mặt trời trên toàn thế giới. Jenny Chase, người đứng đầu bộ phận phân tích về năng lượng mặt trời của Bloomberg, cho biết, 20 năm trước, Mỹ chiếm 22% tổng sản lượng pin mặt trời toàn cầu. Bây giờ, chỉ có 1% pin mặt trời được sản xuất trên đất Mỹ.
Ở đỉnh điểm, có 75 doanh nghiệp sản xuất các cấu kiện pin mặt trời ở Mỹ. Người ta dự đoán con số này sẽ tăng lên mạnh mẽ khi ngành công nghiệp này bùng nổ. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó đã bị đóng cửa. Nhà máy Hillsboro là cái tên mới nhất dừng hoạt động sau 13 năm.
Sự thiếu nhất quán của nước Mỹ
Ngành công nghiệp pin mặt trời đã không thể bén rễ ở Mỹ dù được đầu tư hàng tỷ USD từ chính phủ. Gần 2 thập kỷ kể từ Tổng thống George W. Bush, nước Mỹ ôm mộng trở thành siêu cường năng lượng sạch. Ngay cả các biện pháp thuế quan mạnh mẽ mà ông Barack Obama và Donald Trump áp dụng cũng không thể đưa ngành công nghiệp này trở lại nước Mỹ. Rời Trung Quốc, điểm đến tiếp theo của các nhà sản xuất là các quốc gia khác ở châu Á.
Sarah Ladislaw, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: "Họ đã cố gắng nhiều hơn chúng ta. Trung Quốc có chiến lược và họ bám sát chiến lược đó. Họ tạo ra chính sách riêng cho cả nguồn cung, cả nhu cầu và hiện thực hóa nó".
Trong khi đó, nước Mỹ chỉ áp dụng các biện pháp khuyến khích ngắn hạn và trừng phạt các nước bằng những rào cản thương mại. Điều này chỉ khiến họ bị trả đũa chứ không thể thúc đẩy sản xuất. Theo Ladislaw, các chính sách không nhất quán, chắp vá của Mỹ đã không tương xứng với "chiến lược công nghiệp" mà Trung Quốc theo đuổi nhằm thống trị ngành năng lượng mặt trời.
"Bạn không thể áp dụng một loạt các biện pháp nửa vời và hy vọng rằng nó sẽ mang lại những hiệu quả lâu dài", Ladislaw nhấn mạnh.
Đối với Tổng thống Joe Biden, người coi đầu tư vào năng lượng tái tạo là trọng tâm trong các sáng kiến biến đổi khí hậu và kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD của mình, thất bại của những người tiền nhiệm là lời nhắc nhở cho ông về những thách thức mà Nhà Trắng sẽ phải đối mặt.
Thực tế, sản xuất các sản phẩm năng lượng mặt trời chưa bao giờ mang lại một cơ hội việc làm đáng mong đợi ở Mỹ. Với việc chỉ tạo ra 30.000 việc làm, cuộc cạnh tranh năng lượng sạch tiếp theo sẽ có lợi thế nghiêng về phía Trung Quốc. Cả hai nước đều tin rằng xe điện sẽ là tương lai mới và dồn toàn lực cho chúng.
Trong khi xe điện đang trở thành xu hướng, Quốc hội Mỹ vẫn mải tranh cãi về các khoản tín dụng thuế và liệu có nên trả tiền để xây các trạm sạc hay không. Trong khi đó, Trung Quốc đã lắp đặt 800.000 trạm sạc công cộng, gấp 8 lần con số ở Mỹ. Ngoài ra, họ còn có hàng loạt ưu đãi khác, chẳng hạn như thuế, cấp đất, cho vay lãi suất thấp… để khuyến khích phát triển.
Hàng trăm công ty xe điện cũng đang tập trung sản xuất ở Trung Quốc nhằm tận dụng lợi thế từ công nghệ bán dẫn và pin giá thành thấp. Đây cũng là 2 lĩnh vực mà Trung Quốc đang dồn lực để nắm quyền thống trị.
Chiến thắng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp pin mặt trời đã rõ ràng đến mức ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất của năng lượng tái tạo Mỹ cũng không thể phủ nhận. Việc tạo ra những sản phẩm đắt hơn nhưng lại không tốt bằng khiến các doanh nghiệp pin mặt trời Mỹ nếm quả đắng.