Giá nguyên liệu tăng, doanh nghiệp gỗ phải đàm phán giá bán sản phẩm
Trọng Nghĩa
(KTSG Online) – Giá nguyên vật liệu tăng, giá cước vận chuyển tăng khiến giá thành sản xuất đồ gỗ tăng lên. Trong hoàn cảnh đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải đàm phán tăng giá bán với đối tác nhập khẩu.
Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng khiến giá thành sản xuất đồ gỗ tăng lên trong thời gian qua. Ảnh minh họa: TTXVN |
Khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ đứng trước bài toán khó về vấn đề giá thành sản xuất tăng. Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH gỗ Hiệp Long (Bình Dương), giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 15-20%.
Cụ thể, trước khi dịch bệnh bùng phát gỗ óc chó độ dày 4-5 inch có giá khoảng 1.000 đô la Mỹ thì nay đã tăng 1.300 đô la Mỹ/m3; gỗ teak từ 260 đô la Mỹ tăng lên 330 đô la Mỹ/m3; gỗ tần bì giá nhập khẩu hiện tại khoảng 600 đô la Mỹ, tăng khoảng 150 đô la Mỹ/m3; gỗ thông từ 250 đô la Mỹ tăng lên 300-350 đô la Mỹ/m3...
Với Công ty ván sàn Sao Nam – một đơn vị chuyên sản xuất ván sàn xuất khẩu sang Mỹ, từ tháng 4-2021 đến nay giá nhập khẩu gỗ ốc chó loại 7-8 inch mà công ty đang sử dụng trong sản xuất đã tăng lên 1.700 đô la Mỹ/m3 thay vì 1.150 đô la Mỹ/m3 trước đây. Việc giá nguyên liệu nhập khẩu tăng khiến giá thành sản xuất của công ty tăng lên khoảng 20%.
Trước tình trạng đó nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ đã chủ động thương lượng với đối tác để tăng giá bán sản phẩm. Điều may mắn là hầu hết các đối tác nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam đều đồng ý đề xuất này.
Ông Nguyễn Tấn An cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh đang bùng phát dữ dội nhưng tại thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ các dự án xây nhà vẫn đang tăng mạnh. “Nhu cầu sử dụng ván sàn ở nước họ đang rất lớn. Do sợ thiếu nguồn cung, nên các đối tác của chúng tôi tại thị trường này còn chủ động đề xuất tăng giá mua”, ông An nói.
Ngoài ra còn có một nguyên nhân khác khiến việc tăng giá bán sản phẩm đồ gỗ dễ dàng là vì hầu hết các nước xuất khẩu khác cũng đang tăng giá. Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc điều hành Công ty nội-ngoại thất FURNIST (TPHCM), nói: “Các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Trung Quốc tăng 20% giá bán. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta chỉ tăng khoảng 10-15% nên đối tác dễ dàng chấp nhận hơn”.
Theo các chuyên gia trong ngành, vấn đề tăng giá bán không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thương lượng được với đối tác nhập khẩu. Chẳng hạn đối với các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất, việc tăng giá không khó vì nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu như Mỹ và châu Âu đang rất lớn. Tuy vậy, đối với những đơn vị cung cấp đồ gỗ dự án, giá trị đơn hàng cao thì việc thương lượng gặp rất nhiều khó khăn. Với nhưng đơn vị lớn như Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA (TPHCM), Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành (TPHCM) trong thời gian qua giá thành sản xuất sản phẩm đã tăng từ 5-10%, nhưng do giá trị đơn hàng đã ký với các đối tác khá lớn nên việc đàm phán tăng giá bán gặp khá nhiều vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, trong thời gian gần đây, nguyên liệu sắt thép dùng cho sản phẩm gỗ đã tăng lên 40-60%, nhôm tăng 30-50%. Đây cũng là một yếu tố khiến giá thành sản xuất đồ gỗ tăng lên như hiện tại.
Với tình trạng dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, giá sản phẩm đồ gỗ sẽ khó giảm. “Ít nhất cho đến đầu năm 2022, tình trạng này mới chấm dứt, khi đó đồ gỗ trên thế giới sẽ bắt đầu một chu kỳ giá mới”, ông Phương nói.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt gần 5,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, và châu Âu (trong đó Mỹ chiếm trên 50% giá trị). Tính đến hết tháng 4, ngành này nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 992 triệu đô la Mỹ, tăng 35,5% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 4-2021, kim ngạch nhập khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ đạt 263 triệu đô la Mỹ, tặng nhẹ 1,4% so với tháng trước đó. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng cao hơn so với mức tăng của kim ngạch nhập khẩu. |