Hãng Reuters đưa tin Liên minh châu Âu (EU) ngày 4-6 đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) một kế hoạch có thể giúp tăng nguồn cung vaccine COVID-19 hiệu quả hơn so với việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine mà Mỹ đề xuất.
Ủy ban châu Âu, cơ quan giám sát chính sách thương mại của 27 quốc gia thành viên EU, hôm 4-6 cho biết đã đệ trình một giải pháp thay thế, tập trung vào các giới hạn về hạn chế xuất khẩu và tận dụng sự linh hoạt trong các quy định hiện hành của WTO.
EU hiến kế cách tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: REUTERS
Giới chức châu Âu đã nhấn mạnh những bất cập của biện pháp hạn chế xuất khẩu vaccine cũng như trong luật hiện hành của WTO khiến các quốc gia gặp khó khăn trong việc cấp phép cho các nhà sản xuất vaccine.
EU cho rằng đề xuất miễn áp dụng bản quyền sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19 sẽ không giúp thúc đẩy sản xuất, theo đó đã đưa ra một kế hoạch gồm ba phần.
Một, EU đề xuất các hạn chế xuất khẩu nên được giữ ở mức tối thiểu.
Hai, EU sẽ khuyến khích các hãng sản xuất vaccine tham gia đàm phán với các nhà sản xuất ở các nước đang phát triển và cam kết tăng nguồn cung cho các quốc gia dễ bị tổn thương vì COVID-19, như cách một số nước đã làm.
Ba, kế hoạch của EU nêu bật các quy định hiện hành của WTO cho phép các quốc gia cấp giấy phép cho các nhà sản xuất ngay cả khi không có sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế, mặc dù họ vẫn sẽ nhận được tiền bồi thường.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể sẽ thảo luận về kế hoạch trên tại các cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 8-6 và ngày 9-6 sắp tới.
Reuters dẫn lời một quan chức của Ủy ban cho biết đề xuất này nhằm xóa bỏ sự mơ hồ, làm rõ rằng trong bối cảnh đại dịch, "giấy phép bắt buộc" có thể được cấp mà không cần phải thương lượng trước với các chủ sở hữu bản quyền sáng chế. Việc bồi thường có thể được giữ ở mức tối thiểu để đảm bảo giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, nhóm nhân đạo y tế Medecins Sans Frontieres (MSF) cho rằng đề xuất của EU chỉ thúc đẩy hành động tự nguyện của các công ty, so với một giải pháp pháp lý cụ thể mà việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine có thể đưa ra.
MSF nói thêm rằng "cấp phép bắt buộc" hiện tồn tại những thiếu sót nghiêm trọng và kế hoạch của EU chỉ giới hạn ở vaccine.
Kế hoạch của EU được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ, Nam Phi và hàng chục quốc gia đang phát triển đang yêu cầu việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ để giải quyết “sự bất bình đẳng đáng kinh ngạc” trong việc tiếp cận với vaccine và các phương pháp điều trị COVID-19 khác.
Động thái của Mỹ hồi tháng 5 khi đề xuất phương án bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine đã gây áp lực lớn lên các bên cạnh tranh còn lại, chẳng hạn EU và Thụy Sĩ, nơi có nhiều nhà sản xuất vaccine.
Các hãng dược phẩm lớn cũng như các nước mà các hãng này đặt trụ sở đến nay vẫn phản đối gay gắt đề xuất của Mỹ, khẳng định rằng bản quyền đối với vaccine không phải là rào cản chính ảnh hưởng đến sản lượng, đồng thời cảnh báo động thái này có thể cản trở sự sáng tạo.