Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp năm 1946 - Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao
Ngày 5-6-1911 từ bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước.
Cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã phải trải qua dặm trường bôn ba dài hơn 30 năm đến Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc... (Tuổi Trẻ đã đăng những ngày qua).
Song còn một cuộc ra đi khác cũng hết sức đặc biệt: Người lên đường ngày 31-5-1946 đến Pháp để tìm cách "giữ nước", chống âm mưu thuộc địa hóa Việt Nam một lần nữa của ngoại bang.
Vị nguyên thủ "theo ý quốc dân"
Theo lời mời của Chính phủ Cộng hòa Pháp, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh lên đường với tư cách một nguyên thủ quốc gia.
Tuy vậy, đây là một chuyến thăm có nhiều rủi ro và cạm bẫy, do người Pháp muốn thực hiện âm mưu cai trị Việt Nam một lần nữa. Nhưng Hồ Chí Minh vẫn quyết định lên đường và như Người nói là để "vâng lệnh Chính phủ, theo ý quốc dân".
Biết không thể sớm trở về, nên trước khi đi Hồ Chí Minh đã quyết định ủy thác cho cụ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Bộ Nội vụ) làm Quyền Chủ tịch nước với chỉ sáu từ để bàn giao: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Chuyến thăm của một nguyên thủ quốc gia còn độc nhất vô nhị ở chỗ Hồ Chủ tịch chỉ đem theo đoàn tùy tùng có 2 người, không tiền hô hậu ủng. Đó là ông Đỗ Đình Thiện - thư ký riêng được Bác gọi là "văn phòng" và ông Vũ Đình Huỳnh - sĩ quan tùy tùng được Bác gọi là "võ phòng".
Trên thế giới, có lẽ không có nhà cách mạng, một nguyên thủ quốc gia nào lại lựa chọn như vậy. Cách mạng vừa thành công ít lâu đã sẵn sàng lên đường đến tận "hang cọp" để tìm cách giữ nước, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, bất trắc.
Cuộc hành trình của Hồ Chủ tịch cả đi và về đều rất vất vả. Ngày 31-5 rời Hà Nội, máy bay phải quá cảnh ở rất nhiều nơi (Myanmar, Ấn Độ, Pakistan, Iraq, Ai Cập), khi đặt chân đến Pháp thì đúng lúc đang chuyển giao chính phủ cũ - mới, Người lại phải mất thêm chục ngày chờ đợi.
Chính giới Pháp đã cố tình kéo dài thời gian để gây khó khăn cho đàm phán và làm nản lòng Người. Hồ Chí Minh ở lại Pháp đến ngày 18-9 mới rời quân cảng Toulon bằng tàu thủy, lênh đênh trên biển hơn một tháng, đến 20-10 mới về tới cảng Hải Phòng.
Ông Dương Trung Quốc
Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!". Đấy chính là "dĩ bất biến" mà Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh mang theo trong trái tim của Người từ khi còn là một thanh niên Tất Thành tìm đường cứu nước.
Ông Dương Trung Quốc
Đặt nền tảng ngoại giao nhân dân lâu dài
"Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!".
Quan điểm của Hồ Chí Minh đã được thể hiện rõ ngay từ câu đầu tiên trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946.
Các cuộc thương lượng ở Pháp không chặn được dã tâm xâm lược của quân thù, nhưng đã có tác dụng làm chậm lại thời khắc nổ ra cuộc chiến tranh, giúp Chính phủ và nhân dân Việt Nam có thời gian chuẩn bị các điều kiện cho kháng chiến.
Khi Hồ Chí Minh đến Pháp thì cuộc đàm phán ở Fontainebleau đã diễn ra, ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn của Việt Nam. Không tham gia trực tiếp cuộc đàm phán này, nhưng Hồ Chủ tịch đã luôn giữ liên hệ và chỉ đạo đàm phán, với nguyên tắc không thể nhân nhượng là Pháp phải công nhận quyền tự do, tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Trong thời gian lưu lại trên đất Pháp, Hồ Chí Minh đã đi nhiều thành phố, thực hiện gần 400 cuộc gặp mặt, trao đổi với rất nhiều nhân vật quan trọng thuộc các đảng phái, khuynh hướng chính trị, tướng lĩnh, các bộ trưởng, tiếp xúc rộng rãi các giới văn hóa, xã hội, báo chí, gặp nhiều nhà hoạt động chính trị - xã hội ở các châu lục và Việt kiều ở Pháp.
Qua các cuộc gặp gỡ, thuyết phục, vận động, Người đã khởi tạo một "mặt trận" ủng hộ con đường chính nghĩa của Việt Nam, đặt nền tảng cho ngoại giao nhân dân lâu dài với "sợi chỉ đỏ" là khát vọng hòa bình.
Nhiều người đã biết đến câu chuyện về tình bạn của Bác Hồ với một người dân Pháp tên Raymond Aubrac. Hồ Chủ tịch chỉ làm quốc khách của nước Pháp có ít ngày, phần lớn thời gian còn lại đều phải tự túc, và Người từng ở tại nhà Raymond Aubrac - người sau này hoạt động rất tích cực cho việc bảo vệ hòa bình của Việt Nam.
Bác còn gặp cả danh họa Picasso, một người bạn cũ quen từ hồi đầu những năm 1920 khi viết báo Người cùng khổ với bút danh Nguyễn Ái Quốc, gặp và trò chuyện với David Ben-Gurion lúc đó đang vận động cho độc lập của Israel, sau này là Thủ tướng đầu tiên của Israel.
Hồ Chí Minh đã tận dụng từng giây từng phút để thiết lập những quan hệ tốt đẹp, để vận động và giãi bày với mọi tầng lớp xã hội. Thư ký Đỗ Đình Thiện còn ghi lại cuộc gặp đặc biệt giữa Bác Hồ và người cha của ông Peter Dewey - một sĩ quan Mỹ, là người Mỹ đầu tiên chết ở Sài Gòn.
Cả Pháp và Việt Minh đều đổ lỗi cho nhau về cái chết này. Khi đến Pháp, Hồ Chí Minh biết là có cha của ông Peter Dewey đang ở đó và đã tìm cách gặp. Sau này gia đình Dewey đã đến và giữ quan hệ rất tốt với Việt Nam.
Hội nghị Fontainebleau thất bại bởi người Pháp không từ bỏ dã tâm đô hộ Việt Nam, đoàn của ông Phạm Văn Đồng về nước. Giới chính khách diều hâu của Pháp muốn nổ súng tấn công Việt Nam ngay. Trong bối cảnh ấy, Hồ Chủ tịch đã phải đi thêm một nước cờ.
Một sự kiện chưa từng có trong ngoại giao quốc tế đã diễn ra lúc 0h30 ngày 15-9-1946, khi Hồ Chủ tịch đi gặp Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet tại tư dinh của ông này, hai người cùng ký vào bản "Tạm ước 14-9".
Biết là không thể tránh khỏi một cuộc chiến tranh, Hồ Chí Minh đã phải ký tạm ước để kéo dài thêm thời gian hòa hoãn để Việt Nam tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng cho tới Ngày toàn quốc kháng chiến.
TTO - Một trưng bày ảnh, tư liệu với chủ đề 'Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam' đang diễn ra tại Trung tâm Thông tin triển lãm Hà Nội (93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Xem thêm: mth.27200300050601202-coun-uig-ed-2-nal-id-ar-couc-av-hnim-ihc-oh-hcit-uhc/nv.ertiout