Theo Cục Hàng không, việc thành lập hãng hàng không chuyên chở hàng hoá (cargo) cũng là hợp lý, do Việt Nam hiện chưa có hãng nào chuyên về lĩnh vực này, các hãng đang hoạt động đều tập trung cho vận tải hành khách. Do đó, hầu hết thị phần vận tải hàng hoá qua đường hàng không quốc tế của Việt Nam hiện rơi vào tay hãng nước ngoài.
Việc lập hãng hàng không chuyên chở hàng hoá của ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng như Vietravel lập hãng hàng không chuyên khai thác bay thuê chuyến (charter), đây đều là lĩnh vực mà trước đó thị trường Việt Nam còn bỏ ngỏ.
Công ty CP IPP Air Cargo là thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, có trụ sở tại quận 1, TPHCM. IPP Air Cargo được cấp đăng ký kinh doanh ngày 10/3/2021 do ông Nguyễn Hạnh làm Chủ tịch HĐQT; Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật là bà Lê Hồng Thủy Tiên.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh chính của Công ty CP IPP Air Cargo là vận tải hàng hóa hàng không. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn tham gia kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không, như: Dịch vụ khai thác nhà ga hành khách, nhà ga và kho hàng hoá; Dịch vụ khai thác khu bay; Dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; Dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, trang thiết bị hàng không; Dịch vụ kỹ thuật hàng không; Bưu chính, chuyển phát…
Mục tiêu của Công ty CP IPP Air Cargo là thành lập 1 hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD), trong đó 30% vốn chủ sở hữu và 70% còn lại huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá, năm thứ 2 tăng lên 7 chiếc và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa và doanh thu 71 triệu USD trong năm đầu. IPP Air Cargo dự kiến có lãi từ năm thứ 4 khi đi vào hoạt động.
Tới nay, tại Việt Nam, duy nhất hãng hàng không Vietravel Airlines có các bước đi cụ thể chuyên kinh doanh chở hàng bằng đường hàng không. Được biết, hãng này đã phối hợp với một đối tác nước ngoài thực hiện các chuyến bay chuyên chở hàng từ ngày 10/3, với tần suất 2 chuyến mỗi tuần cho chặng TPHCM - Băng Cốc (Thái Lan).
Vietravel Airlines đang hoàn thiện thủ tục xin cấp phép khai thác máy bay chuyên chở hàng hoá và trước mắt thuê 1 máy bay phục vụ riêng hoạt động này. Nếu thuận lợi, có thể vào quý 4/2021, hãng này sẽ khai thác chuyên cơ vận tải hàng hoá đầu tiên.
Dù hiện Việt Nam chưa có hãng hàng không nào chuyên về khai thác vận tải hàng hoá, nhưng thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các hãng hàng không vận tải khách đã chuyển đổi 1 số máy bay chuyển chở khách sang chở hàng (tháo ghế hành khách). Dịch vụ này tạm thời trong mùa COVID-19, nhưng doanh thu từ các chuyến bay chuyên chở hàng đóng góp hàng nghỉn tỷ đồng bù đắp phần hụt thu từ chở khách cho các hãng Việt Nam.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, để khai thác chở hàng hóa bằng đường hàng không thành công, trở ngại lớn nhất với các hãng là đại lý để thu nhận, tìm nguồn hàng ở hai đầu sân bay đi và đến. Vì để khai thác hiệu quả, mỗi đường bay đều phải có hàng cho cả chiều đi và về, không thể chỉ khi đi có hàng, lúc về bay rỗng.
Bên cạnh đó, chi phí vận tải bằng đường hàng không rất tốm kém, nên chỉ những mặt hàng có giá trị cao, thời gian bảo quản ngắn mới lựa chọn đi máy bay, chủ yếu là điện thoại, thiết bị công nghệ cao, hàng chuyển phát nhanh, bưu kiện, một số loại nông sản giá trị...
Trước đây, vào năm 2008, hãng hàng không Trai Thien Air Cargo cũng xin lập hãng hàng không chuyên chở hàng hoá, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 3 năm không hoạt động nên hãng bị nhà chức trách rút giấy phép.
Lê Hữu Việt
Tiền Phong