vĐồng tin tức tài chính 365

Sân trường kỷ niệm - Kỳ cuối: Lá thư trao tay dưới gốc phượng

2021-06-05 13:37
Sân trường kỷ niệm - Kỳ cuối: Lá thư trao tay dưới gốc phượng - Ảnh 1.

Chiếc xe đạp gắn với rung động đầu đời của thế hệ học trò 8X - Ảnh: VŨ TUẤN

Xe đạp ơi!

Hơn 20 năm, chúng tôi mới gặp nhau nhân ngày hội khóa ở Trường trung học phổ thông Hàm Yên (Tuyên Quang). Ngôi trường nằm dưới chân đồi, căn nhà hiệu trưởng cũ kỹ vẫn như xưa, chỉ có dãy lớp học xộc xệch ngày ấy đã được thay bởi dãy nhà 4 tầng mới khang trang.

Mấy đứa U40 háo hức gặp lại bạn học cũ. Nhóm chúng tôi, cả thằng Dương, thằng Hoàng kéo xềnh xệch đứa lớp trưởng lớp ra gốc phượng, bắt ôm hoa chụp ảnh. Hồi học phổ thông, ba đứa này dính nhau như sam, nhiều hôm chúng nó gửi xe để cả ba đứa đi chung một chiếc xe đạp.

Năm 2000 chúng tôi vào lớp 12, cả huyện chỉ có một trường THPT, ký túc xá trường chỉ chứa được vài chục người, phần lớn học sinh phải ở trọ. Nhiều đứa khác sáng đạp xe 20 cây số đến trường, trưa lại đạp về. Đường miền núi toàn dốc, về đến nhà cũng hơn 13h chiều.

Chủ nhật, đứa nào cũng kỳ cạch đèo sau xe đạp nào củi, nào gạo đến nhà trọ. Đứa nào "xôm" thì có thêm lọ thịt mắm, vài con cá đánh ở ao nhà. Tôi ở trọ với ông chú rể trong căn tập thể cũ cách trường ba cây số. Nhóm bạn cùng lớp chúng tôi quanh đó rất đông. Cả nhóm, thằng Hải có xe đạp Mifa là xịn nhất, còn lại toàn xe tồng tộc (xe cũ nát, thiếu phụ kiện).

Ngày ấy xe đạp "xịn" nhất trường là chiếc "cào cào" nhập khẩu Nhật Bản. Chiếc thứ hai là chiếc "địa hình Tàu" lốp to, lại có "đề". Lũ chúng tôi nhìn mà ghen tị: "Thằng đó học khá, lại đi con xe kia, sao bọn con gái chả thích?".

Xe đạp của Hải luôn được người trong nhóm trưng dụng để ra oai với bạn gái. Người mượn nhiều nhất là Dũng. Hắn mơ mộng cô bé học lớp kế bên. Tối nào cũng mượn xe Hải đạp qua nhà cô bé ấy, lượn qua lượn lại nhưng không dám vào.

Cô bạn nhà xa, phải ở trọ trong một căn nhà cũ cách trường một cây số. Căn nhà nằm trong xóm sát chân đồi, trước nhà là ao cá, chung quanh là ruộng lúa. Lượn nhiều lần rồi hai đứa cũng quen nhau, thỉnh thoảng Dũng mang sách vở đến nhà giải bài tập vật lý cho cô bạn. Đương nhiên, lần nào cũng đạp chiếc Mifa xịn xò... đi mượn.

Tối thứ bảy lần ấy, chúng tôi tập trung tại nhà Hải thì Dũng lại mượn xe đi. Gần 23h mới thấy nó thất thểu về. Cả người lẫn xe đầy bùn, tanh ngòm, trên tóc vẫn còn dính gốc mạ mới cấy. Dũng vừa cười vừa hậm hực "Trả xe mày này, phanh hỏng không nói...". Cả lũ cười vang. Ấy là lần đầu tiên Dũng chở cô bạn đi ăn sữa chua, trên đường về nó vừa đi vừa hát rồi lao cả xe xuống ruộng.

Tin thằng Dũng đi chơi với bạn gái lao xuống ruộng được bàn tán ầm ĩ ở trường. Cô bạn học trò ấy qua cửa lớp tôi là rảo bước thật nhanh để tránh bị trêu. Còn Dũng mỗi lần bị bạn bè chọc lại lẩm bẩm: "Tại cái xe thằng Hải". 

Sau hôm đó, Dũng và cô bạn không dám nói chuyện với nhau, chỉ thỉnh thoảng vẫn mượn sách. Lần nào trả sách cũ hay mượn cuốn sách mới, hai đứa vẫn đưa cho nhau dưới gốc phượng già. Sau này mỗi đứa một nơi, Dũng kể ngày ấy nó với cô bạn viết thư tay. Nó không gửi qua bưu điện vì có thư đến là "lũ quỷ sứ" chúng tôi giành lấy đọc trước.

Ngày hội khóa Dũng không về, nhiều đứa khác đến gốc phượng. Lúc đó, chúng tôi mới biết rất nhiều đôi thư qua thư lại bên gốc phượng già này chứ không chỉ có Dũng.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ cuối: Lá thư trao tay dưới gốc phượng - Ảnh 2.

Đôi bạn thân ngày ấy bồi hồi dưới gốc phượng kỷ niệm sau 20 năm gặp lại - Ảnh: VŨ TUẤN

Tình cảm học trò năm 2000

Lớp tôi, Hải là thằng thông minh, hài hước và liều lĩnh. Nó nghĩ ra đủ trò quậy trên lớp, nhưng gặp mặt một cô bé lớp dưới là "đứng hình". Cô bạn gái tên Thủy, học lớp 10 rất xinh, nhà kế bên đường chúng tôi đi học về. 

Ngày nào thằng Hải đạp xe qua cổng ấy cũng cố tình đi chậm lại. Khi thì như tuột xích, khi rơi sách, có khi trời nắng chang chang, xe chẳng làm sao cũng nhảy xuống dắt bộ. Miễn qua nhà cô bạn càng chậm càng tốt.

Dịp 8-3 năm ấy, cả nhóm bảy đứa con trai, bốn đứa thương thầm nhớ trộm mấy "hoa khôi" lớp dưới lên kế hoạch tỏ tình. Chúng tôi "họp" bốn lần ở nhà Hải rồi thống nhất ý tưởng: Sáng sớm gài hoa và bưu thiếp trước cửa để gây bất ngờ cho các cô bạn.

Bốn thằng có người để mơ mộng thì Hải và Mẫn nhất sẽ tặng hoa vào sáng sớm. Hai thằng còn lại đồng ý nhưng chỉ tủm tỉm cười bí hiểm, chúng có kế hoạch riêng.

Trước ngày tỏ tình học trò lãng mạn, chúng tôi đi cùng Dương chọn bưu thiếp. Dương khéo tay, vẽ giỏi, chữ đẹp được giao luôn nhiệm vụ viết lời chúc cho "hoành tráng". Chúng nó lôi tiền tiết kiệm trong cặp ra đặt mỗi thằng một bông hồng. Mà phải là hồng Đà Lạt, vừa to, vừa đẹp, giá đắt bằng mấy bát phở.

Bốn giờ sáng 8-3, chuông đồng hồ kêu inh ỏi, chúng tôi vùng dậy xỏ giày ra sân khởi động cùng các bác hàng xóm chuẩn bị tập dưỡng sinh. Trời tối om, cả nhóm hí hửng vừa đi vừa chạy, cười nói rôm rả suốt quãng đường hai cây số.

Gần đến nhà Thủy thì chúng tôi dừng lại, thở hổn hển núp vào ven đường. Lúc đó trời vẫn tối, cả xóm chưa nhà nào sáng đèn. "Vào đi, vào đi... tí nữa em í dậy thì mày mất cơ hội" - Hoàng, một thằng trong nhóm, giục. 

Hải đi trước, lưng thẳng, ngực ưỡn, miệng cười, tay cầm đóa hồng có gài bưu thiếp điệu nghệ, lãng mạn như diễn viên trong phim Titanic. Chúng tôi bám theo sau cách vài chục bước chân, cố bảo nhau im lặng nhưng vẫn có thằng bật ra tiếng cười hí hí!

Cái bóng Hải lờ mờ bước vào đến sân, bất ngờ "hộc hộc! Gâu gâu gâu!" - con chó bécgiê từ đâu lao ra muốn vồ lấy kẻ lạ mặt. Hải hét lớn: "Chó! Chó! Chạy đi chúng mày ơi!". Rồi nó quăng cả bưu thiếp, cuống quýt cầm đóa hồng làm... vũ khí chống trả con chó to lớn.

Chúng tôi co giò chạy, đàn chó trong khu vực sủa inh ỏi, nhiều người bật dậy mở cửa vì tưởng bắt trộm. Tôi với Mẫn nhảy xuống bờ ruộng chạy ra bờ suối. Lúc đó trời tang tảng sáng. Trên tay Mẫn, đóa hồng đã bị giập một vài cánh.

Cả hai đi vòng bờ suối ra đường cái để tìm đến nhà "người thương" của Mẫn. Trong nhà, đèn đã sáng nhưng chưa có ai mở cửa. "Mày xem có chó không?" - Mẫn huých vai tôi. "Không có đâu, vào đi" - tôi giục Mẫn rồi ngồi xuống buộc lại dây giày bata, nhỡ có chó thì... tẩu cho lẹ.

Mẫn lấy hết can đảm rón rén mang đóa hồng đến gài trước cửa. Cái bưu thiếp đã rơi đâu mất. Nhìn bộ dạng của nó giống một tay thích khách trong phim chưởng, khác hẳn vẻ tự tin, lãng mạn của Hải lúc trước.

Mẫn gài hoa thành công rồi quay ra. Chuẩn bị rút thì nó quay lại. "Không được, nhỡ ai mở cửa, rơi hoa, giẫm vào thì hỏng bét" - hắn nói rồi lại rón rén tiến vào lấy bông hoa cắm lên khe của mặt bàn gỗ đặt trước sân.

Chúng tôi vờ tập thể dục, đi bộ vào con ngõ cách nhà "người thương" của Mẫn một đoạn. Mẫn muốn xem "nàng" nhận được hoa sẽ phản ứng thế nào. 

Nó chắc đang tưởng tượng... như phim khi nàng cầm hoa lên sẽ ngắm nghía, rồi nhẹ nhàng nâng lên mũi hít nhận sự ngọt ngào của Mẫn. Và Mẫn sẽ cười, chạy ra trước cửa để cho "nàng" nhận ra nó là người tặng hoa, rồi lặng lẽ quay lưng, mặt kệ cho "nàng" ngỡ ngàng hạnh phúc... y như trong phim.

Cửa mở, chiếc bóng mảnh mai của nàng bước ra hè, Mẫn nắm chặt tay, mặt gân lên căng thẳng. Cô bạn học trò mở rộng cửa, hai người đàn ông khiêng con lợn mới mổ quẳng uỵch lên mặt bàn, đè nát đóa hồng của Mẫn.

"Úi trời! - Mẫn thất vọng đập tay vào nhau - Về thôi mày". Tôi nhịn cười đi bộ theo Mẫn. Về đến nhà Hải, đã thấy mấy thằng vẫn ngồi ngoài cửa mồ hôi nhễ nhại. Thấy chúng tôi, chúng nó phì cười, lật mông quần thằng Hải khoe "chiến tích" đi tặng hoa cho bạn gái bị chó cắn rách quần mà không chảy máu.

Nhiều năm qua rồi, chúng tôi về thăm lại trường xưa. Bồi hồi đến bên gốc phượng, nơi thư tình học trò trao tay ngày ấy mà có đứa phì lên cười nhớ chuyện vui tặng hoa bị chó đuổi, lợn đè.

Sân trường kỷ niệm - Kỳ 9: Ngôi trường 2K ở núi rừngSân trường kỷ niệm - Kỳ 9: Ngôi trường 2K ở núi rừng

TTO - Nếu có ai hỏi kỷ niệm thời học trò, tôi sẽ nói về nỗi nhớ ngôi trường cấp III mình từng gắn bó 3 năm (2000 - 2003). Trường bấy giờ nằm ở khu vực miền núi phía tây huyện Quế Sơn (Quảng Nam), nay là huyện Nông Sơn.

Xem thêm: mth.94592020240601202-gnouhp-cog-ioud-yat-oart-uht-al-iouc-yk-mein-yk-gnourt-nas/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Sân trường kỷ niệm - Kỳ cuối: Lá thư trao tay dưới gốc phượng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools