1.Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn là giải thưởng phi lợi nhuận, được Báo Thể thao và Văn hóa tổ chức thường niên (bắt đầu từ năm 2020) nhằm trao cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc "của thiếu nhi" hoặc "vì thiếu nhi", đồng thời có thể xét cho những tác giả cũng có tác phẩm xuất sắc trong năm, đáng để thiếu nhi thưởng thức, tuy có thể chưa đạt đến mức xuất chúng, nhưng nếu tác giả đó có bề dày sáng tác cho thiếu nhi và có nhiều hoạt động vì thiếu nhi thì có thể xem là những "điểm cộng" để trao giải.
Dù còn mới mẻ, nhưng trong bối cảnh đời sống văn hóa - nghệ thuật cho thiếu nhi có nhiều khoảng trống, một số ý kiến cho rằng, giải thưởng Dế Mèn là "cơn mưa rào" xuất hiện đúng thời điểm để tìm kiếm, vun đắp và tôn vinh những tác phẩm hay viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi. Đồng thời, góp phần truyền cảm hứng sáng tác cho các tác giả chuyên và không chuyên, để cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa các xuất bản phẩm nước ngoài, hoặc những bộ phim thiếu nhi ngoại nhập đang có xu hướng lấn át "hàng nội".
Nhà văn Bình Ca (thứ 2 từ trái sang) nhận giải Dế Mèn. |
Mục tiêu hết sức tích cực, song ngay từ khi xuất hiện, giải thưởng này đã đối diện rất nhiều khó khăn. Trong đó, đại dịch COVID -19 cũng đã tác động lớn tới kết quả của việc tìm kiếm tôn vinh. Tuy vậy, vượt qua khó khăn đó, ở năm đầu tiên, sau gần 4 tháng phát động, giải thưởng Dế Mèn lần thứ nhất đã có hơn 100 tác phẩm, chùm tác phẩm dự thi với đầy đủ các loại hình nghệ thuật.
Điểm thú vị của giải thưởng này là không chỉ chờ đợi, khuyến khích các tác giả gửi tác phẩm về tham dự mà các thành viên trong Ban giám khảo còn tích cực tìm kiếm những tác phẩm đã được công bố để đưa lên Hội đồng Giám khảo xem xét…
Và "mùa quả ngọt" đầu tiên mà giải thưởng này có được, là trao Giải thưởng Lớn - Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác giả của truyện dài "Làm bạn với bầu trời" cùng bề dày sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi của ông với khoảng 40 đầu sách. Bên cạnh đó còn trao 4 Giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire) cho các tác giả khác.
2.Bước sang mùa giải thứ 2, vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID -19 gây ra, giải Dế Mèn cũng đã trở thành một điểm hẹn thú vị. Theo thông tin từ Ban tổ chức, chỉ trong một thời gian ngắn, từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5, giải Dế Mèn lần 2 đã nhận được gần 120 tác phẩm dự thi, tăng gần 20 tác phẩm so với mùa giải đầu tiên.
Mùa giải năm nay có sự tham gia của nhiều nhà văn, đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng và một số tác giả trong thời gian qua có nhiều tác phẩm viết cho thiếu nhi như Trần Thị Kim Hòa, Nguyễn Thị Thanh Bình, Hồ Huy Sơn…
Một thành viên trong Ban Sơ khảo tiết lộ: "Các tác phẩm dự thi chủ yếu là văn học, phổ biến nhất là truyện dài, truyện vừa, tiểu thuyết, tản văn, chỉ có một số ít truyện ngắn và thơ. Đáng mừng là có khoảng 20 phim hoạt hình tham gia dự giải, trong đó có các phim nghệ thuật trên 10 phút và các series phim hoạt hình dài kỳ đã và đang được đầu tư rất công phu. Lĩnh vực âm nhạc ít hơn, nhưng rất vinh dự đón nhận sự tham gia của một vở ca kịch đồ sộ với một số ca khúc đã được thu âm".
Thêm nét thú vị ở giải thưởng thiếu nhi này là không chỉ trông chờ vào tác phẩm gửi tham dự, các thành viên trong Ban giám khảo, Ban tổ chức còn chủ động liên hệ với các đơn vị xuất bản, đơn vị nghệ thuật để mời "tiến cử" những tác phẩm phù hợp với tiêu chí giải thưởng. Bên cạnh đó các thành viên cũng chủ động tìm kiếm, quan sát những tác giả có tác phẩm mới xuất bản, ra mắt phù hợp với quy định của giải thưởng về xem - nghe - đọc và đề cử chấm giải.
Cụ thể, năm nay nhiều tác phẩm văn học đã được tiến cử, trong đó có tiểu thuyết "Đi trốn" của Bình Ca, tập truyện tranh "Ly và Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết" của Mèo Mốc, tập truyện "Bên suốt, bịt tai, nghe gió" của Văn Thành Lê, truyện dài "Cá voi Eren đến Hòn Mun" của Lê Đức Dương, bộ sách 4 cuốn "Khác biệt mới tuyệt làm sao" của Nguyễn Hoàng Vũ với sự tham gia của nhiều họa sĩ vẽ minh họa… Trong đó, tác phẩm "Đi trốn" của tác giả Bình Ca được đánh giá cao, với một câu chuyện hấp dẫn về một thời đã xa ở vùng An toàn khu Việt Bắc, gắn với những nhân vật thiếu niên khá sinh động.
3.Không chỉ tôn vinh những tác giả đã có ít nhiều tên tuổi và sự nghiệp văn học - nghệ thuật cho thiếu nhi, giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn còn hướng tới tìm kiếm các tác giả trẻ. Năm ngoái, ở mùa giải đầu tiên đã phát hiện một Cao Khải An - cậu bé 12 tuổi ở Cà Mau với tập truyện dài đầu tay "Chuyện của Bắp ăn mơ và Xóm Đồi rơm" viết trong những ngày ở nhà tránh dịch đã gây ngạc nhiên cho các vị giám khảo.
Họa sĩ nhí Xèo Chu (sinh năm 2007) sẽ nhận giải thưởng tại TP Hồ Chí Minh. |
Theo đánh giá của Ban tổ chức, ở mùa giải năm nay, trong mảng hội họa, đó là sự xuất hiện của họa sĩ nhí Xèo Chu sinh năm 2007, tại TP Hồ Chí Minh. Xèo Chu bắt đầu vẽ tranh từ năm 4 tuổi, đến nay đã vẽ hơn 300 bức tranh, có bức bán đến 150.000 USD tại Mỹ. Xèo Chu đã có những triển lãm cá nhân tạo ấn tượng mạnh mẽ tại Singapore, New York, Việt Nam...
Trong lĩnh vực văn học, đáng chú ý, có những tác giả gửi 2-3 tác phẩm tham dự, lại có tác giả thiếu nhi đang học lớp 3 hoặc lớp 6 đã dự thi bằng 2 tiểu thuyết dài hàng trăm trang, thuộc thể loại fantasy, trong đó một tiểu thuyết song ngữ - ban đầu được viết bằng tiếng Anh (dự kiến 4 tập, mới hoàn thành 1 tập) rồi mới dịch ra tiếng Việt và được các bạn cùng lớp minh họa.
Đánh giá về mùa giải năm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo giải Dế Mèn cho rằng, "đã về đích an toàn". Việc không tìm ra được tác phẩm xuất sắc để trao giải "Hiệp sĩ Dế Mèn" cho thấy chất lượng các tác phẩm tham dự năm nay tuy đa dạng, số lượng nhiều hơn, nhưng chất lượng chưa vượt trội, chưa hơn năm ngoái.
Đồng quan điểm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Ban Chung khảo giải Dế Mèn 2021 nhận xét, các tác phẩm năm nay dàn trải, khó tìm ra tác phẩm xuất sắc, có ý tưởng mới mẻ và độ ngân vang để tôn vinh. Còn ở góc độ mỹ thuật, họa sĩ Thành Chương - thành viên Ban Chung khảo giải Dế Mèn cũng thừa nhận, rất khó để chọn lựa, tôn vinh tác giả - tác phẩm nào nhận giải "Hiệp sĩ Dế Mèn" năm nay vì "chưa thấy thật sự nổi trội".
Điều này cho thấy, việc sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật cho thiếu nhi có đặc thù riêng, có sự khó khăn riêng. Người viết không nhất thiết phải tìm kiếm một câu chuyện mới mẻ, có thể kể những câu chuyện cũ thấm đẫm tính nhân văn, được kể bằng một giọng điệu mới mẻ, gây sửng sốt người đọc. Đặc biệt, trong lĩnh vực phim, kịch và tác phẩm văn học đang thiếu những ý tưởng kể chuyện hấp dẫn cho thiếu nhi và là lĩnh vực rất quan trọng cần được chăm chút, vun xới.
Giải thưởng Dế Mèn lần thứ 2 (2021): Không có giải cao nhất - “Hiệp sĩ Dế Mèn”; 5 giải “Khát vọng Dế Mèn” được trao cho tiểu thuyết “Đi trốn” (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Bình Ca; phim hoạt hình "Khúc gỗ mục" của đạo diễn-NSND Nguyễn Thị Phương Hoa và êkíp (Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam); chùm tranh về thiên nhiên và cuộc sống của hoạ sĩ nhí Xèo Chu (sinh năm 2007); Truyện tranh "Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!" (NXB Hội Nhà văn) của Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng); bộ truyện "Khác biệt mới tuyệt làm sao" (NXB Kim Đồng) của Nguyễn Hoàng Vũ và các hoạ sĩ: Gà's little world, Hoàng Trung, Ru-oi, Linh Vương. |