- Hoài Linh sẽ phải công khai mọi đóng góp trên phương tiện truyền thông?
- Danh hài Hoài Linh có phải một đại gia đáng gờm?
Lâu nay, hoạt động từ thiện liên quan đến giới nghệ sĩ luôn được công chúng quan tâm, nhưng ít ai rạch ròi về quyền lợi và nghĩa vụ của người góp tiền và người trao tiền. Công chúng tích cực quyên góp vì họ tin tưởng nghệ sĩ có thể đại diện cho họ giúp đỡ và an ủi những số phận bất hạnh. Tuy nhiên, trách nhiệm của những nghệ sĩ khi sử dụng các khoản kinh phí thì vô cùng mơ hồ.
Trên thực tế, những đêm nhạc kêu gọi từ thiện đều chẳng mấy khi công khai hành trình cứu trợ một cách cụ thể. Có thông báo thì cũng cung cấp vài số liệu chung chung. Vì vậy, chẳng thể nào phân định, bao nhiêu tiền đến tay đối tượng thụ hưởng và bao nhiêu tiền được hoạch định vào chi phí tổ chức, thù lao nghệ sĩ và các mục lặt vặt khác.
Dư luận cho rằng khán giả góp tiền theo niềm tin yêu với nghệ sĩ, không có một thỏa thuận nào về việc sử dụng đồng tiền quyên góp, còn nghệ sĩ cũng chỉ biết nhận mà không tính rõ ràng phương án điều phối chi tiết nguồn tiền từ thiện. Sự không chuyên nghiệp từ cả hai phía dẫn đến chuyện xảy ra với Hoài Linh là không ngạc nhiên.
Với trường hợp của Hoài Linh, tính kịp thời chi tiêu tiền cứu trợ không được bảo đảm. Người góp tiền từ thiện luôn mong muốn đồng tiền mình góp được sử dụng đúng mục đích, bao gồm cả đúng thời điểm. Hoài Linh chỉ làm muộn thôi, chưa nói đến chuyện gì khác, người góp tiền có quyền trách nghệ sĩ, phải chấp nhận. Dù Hoài Linh đã chuyển được hay chưa chuyển được số tiền quyên góp từ thiện, hiện số tiền có bao nhiêu, giữ ở tài khoản nào, kế hoạch xử lý tiền đó ra sao, anh phải thông tin công khai.
Danh hài Hoài Linh. |
Giới nghệ sĩ cũng quá tự tin vào hào quang của họ, nên thường phản ứng tiêu cực khi bị hỏi han trực tiếp về hoạt động từ thiện.
Theo các chuyên gia pháp luật, thì nghệ sĩ có trái tim nhân ái, lại có tên tuổi hình ảnh nên họ có thể làm tốt việc kêu gọi quyên góp từ thiện hơn người bình thường. Nghệ sĩ khi làm từ thiện, một việc rất phức tạp và mất thời gian, rất cần phải có sự tư vấn về cách làm từ các luật sư có kinh nghiệm, một người hỗ trợ pháp lý, để bảo vệ cho chính mình, bởi chỉ cần chút sơ sẩy là rất dễ gặp rắc rối pháp lý, thành vi phạm pháp luật - tội lạm dụng lòng tin của người khác.
Câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện được thăng hoa từ sự xuất hiện ngoạn mục của ca sĩ Thủy Tiên. Số tiền công chúng chuyển vào tài khoản của ca sĩ Thủy Tiên được tăng chóng mặt, vì đích thân ca sĩ Thủy Tiên đội mưa đội gió lặn lội vào nơi đang khốn khó để trao tận tay cho từng người dân. Gần 200 tỷ đồng được ca sĩ Thủy Tiên giải ngân khá bài bản trong đợt cứu trợ bão lụt miền Trung vừa qua. Vì vậy, người quyên góp không hề phàn nàn khi ca sĩ Thủy Tiên ngoài việc tặng 10 triệu đồng cho mỗi hộ dân theo danh sách địa phương cung cấp, còn cao hứng tặng đến 200 triệu đồng cho một trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Danh hài Hoài Linh có quyền lực trong show biz Việt gấp nhiều lần ca sĩ Thủy Tiên. Cho nên, danh hài Hoài Linh sau 20 ngày kêu gọi được 14 tỷ đồng cũng không khó hiểu. Thế nhưng, cái khó hiểu là danh hài Hoài Linh đã im lặng với tài khoản ủy nhiệm kia suốt nửa năm. Công chúng gay gắt với danh hài Hoài Linh, cũng chỉ muốn hoạt động từ thiện được giới nghệ sĩ thực hiện tốt hơn. Và quả nhiên, scandal của danh hài Hoài Linh đã khiến nhiều nghệ sĩ phải thay đổi cách làm từ thiện.
Một đồng nghiệp thân thiết của danh hài Hoài Linh là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã có vài cải tiến công khai hóa việc làm từ thiện. Trước đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vận động giúp đỡ cho một cháu bé bị phỏng, và người hâm mộ đã chung tay. Sau đợt trao tiền đầu tiên, người nhà của cháu bé bị phỏng đã xin không nhận nữa, nên ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ngỏ lời đề nghị những người quyên góp cho phép chuyển số tiền 160 triệu đồng còn lại sang ủng hộ chống dịch COVID-19.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ rằng, bệnh viện dã chiến đã được lập ở tâm dịch Bắc Giang nhưng không đủ số giường cần thiết cho bệnh nhân, vì vậy anh muốn trao tặng 100 cái giường. Với giá một cái giường là 1,8 triệu đồng, thì cần 180 triệu đồng. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng góp thêm 20 triệu đồng và chịu toàn bộ kinh phí nhân lực lẫn kinh phí vận chuyển.
Chuyến hàng từ thiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ủng hộ Bắc Giang chống COVID-19. |
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cho rằng, sau này anh sẽ không kêu gọi quyên góp nữa: “Khi nào dư giả, thấy hoàn cảnh nào thương tâm thì tự bỏ tiền ra làm! Không thì thôi! Có thể tôi nghèo hơn rất nhiều người, nhưng uy tín, danh dự và lòng tự trọng chắc chắn sẽ không thua bất kỳ một ai”.
Tương tự, sau scandal Hoài Linh, cũng có ý kiến hoài nghi về khoản tiền 8,7 tỷ đồng mà danh hài Trấn Thành từng vận động quyên góp từ tháng 10/2020. Khi ấy, danh hài Trấn Thành không trực tiếp trao quà cứu trợ mà chia thành 3 khoản để gửi 3 tỷ đồng cho diễn viên Đại Nghĩa, 1 tỷ đồng cho mẹ ruột của ca sĩ Hồ Ngọc Hà và 4,7 tỷ đồng chuyển cho Thủy Tiên.
Thế nhưng, trong danh sách mà ca sĩ Thủy Tiên cảm ơn các Mạnh Thường Quân đã đóng góp gần 200 tỷ đồng cứu trợ miền Trung, thì không có tên của danh hài Trấn Thành. Vậy, danh hài Trấn Thành có chuyển 4,7 tỷ đồng cho ca sĩ Thủy Tiên không? Danh hài Trấn Thành cho biết, thay vì chuyển cho ca sĩ Thủy Tiên thì anh đã chuyển cho bà Ngọc Hương là mẹ ruột của ca sĩ Hồ Ngọc Hà tất cả 3 đợt. Đợt 1 là 1 tỉ đồng vào ngày 19/10/ 2020. Đợt 2 là 2,1 tỉ đồng vào ngày 26/10/2020. Đợt 3 là 3,353 tỉ đồng vào ngày 21/12/2020.
Danh hài Trấn Thành tỏ vẻ ăn năn: "Tôi gửi lời xin lỗi vô cùng đến Thủy Tiên và quý vị khán giả vì có sự thay đổi cuối giờ mà lại quen không thông báo cho mọi người. Đó là một thiếu sót lớn, tôi xin rút kinh nghiệm sâu sắc. Xin lỗi đã làm liên lụy đến Thủy Tiên. Mong mọi người và Thủy Tiên lượng thứ”.
Vấn đề cá nhân tham gia làm từ thiện cần được đánh giá lại thật nghiêm túc. Nghị định 64/2008 của Chính phủ nghiêm cấm cá nhân tổ chức quyên góp từ thiện, nhưng với tang thương miền Trung mấy năm qua thì các cơ quan chức năng đã “cởi mở” hơn. Tuy nhiên, từ thiện nếu chỉ tồn tại theo kiểu quan hệ dân sự thì rất dễ xảy ra rắc rối, phải có quy chế mạch lạc về hình thức và tiêu chuẩn cho cá nhân vận động và trao tặng từ thiện sao cho thật minh bạch và đầy đủ trách nhiệm trước pháp luật.
Bên cạnh đó, vai trò kết nối của Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ cũng phải được xác lập rõ ràng và có cơ chế giám sát hợp lý. Hiện tại, Bộ Tài chính đã hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… Đây là một dự thảo quan trọng. Bởi lẽ, quản lý dòng tiền từ thiện một cách công khai, không chỉ khuyến khích những nghệ sĩ có uy tín góp sức cho công tác cứu trợ mà còn tạo lòng tin cho những nhà hảo tâm.
Gia Quan