Bà Hoàng Lương Minh Viễn run run đặt sách viết về cha mình lên bàn thờ cha - Ảnh: ANMUSTANG
Bà Hoàng Lương Minh Viễn là người con gái sinh năm 1939 của ông Hoàng Phạm Trân - người vẫn được biết đến với bút danh Nhượng Tống - cùng người vợ cả. Sinh ra trong thời buổi chiến loạn, sự gần gũi của cha con bà là rất ít. Đến năm bà lên 10 tuổi, người cha đột ngột qua đời.
Cái chết của Nhượng Tống đầy bí hiểm và chìm đắm trong lớp bụi mờ của lịch sử. Dẫu cho bi kịch của Nhượng Tống chỉ nhỏ nhoi như một hạt cát trong bão tố thời cuộc, nhưng ông hoàn toàn không bị lãng quên.
Trong suốt cuộc nhân sinh kéo dài 8 thập niên, bà Minh Viễn đau đáu đi tìm hình bóng của người cha kính yêu xấu số, mong mỏi một ngày nào đó có thể dựng nên một hình dung về cha mình từ những mảnh “tàn y”, từ những tác phẩm học thuật, lịch sử, tôn giáo, văn chương kinh điển do Nhượng Tống chuyển ngữ hoặc sáng tác.
Bìa cuốn sách Nhượng Tống - Bi kịch con người giữa những xung đột của thế kỷ XX - Ảnh: ANMUSTANG
Nhượng Tống sinh năm 1906 ở làng Phú Khê, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, vốn là hậu duệ của bậc túc nho Hoàng Kim Trung (cụ tổ 5 đời), thầy dạy học của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến và Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San.
Lên 5 tuổi, Nhượng Tống bắt đầu được ông nội dạy chữ Hán. Đến năm 16 tuổi, ông đã có sở học đáng nể và bắt đầu bắt tay vào việc viết báo, dịch thuật và sáng tác. Những bản dịch văn học, lịch sử, tôn giáo Trung Quốc của ông được đánh giá rất cao về mặt nghệ thuật, cũng như vai trò và ý nghĩa trong nền văn học chữ quốc ngữ còn non trẻ ở Việt Nam.
Tài năng văn chương và dịch thuật của Nhượng Tống đã khiến nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan phải tấm tắc hạ chữ “tài tình”.
Chẳng hạn như với tài tử thư danh tiếng Tây Sương Ký vốn gồm nhiều bài từ, nhưng lại được Nhượng Tống chuyển thành thể thơ lục bát thuần Việt, thậm chí có nhiều câu thơ dịch đạt đến trình độ tuyệt bút.
Bên cạnh đó, Nhượng Tống còn có những tác phẩm dịch thuật giá trị như Ly Tao của Khuất Nguyên, Sử Ký của Tư Mã Thiên, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, thơ Đường của Đỗ Phủ.
Có thể nói, đến bây giờ ở Việt Nam vẫn chưa có ai dịch Ly Tao hay và đồng cảm với Khuất Nguyên như Nhượng Tống.
Chính vì thế, giới chơi sách cổ ở Việt Nam đánh giá rất cao những tác phẩm của Nhượng Tống, từ khâm phục chuyển sang tò mò về một tác gia tài hoa song có số phận rất bí ẩn, ít được biết đến.
Đấy cũng chính là những khắc khoải trong lòng bà Minh Viễn suốt 7 thập niên. Nhưng rồi, cũng đến ngày sự khắc khoải đó kết thúc. Đấy là ngày nhà báo Yên Ba mang cuốn sách khảo cứu Nhượng Tống - Bi kịch con người giữa những xung đột của thế kỷ XX (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) - đến gặp con gái của bậc tài hoa.
Từng trang sách trong cuốn sách dày hơn 300 trang này đã lần lượt kể về Nhượng Tống, về cuộc đời, về hoài bão và cuộc chơi chữ nghĩa đầy đam mê của ông.
Bà Hoàng Lương Minh Viễn - người con gái sinh năm 1939 của Nhượng Tống - Ảnh: ANMUSTANG
Để viết xong cuốn sách về Nhượng Tống, nhà báo Yên Ba phải mất hơn hai năm tìm kiếm tư liệu về cuộc đời của Nhượng Tống, vốn chỉ còn là những mảnh vụn hiếm hoi, rời rạc và bất nhất nằm rải rác trong các kho thư tịch cả công khai lẫn ẩn mật.
Không những thế, Yên Ba còn phải sử dụng mối quan hệ rộng và kha khá tiền bạc để tiếp cận được văn bản của Nhượng Tống được xuất bản lần đầu tiên nhằm đánh giá đúng tài năng học thuật và dịch thuật của nhân vật.
Cầm cuốn sách được ra đời sau nhiều gian lao, run run đặt lên bàn thờ, trước di ảnh của người cha, bà Minh Viễn tự hào nói: “Cha ơi, giờ đây cha đã thành nhân!”.
TT - “Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, nhà báo, dịch giả Nhượng Tống” là chủ đề chương trình tọa đàm do Công ty Nhã Nam và Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội phối hợp tổ chức vào 18g ngày 9-12 tại hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.