Mới đây, cộng đồng các nhà đầu tư đã xôn xao bình luận về một nhân vật chuyên bán các khoá học làm giàu, khoá học đầu tư và sách self-help tại Việt Nam. Nhân vật này là T. Phạm, người có background Marketing, hiện sở hữu kênh YouTube gần 600.000 đăng ký cùng cộng đồng hơn 70.000 học viên và nhà đầu tư.
Châm ngòi cho cuộc tranh cãi là T.N.N – sở hữu 60.000 lượt theo dõi trên Facebook, khi anh đăng tải hình ảnh so sánh giữa tỷ phú Warren Buffett với T. Phạm kèm câu nhận định: "Có một nghịch lý là người giàu không bao giờ bán khóa học làm giàu. Còn người bán khóa học làm giàu thì giàu từ tiền bán khóa học làm giàu chứ không phải đã giàu rồi".
Bài viết châm ngòi cho những tranh cãi về nhân vật T. Phạm.
Ngay dưới bài viết, nhiều tài khoản Facebook cũng bình luận và phản ánh khả năng phân tích, phán đoán thị trường không chuẩn xác của T. Phạm. Đáng nói, dù là người bán các khoá học, sách dạy làm giàu, đồng thời giảng dạy về các phương pháp đầu tư chứng khoán nhưng T. Phạm đã từng bị "gọi tên" rất nhiều lần trong các hội nhóm về đầu tư, vì lý do tương tự.
Đơn cử như giữa tháng 5/2019, khi giá vàng ở ngưỡng 1.300 USD/lượng, T. Phạm dự đoán: "Nhìn chart (đồ thị - PV) Ichimoku vậy, Gold (vàng – PV) không lên nổi đâu". Đến đầu tháng 9/2019, trong cộng đồng học viên của mình, khi giá vàng đã đạt ngưỡng 1.500 USD/lượng, nhân vật này tiếp tục phân tích: "Vàng đã phân phối đỉnh trong 2 tuần rồi, cơ bản là vàng khả năng chết rất cao".
Chỉ báo của T. Phạm hồi tháng 5/2019...
... và tháng 9/2019 được một nhà đầu tư lưu lại và chia sẻ.
Ấy vậy mà đến tháng 5/2020, T. Phạm lại "lật mặt", khoe mua vàng từ giá 1.300 USD: "Chúng tôi đã xác định với nhau, trong nhóm anh em, bây giờ chỉ trade theo chiều uptrend, theo đà tăng của giá vàng. Khi mua vào, đòn bẩy lớn lắm, tất nhiên là đúng trend và kết hợp vẩy nến, Ichimoku thì kiếm được khá nhiều tiền."
Chưa biết phân tích đúng sai ra sao nhưng mâu thuẫn trong lời nói của T. Phạm tại các thời điểm đã khiến nhiều nhà đầu tư khó hiểu.
Chưa hết, thầy giáo dạy làm giàu còn phân tích và dự báo giá dầu. Tháng 6/2019, T. Phạm dự báo giá dầu đã tạo đáy và "nói thật làm thật", anh chia sẻ với các học viên trong lớp rằng đã tích luỹ cổ phiếu PVS để "bắt đáy". Nhưng kém may thay, diễn biến sau đó, giá dầu tiếp tục rơi từ 51 USD/thùng xuống còn 19 USD/thùng (giảm hơn 60%), còn PVS vẫn duy trì ở vùng giá 20.000-23.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá dầu đi ngược với phân tích và dự báo của T. Phạm
Hay tại một video phát trực tiếp nhân sự kiện VnIndex vượt vũ môn 1.200 điểm vào ngày 1/4/2021, T. Phạm dành hơn 1 tiếng đồng hồ để lưu ý đến các nhà đầu tư, trong đó có đoạn: "Tâm lý cho thấy mốc 1.200 không là gì cả. Bởi vì nếu chỉ cần 1 mã là VIC, mã Vincom này hay lắm, lúc thị trường khó khăn mà nó chiếm trọng số lớn (hơn 10% trọng số VnIndex), khi tăng thì ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý thị trường. Vincom thì… thực sự anh Vượng là người chúng ta hết sức tôn trọng rồi… Thông tin Vincom huy động vốn quốc tế, ra xe điện mới chỉ là chất xúc tác khiến cho VIC trở thành phiên bản "Triệu Tử Long" trong vòng 4 phiên trở lại đây, một mình lầm lũi kéo thị trường đi lên. Nhưng nếu Vincom thôi thì chưa đủ, phải có thêm sự đồng thuận của các cổ phiếu khác".
Trong đoạn chia sẻ trên, nhiều người nhận ra T. Phạm gọi tên nhầm mã cổ phiếu VIC là Vincom, trong khi thực tế đây là mã chứng khoán của Tập đoàn Vingroup, còn mã của Vincom Retail là VRE. Đáng nói là nhân vật này nói nhầm không phải 1 mà đến 3 lần.
Một lần khác, trong video phân tích về suy thoái và khủng hoảng kinh tế, đăng tải ngày 25/3 trên kênh YouTube gần 600.000 đăng ký của mình, T. Phạm phân tích chỉ số Dow Jones của Mỹ: "Kinh tế Mỹ sau khi đẩy lên 29.000 điểm thì 2 tháng gần đây đều bị ám (giảm),… Thị trường Mỹ bắt đầu đi vào thị trường con gấu rồi, không thể hồi phục được".
Tuy nhiên, trái ngược với dự báo "không thể hồi phục được"của T.Phạm, chỉ số Dow Jones sau đó đã liên tục bật tăng trở lại, tăng thêm 7.000 điểm để trở về mốc 27.000 điểm.
Dow Jones tăng điểm sau dự báo "không thể phục hồi được" của T. Phạm
Cũng tại video ấy, T. Phạm khuyên các nhà đầu tư "tiền mặt là vua", không nên bắt đáy mà kiên nhẫn đợi VnIndex giảm tiếp. Ấy thế mà từ ngay ngày sau đó, chỉ số này đã không những không giảm mà còn tiến thẳng từ 650 điểm lên 865 điểm.
Chỉ số VnIndex tăng vụt sau lời khuyên chờ đợi thêm để bắt đáy của T. Phạm.
Trước nhiều lần "chỉ báo ngược", nhiều nhà đầu tư cho rằng T. Phạm chưa đủ kiến thức và kỹ năng để di dạy người khác. Tuy nhiên, cũng có ý kiến ủng hộ, nhận định việc bán khoá học là thuận mua vừa bán, đồng thời cho rằng các nhà đầu tư nên tự chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình thay vì nghe theo và đổ lỗi cho người khác.
Một vài bình luận của nhà đầu tư:
- "Mình nghĩ anh T.Phạm bán kiến thức hữu ích. Không lừa tiền ai".
- "Tôi không đánh giá về vấn đề cứ phải giàu là không đi dạy. Xã hội đa chiều, ai có kiến thức gì đều có thể dạy và truyền đạt cho người khác và học được ít hay nhiều thì còn phụ thuộc nhiều, nhất là người học. Còn đi học thì phải trả phí, thuận mua vừa bán, và phần lớn người đi học đều happy với kiến thức mình nhận được. T.Phạm chia sẻ miễn phí trên facebook, YouTube, web rất nhiều kiến thức hay cho cộng đồng và nhiều người, riêng khoản này ít ai làm được. Ai cũng đúng ý chủ thớt nói thì xã hội không có tốt gì, bởi ai cũng muốn được nhận free. Nên nhớ câu không có bữa ăn nào miễn phí".
- "...Anh T.Phạm ơi, anh không có một tí kiến thức gì về chứng khoán anh cũng bày đặt đi dạy người ta 10 triệu đồng/khoá, anh thấy tự hào về mấy đồng anh kiếm được không. Anh hô thị trường sập từ 650 lên đến 1300 anh vẫn hô sập. Vàng anh hô lên vì Biden lên thì nó cắm đầu. Gần nhất là Oil (dầu) anh hô về 53 thì nó lại phóng lên…"
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị