Diễn biến dịch bệnh càng phức tạp, bài toán "cân não" càng đặt ra với các địa phương là làm sao linh hoạt, chủ động vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại nhiều địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cộng đồng các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới sản xuất, kết nối thị trường, cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa và xuất khẩu, hướng tới mục tiêu tăng trưởng khả quan trong năm nay.
Cà phê và tiêu là 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đắk Lắk. Từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, giá cước vận tải tàu biển tăng cao đã ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu. Để giải quyết những khó khăn này, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thêm đối tượng khách hàng nội địa để tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Cửu, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk, cho biết: "Mặt dù xuất khẩu là chủ lực nhưng chúng tôi vẫn mở rộng thêm thị trường trong nước để hạn chế ảnh hưởng từ dịch bênh".
Không để xảy ra tình trạng đứt gãy từ sản xuất đến tiêu thụ đang là nỗ lực chung của các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi. Tổ chức lại sản xuất hợp lý, kích hoạt các giải pháp phòng chống dịch, bảo vệ người lao động; nhờ vậy tình hình sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng, riêng quý 1. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 403 triệu USD, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Những khó khăn chồng chất do dịch bệnh đã đặt các doanh nghiệp trong tâm thế phải tìm cách vực dậy chính mình, đổi mới phương thức hoạt động sản xuất, nhất là chú trọng áp dụng thương mại điện tử để giữ chân khách hàng.
Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong, Đắk Lắk, cho biết: "Công ty tôi tự chế tạo máy móc để nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, công ty cũng biến phế liệu của công đoạn sản xuất trước thành nguyên liệu của công đoạn sau. Trên cơ sở năng lực hiện có, cố gắng tạo ra những sản phẩm tốt nhất nhưng mà giá cả cạnh tranh hơn".
Bên cạnh đó, các địa phương ở miền Trung - Tây Nguyên đã thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ nên nhiều doanh nghiệp tin tưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian sắp tới chắc chắn sẽ được duy trì, nhất là khi có thêm nhiều cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại đối với mặt hàng cà phê, tiêu và các loại nông sản thế mạnh khác của miền Trung - Tây Nguyên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.44094511260601202-uht-ueit-ned-taux-nas-ut-yag-tud-gnart-hnit-ar-yax-ed-gnohk/et-hnik/nv.vtv