Có trần, giá vẫn rất cao
Theo ghi nhận của Báo Phụ Nữ TPHCM, tại một số quầy phục vụ ăn uống khu vực phòng chờ tầng trệt sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), giá một tô phở loại thường hiện nay gần 100.000 đồng, tô đặc biệt hay combo có nước lọc đi kèm từ 130.000 đồng/phần trở lên. Một chai nước loại rẻ nhất cũng từ 20.000-35.000 đồng.
Là người thường xuyên đi công tác bằng máy bay, anh Nam (ngụ tại TP.HCM) nhận xét: “Hình như có luật bất thành văn là giá đồ ăn, thức uống trong sân bay là phải đắt. Ở sảnh ngoài đã đắt, vào đến phòng chờ còn đắt hơn, sang đến ga quốc tế còn đắt hơn nữa. Không chỉ ở một sân bay mà gần như là tình trạng chung. Nhưng không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp khác nhiều lần đi cùng đều có chung nhận xét, rất nhiều món ăn còn thua các quán bình dân ở ngoài. Hoàn toàn không tương xứng với giá tiền phải trả…”.
Giá đồ ăn, thức uống tại các gian hàng trong sân bay luôn rất cao, gây khó khăn cho hành khách muốn sử dụng dịch vụ - Ảnh: D.Đ.Minh |
Không chỉ riêng anh Nam, nhiều khách hàng thường xuyên sử dụng phương tiện hàng không đều cho rằng, giá dịch vụ ăn uống ở các sân bay trong nước khá cao dù Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành thông tư quản lý khung giá (giá trần) tại các sân bay, cảng hàng không từ năm 2019. Theo khung quy định, giá nước lọc đóng chai dưới 500ml tối thiểu là 3.500 đồng, tối đa là 20.000 đồng; sữa hộp các loại dưới 180ml giá tối thiểu 4.500 đồng, tối đa là 20.000 đồng.
Còn tại nhà ga quốc tế, nước lọc có giá tối thiểu 0,35 USD/chai, tối đa 2 USD/chai. Dịch vụ cung cấp đồ ăn ở ga quốc nội gồm phở ăn liền, mì ăn liền, cháo ăn liền và bánh mì không bổ sung thực phẩm, giá tối thiểu là 5.000 đồng/tô/cái, tối đa là 20.000 đồng/tô/cái. Còn tại ga quốc tế, những mặt hàng trên có giá tối thiểu là 0,5 USD và tối đa là 2 USD. Khung giá này chưa gồm chi phí phục vụ. Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cơ bản thiết yếu tự quyết định chi phí phục vụ nhưng không vượt quá 15% so với giá tối đa.
Dù vậy, với lý do khung giá các dịch vụ thiết yếu này không còn phù hợp, các sân bay đều lắp đặt máy cung cấp nước miễn phí cho hành khách; tại các nhà ga nội địa, khách có thể mang theo nước uống, sữa… vào khu vực cách ly nên trong dự thảo đề xuất sửa đổi Luật Hàng không dân dụng, Cục Hàng không Việt Nam (Cục Hàng không) đã đề xuất giao các doanh nghiệp tự quyết định mức giá dịch vụ và niêm yết giá theo quy định (ngoài các dịch vụ Nhà nước định giá trần được liệt kê trong luật).
Lo dịch vụ “bắt tay” làm giá
Theo đại diện lãnh đạo một cảng hàng không trong nước, hiện nay các đơn vị cung cấp thức ăn, đồ uống tại sân bay phải thông qua đấu thầu công khai. Khâu đấu thầu sẽ do đơn vị khai thác sân bay tổ chức, thông qua đó lựa chọn đơn vị đủ năng lực, chống độc quyền. Khi trúng thầu, đơn vị kinh doanh và đơn vị khai thác sân bay phải hiệp thương niêm yết giá, sau đó gửi bảng niêm yết đến cảng vụ hàng không giám sát.
Giới chuyên môn cho rằng, ngành hàng không hiện vẫn mang tính chất độc quyền tương đối, chưa phải thị trường tự do cạnh tranh… do đó nên cân nhắc việc đề xuất bỏ giá trần để tránh tình trạng thổi giá.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, việc bỏ giá trần dịch vụ suất ăn, dịch vụ tại sân bay là chưa nên, trừ khi cơ quan quản lý chứng minh được rằng có sự cạnh tranh của các đơn vị cung cấp suất ăn. Nếu như không có sự giám sát của Nhà nước trong lĩnh vực này chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho khách hàng.
Phó giáo sư - tiến sĩ Dương Anh Sơn, Khoa Luật kinh tế Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), nhận định: Chắc chắn việc bỏ giá trần dịch vụ trong sân bay sẽ khiến giá các dịch vụ tăng chứ không giảm. Cũng giống như ngành điện, xăng dầu… sân bay là tài sản thuộc quản lý của Nhà nước thì Nhà nước phải giám sát dịch vụ, cân bằng quyền lợi cũng như giá cả giữa các đơn vị cung cấp với khách hàng. Không nên thả nổi vì Nhà nước chưa chắc đảm bảo việc thu được và đúng khoản thuế cũng như sẽ khiến người dân bị thiệt.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết: Các đơn vị đang hoạt động và giành quyền kinh doanh qua hình thức đấu thầu tại sân bay cần có một đơn vị Nhà nước giám sát giá trần để lấy đó làm nền tảng, làm thước đo cho các hãng khác cạnh tranh. Việc thả nổi các đơn vị tự do kinh doanh có thể mở đường cho tình trạng “bắt tay” nhau làm giá, thổi giá. Người thiệt hại cuối cùng vẫn là khách hàng.
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.6075341a-mehc-tahc-uhn-es-yab-nas-gnort-gnou-cuht-na-od-aig-ol-nart-ob/nv.moc.enilnounuhp.www