Các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam qua việc mua lại cổ phần của các công ty trong nước. Trong năm 2021, thị trường trong nước rúng động bởi những cái "bắt tay" trị giá hàng tỷ đô la cho thấy thị trường trong nước rất được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Tâm điểm trong năm 2021 tính đến thời điểm hiện tại có thể nhắc đến câu chuyện của Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) và Công ty tài chính TNHH MTV Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit).
"Cá lớn" SMFG mạnh cỡ nào?
Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBC), một công ty con do SMFG sở hữu 100% vốn, là pháp nhân đứng ra mua phần vốn góp này.
SMFG hiện là tổ chức ngân hàng lớn thứ hai về tổng tài sản và vốn hóa thị trường ở Nhật Bản. Tập đoàn là 1 trong 3 tổ chức ngân hàng lớn nhất cùng với MUFJ Financial Group và Mizuho Financial Group, thống trị thị phần Hệ thống tài chính của Nhật Bản.
Công ty con cốt lõi của SMFG là đơn vị ngân hàng: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Tập đoàn tài chính SMBC đóng vai trò là công ty mẹ bên cạnh các công ty con khác bao gồm SMBC Nikko Securities, SMBC Trust Bank, Sumitomo Mitsui DS Asset Management, Sumitomo Mitsui Finance and Leasing và Japan Research Institute (JRI).
Theo dữ liệu từ Bloomberg, quy mô tổng tài sản của Tập đoàn này thời điểm cuối năm 2020 lên đến 219.863 tỷ JPY (tương đương 2.020 tỷ USD).
Năm 2020, SMFG ghi nhận doanh thu đạt 39,9 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế đạt 6,47 tỷ USD.
Vào năm 2008, SMBC chi 225 triệu USD để "tóm" 15% cổ phần Eximbank và hiện vô tình vướng phải "cuộc chiến vương quyền" tại nhà băng này.
Đến nay, cổ đông Nhật liên tục yêu cầu triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường (EGM) với Eximbank với mục tiêu thanh lọc hội đồng quản trị nhưng đều bất thành do một nhóm cổ đông nắm số lượng lớn cổ phần thường xuyên phủ quyết.
"Con gà đẻ trứng vàng" FE Credit và 2,8 tỷ USD
Ngày 28/4/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiến hành ký kết thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ FE Credit cho đối tác là SMBC.
Thương vụ khủng trên diễn ra khi thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam nhảy vọt giữa đà tăng trưởng kinh tế mạnh và bền vững.
Giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ nhưng theo nguồn tin của tờ Nikkei Asia, SMBC sẽ rót vào FE Credit hơn 150 tỷ yên (tương đương 1,4 tỷ USD) trong đầu tháng 10, biến công ty tài chính của VPBank thành một công ty liên kết với Nhật Bản.
Như vậy, nếu mức định giá của VPBank là hợp lý thì khoản đầu tư vào FE Credit sẽ tương đương gần 22% lãi ròng năm 2020 của SMBC.
VPBank cho biết, mức định giá để bán FE Credit là 2,8 tỷ USD. Với mức định giá khổng lồ, FE Credit đã vượt mặt vốn hóa của hàng loạt ngân hàng số má đang niêm kết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có Sacombank (1,86 tỷ USD), Eximbank (1,44 tỷ USD), vv….
FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng đứng đầu về thị phần tại Việt Nam với khoảng 50%, thuộc VPBank. Doanh nghiệp này có 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc, và trên 13.000 nhân viên.
Năm 2020, FE Credit đạt thu nhập hoạt động hơn 18.200 tỷ đồng, trong đó trên 17.200 tỷ là thu nhập lãi thuần. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Đến cuối năm, công ty này có tổng tài sản hơn 73.300 tỷ với dư nợ cho vay khách hàng trên 66.000 tỷ đồng.
Thanh Minh