Mới đây, ngân hàng Standard Chartered công bố dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay là 6,7% và 7,3% trong năm tới.
Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín, bao gồm: S&P, Moody's và Fitch Ratings nâng mức triển vọng lên tích cực.
Đại diện một ngân hàng ngoại chia sẻ, ngân hàng này vừa phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài tổ chức buổi giới thiệu đầu tư vào Việt Nam cho doanh nghiệp Anh Quốc và đã có tới hơn 300 doanh nghiệp Anh Quốc đăng ký tham dự.
Mấu chốt mang tính chiến lược để đảm bảo tăng trưởng và lợi thế kinh tế vẫn chính là tiến độ tiêm vaccine. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
"Điều này cho thấy mức độ quan tâm vô cùng lớn. Khách hàng của chúng tôi bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng của Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Họ tin rằng Việt Nam sẽ xử lý đợt dịch này hiệu quả cũng như những lần trước. Kể từ khi COVID-19 bùng phát, thương hiệu Việt Nam lại tăng giá hơn rất nhiều trong mắt nhà đầu tư", Tổng Giám đốc HSBC tại Việt Nam Tim Evans cho biết.
5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Bất chấp đợt dịch mới bùng phát, đại diện Fitch Ratings nhấn mạnh, vẫn sẽ duy trì triển vọng tích cực đối với Việt Nam, ít nhất là trong trung hạn.
"Xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, ngay cả trong bối cảnh đại dịch toàn cầu như năm 2020. Dòng vốn FDI cũng vậy. Môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam tích cực hơn so với các quốc gia cùng xếp hạng. Chúng tôi cho rằng những trụ đỡ này sẽ giúp duy trì triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn", bà Sagarika Chandra, Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm Quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Fitch Ratings, nhận định.
Bất chấp đợt dịch mới bùng phát, đại diện Fitch Ratings nhấn mạnh, vẫn sẽ duy trì triển vọng tích cực đối với Việt Nam. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
HSBC dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm nay là 6,5%; Standard Chartered dự báo 6,7%; thậm chí, Fitch Ratings dự báo 7%. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh, mấu chốt mang tính chiến lược để đảm bảo tăng trưởng và lợi thế kinh tế vẫn chính là tiến độ tiêm vaccine.
"Việc tiêm vaccine được thực hiện nhanh và dứt điểm sẽ giảm bớt áp lực lên hệ thống ngân hàng. Bởi rủi ro lớn nhất đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay là khi hết hạn giãn, hoãn nợ. Dự kiến cuối năm nay, chất lượng tài sản ngành ngân hàng có thể bộc lộ những điểm yếu", Tổng Giám đốc ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam Michele Wee cho hay.
"Thu hút FDI là một trong những thế mạnh của Việt Nam, nhưng nếu không kịp thời tiêm vaccine trên diện rộng, Việt Nam sẽ mất đi độ mở thị trường cần thiết để khơi thông thêm các dòng vốn mới", Tổng Giám đốc HSBC tại Việt Nam Tim Evans nhấn mạnh.
Các tổ chức quốc tế đều bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và khả năng thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong thời gian tới.
VTV.vn - Theo ADB, động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là lĩnh vực sản xuất theo hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!