Từ tháng 6-2021, nhiều chính sách, quy định mới liên quan thiết thực đến người dân, doanh nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực. PLO xin giới thiệu một số quy định, chính sách mới này.
Một trong những điều kiện để thành lập trung tâm dịch vụ việc làm là phải có trụ sở làm việc. Ảnh: THÁI NGUYÊN
Điều kiện hoạt động của trung tâm, doanh nghiệp Dịch vụ việc làm
Nghị định số 23/2021 quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, có hiệu lực từ 1-6.
Theo đó, Trung tâm dịch vụ việc làm muốn thành lập phải đảm bảo các điều kiện quy định tại nghị định. Cụ thể, việc thành lập phải có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm.
Việc thành lập này phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới).
Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành. Có ít nhất 15 người làm việc là viên chức.
Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định các trường hợp doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bị thu hồi giấy phép. Theo đó, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm trong các trường hợp sau đây:
- Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.
- Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép.
- Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm từ 03 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên hoặc cố tình không chấp hành quyết định xử phạt.
- Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp.
- Không đảm bảo một trong các điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Lao động 2019.
Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên sẽ bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng. Ảnh: NV
Quảng cáo thuốc lá, rượu từ 15 độ trở lên bị phạt tới 70 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 1-6, Nghị định số 38/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Trong đó, về lĩnh vực quảng cáo, Nghị định quy định phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với một số hành vi.
Cụ thể là quảng cáo thuốc lá; Quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên; Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
Bên cạnh đó còn có các hành vi như quảng cáo thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; thuốc không còn thời hạn đăng ký lưu hành; và quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác, cũng bị xử phạt với mức phạt nêu trên nếu vi phạm.
Nghị định này cũng quy định các tổ chức kinh doanh dịch vụ karaoke sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi: Kinh doanh dịch vụ ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày; hoặc sửa chữa, tẩy xoá hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke.
Tổ chức, cá nhân được phép khai thác, sử dụng thông tin bảo hiểm của mình
Nghị định số 43/2021 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm cũng có hiệu lực thi hành từ 1-6.
Theo đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác nếu được người đó đồng ý theo quy định.
Cũng theo quy định tại nghị định thì cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm các thông tin về dữ liệu cơ bản cá nhân (Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; dân tộc; quốc tịch;…); thông tin liên hệ của công dân.
- Nhóm thông tin về hộ gia đình, nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra còn có nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm, nhóm thông tin cơ bản về y tế, nhóm thông tin về an sinh xã hội.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải mua bảo hiểm tài sản Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2021 về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động, gồm: - Quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối kết quả tài chính, thực hiện chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán theo quy định. - Mua bảo hiểm tài sản; Hạch toán vào chi phí hoạt động các khoản trích lập dự phòng rủi ro; Mua lại, hoán đổi các giấy tờ có giá do Ngân hàng Phát triển phát hành; Xử lý tổn thất về tài sản và thực hiện các biện pháp khác về bảo toàn vốn theo quy định. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-6 và áp dụng từ năm tài chính 2021. |