Tập 6 Shark Tank Việt Nam mùa 4 có sự xuất hiện của CEO Nguyễn Văn Phong cùng ứng dụng đặt lịch chăm sóc y tế tại nhà Blue Care. Anh Phong mong muốn gọi 200.000 USD cho 10% cổ phần công ty, tương đương mức định giá 2 triệu USD sau đầu tư (post-money).
Hiểu một cách đơn giản, Blue Care là ứng dụng hoạt động trên mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) với khả năng kết nối người bệnh và các nhân viên y tế.
Để gia nhập ứng dụng Blue Care, các nhân viên y tế cần nộp hồ sơ bao gồm bằng tốt nghiệp, chứng chỉ hành nghề cùng với đó là phải tham gia đào tạo tối thiểu 3 ngày trong một tháng. Blue Care đã có 2.200 người dùng sử dụng dịch vụ và hiện đang tập trung chủ yếu vào mảng dịch vụ mẹ và bé.
Về số liệu tài chính, Blue Care đã bắt đầu có doanh thu từ ngày bắt đầu cung cấp dịch vụ vào 1/4/2019. Đến tháng 11/2020, Blue Care chỉ còn cách điểm hoà vốn đúng 700 USD. Dù vậy, khi được hỏi về doanh thu vào tháng gần nhất là tháng 3/2021, anh Phong lại tỏ ra khá bối rối và nói rằng chưa cập nhật kịp số liệu.
Ngay lập tức, các Shark đã tỏ ra không hài lòng vì vấn đề này từ phía startup.
Không đợi startup kết thúc phần trình bày, "cá mập" đến từ Nexttech, Shark Nguyễn Hòa Bình, thậm chí chốt luôn rằng mình không đầu tư cùng lời nhận xét khá gay gắt.
"Em lên đây phí thời gian của các Shark, hỏi có mỗi 1 câu tháng vừa rồi chứ chưa hỏi tuần vừa rồi hay hôm qua, mà doanh thu lợi nhuận không biết, sao làm kinh doanh lơ mơ như vậy? Chỉ có 2 khả năng: Em làm cho vui hoặc startup của em chết rồi, chết lâm sàng rồi, lên đây gọi vốn để đội mồ sống dậy. Anh cảm giác em lên đây lấy tiền các Shark, để dùng mỡ Shark rán Shark".
"Tôi lên Shark Tank tìm startup đầu tư kiếm tiền chứ không phải để bị rán. Tôi không đầu tư, chỉ có điên mới đầu tư vào startup này".
Trong khi đó, từ kinh nghiệm bản thân, Shark Liên cho rằng người bệnh thường tìm đến các bác sỹ quen về vấn đề sức khoẻ nên bà cảm thấy không tin tưởng và không đầu tư.
Tương tự Shark Bình, Shark Phú chia sẻ rằng ở giai đoạn đầu startup cần hiểu rõ về sản phẩm, khách hàng và nội tại doanh nghiệp. Trước thực tế của Blue Care, Shark Phú cũng từ chối đầu tư.
Dù quyết định giống các cá mập cùng bể, nhưng Shark Việt còn tặng start thêm một món quà mà Shark cho rằng quý giá hơn tiền, đó là những lời khuyên.
"Quản lý con người, quản lý nhân viên ngành y không dễ đâu. Người ta học 9 năm thì trí tuệ người ta sẽ khác. Bênh viện Phương Đông muốn triển khai nhưng vì rủi ro ấy chưa triển khai nổi, làm không cẩn thận tiền đi không bao giờ trở về. Em hãy đầu tư tiền để có lý thuyết đã, học những người đã làm trước, đừng vì cái mình thích mà nhích tý là chết".
Nối tiếp Shark Việt, Shark Bình cũng tặng startup 2 lời khuyên: "Một là làm kinh doanh phải nắm số liệu; hai là đi gọi vốn phải trung thực".
Không nhận được đầu tư trong chương trình, CEO Nguyễn Văn Phong thừa nhận đã tìm thấy long mạch ở bệnh nhân và khách hàng nhưng "chưa tìm thấy long mạch ở các Shark".
Nhật Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị