Bộ Y tế vừa có quyết định về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu chung là cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, tập trung vào cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ưu tiên các vùng khó khăn nhằm giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền.
Cụ thể, tập trung cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ, thu hẹp sự khác biệt về tử vong mẹ và các chỉ tiêu sức khỏe bà mẹ giữa các vùng miền.
Trong đó, giảm tỉ số tử vong mẹ xuống còn 42/100.000 trẻ, trong đó vùng khó khăn xuống còn 70/100.000 trẻ.
Tăng tỉ lệ phụ nữ được khám thai 4 lần trong 3 thai kỳ lên 85%, vùng khó khăn đạt 65%.
Duy trì tỉ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế ở mức trên 97%, trong đó vùng khó khăn đạt trên 85%.
Tăng tỉ lệ phụ nữ được người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ lên trên 95%, vùng khó khăn đạt 80%.
Tăng tỉ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tại nhà trong tuần đầu sau sinh đạt 70%, vùng khó khăn đạt 50%.
Giảm tỉ lệ thiếu máu của phụ nữ mang thai xuống dưới 20%, vùng khó khăn xuống dưới 23%.
Cùng với đó, cải thiện tình trạng sức khỏe trẻ em, thu hẹp khoảng cách về tử vong và các chỉ tiêu sức khỏe trẻ em, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giữa các vùng miền.
Trong đó, giảm tỉ suất tử vong sơ sinh xuống dưới 9%, vùng khó khăn xuống 15%.
Giảm tỉ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi xuống còn 12,5%, vùng khó khăn xuống còn 19,5%.
Giảm tỉ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi xuống còn 18,5%, vùng khó khăn xuống còn 29,5%.
Giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5kg xuống dưới 8%, trong đó vùng khó khăn xuống còn 10,5%.
Tăng tỉ lệ trẻ sơ sinh được thực hiện chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm đạt 75%, trong đó vùng khó khăn đạt 80%.
Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 18,5%, trong đó vùng khó khăn xuống dưới 28%.
Kế hoạch hành động quốc gia lần này sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp chính, gồm nhóm giải pháp về truyền thông vận động và truyền thông giáo dục sức khỏe; hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản.
Cùng với đó, đảm bảo tài chính; đảm bảo nguồn nhân lực chuyên ngành sản-nhi-sơ sinh cho y tế các tuyến; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, khoa học, công nghệ; về chuyên môn, kỹ thuật và cải thiện chất lượng báo cáo thống kê, giám sát, theo dõi và đánh giá.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc trẻ sơ sinh bị bệnh hoặc sinh non.
Xem thêm: mth.41572712170601202-9-ioud-gnoux-hnis-os-gnov-ut-taus-it-maig/nv.ertiout