Vào mùa nắng nóng, thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhất là thực phẩm đã nấu chín và để qua đêm. Theo các chuyên gia y tế, ngay cả thức ăn đã nấu chín, sau khi sử dụng còn dư, nếu không bảo quản đúng cách cũng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm khi ăn.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, thức ăn nấu chín có thể để được ở nhiệt độ bên ngoài trong vòng 2 giờ đồng hồ. Sau thời gian này, các vi khuẩn có hại có thể phát triển nhanh về số lượng cũng như sinh ra các độc tố nguy hiểm gây ngộ độc. Do đó nếu thực phẩm không được sử dụng ngay hoặc thực phẩm thừa, cần bảo quản ở nhiệt độ dưới 5 độ C hoặc trên 60 độ C. Nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (5 độ C) thì tùy vào thực phẩm mà lưu trữ được từ 1-2 ngày.
"Một số đồ ăn thừa như rau chín, trứng, canh cua, hải sản… không nên lưu lại trong tủ lạnh qua đêm vì sẽ sinh ra chất độc gây hại cho cơ thể. Các món ăn giàu đạm như thịt, trứng, cá nếu để lâu trong tủ lạnh rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập" - ông Thịnh cho hay.
Cụ thể, rau xanh đã luộc không nên để qua đêm, bởi các vitamin lúc này sẽ bị mất hết. Thêm vào đó rau đã luộc chỉ nên ăn trong vòng 4 giờ, nếu để lâu, các loại vi khuẩn sẽ phân hủy trong rau, biến các nitrit thành lipit không tốt cho sức khỏe.
Trứng: Tất cả các món trứng, trong đó có cả trứng luộc không nên để qua qua đêm vì chất béo và đạm trong món ăn này dễ bị biến tính.
Một số thực phẩm không nên để qua đêm vì dễ gây ngộ độc. Ảnh: Internet
Canh: Canh cua hay các loại canh khác không nên để qua đêm vì các gia vị có trong canh như mắm, muối, bột ngọt, thịt, rau...ó thể gây ra các phản ứng hóa học khiến cơ thể bị ngộ độc.
Các món gỏi, nộm: Gỏi,nộm thường ăn sống hoặc tái, do đó khi để qua đêm dễ sinh vi khuẩn, hay các độc tố lạ gây nguy hiểm khi ăn
Cá và hải sản các loại: Các loại hải sản không để qua đêm do chứa nhiều chất đạm lạ, những chất này sẽ bị biến đổi gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Ngoài ra, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cũng lưu ý người tiêu dùng không nên để chung các loại thực phẩm sống và chín với nhau, đồng thời nên chứa đựng thực phẩm trong những hộp đựng chuyên dụng có nắp kín hoặc màng bọc thực phẩm để tránh vi khuẩn xâm nhập.
Với các thực phẩm để qua đêm, người dùng cần đun sôi lại, và sử dụng ngay trong vòng 4 giờ đồng hồ. Nếu quá bốn tiếng đồng hồ mà chưa ăn thì khả năng sinh sôi nảy nở của các loại vi trùng tăng lên rất là nhiều, có nguy cơ gây ra các tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Với trường hợp không có tủ lạnh, chúng ta cần đun sôi trở lại thức ăn còn dư hoặc chưa dùng đến, tức giữ cho thức ăn sôi ít nhất trên 60 độ C và để được tối đa là qua đêm ở môi trường nhiệt độ bình thường (dưới 25 độ C). Còn trong trường hợp nhiệt độ môi trường cao vi sinh vật sẽ phát triển nhanh.