Xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) là xã biển, phần lớn là đánh bắt xa bờ với hơn 400 tàu cá/hơn 4.000 lao động. Tuy nhiên, tình trạng hải sản không thể xuất khẩu, phải vận chuyển trở về nhưng không đủ phương tiện bảo quản đã khiến ngư dân, doanh nghiệp nơi đây điêu đứng.
Ông Đồng Vinh Quang - Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương - cho biết, toàn xã có khoảng 80% ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ với các loại như cá thu, cá hô có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho việc xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian gần đây các doanh nghiệp thu mua với mức giá rẻ vì xuất khẩu không được khiến đời sống ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều ngư dân đã bỏ nghề biển.
Theo đó, từ giữa tháng 3.2021 đến nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thu mua hải sản cho ngư dân rồi vận chuyển xuất khẩu ra các cửa khẩu của các tỉnh phía Bắc nước ta để xuất khẩu nhưng không thể thông quan hàng hóa khiến số cá đánh bắt, thu mua bị ứ đọng và hư hỏng.
Bà Đặng Thị Liên - GĐ Công ty TNHH Vũ Lâm (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) - xót xa nói, “cá hố từ gần tết năm vừa rồi giá mua 120.000 đồng/kg, thời điểm ra tết có khi giá lên 170.000 đồng/kg. Bây giờ thu mua giá 65-70.000 đồng/kg. Khi thuê xe vận chuyển ra cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất khẩu nhưng không thể thông quan được. Có những thời điểm cá ra đến cửa khẩu bị ngâm tận 15-20 ngày thì gần như đã hư hỏng hết nên lại phải thuê xe chở về bán lại với các đơn vị sản xuất thức ăn cho lợn”.
Theo bà Liên, riêng trong tháng 5.2021 chỉ riêng tiền mua cá của công ty đã hơn 4,3 tỉ đồng, không xuất khẩu được nên hư hỏng, mất trắng cả”.
Theo các đơn vị thu mua tại địa phương, hàng trăm tấn cá không thể xuất khẩu khoảng 15 ngày nằm chờ tại cửa khẩu đã bị hư hỏng, khi vận chuyển về chỉ bán lại với giá từ 10-12.000 đồng/kg, trong khi mua vào với giá 120.000 đồng/kg.
Tương tự, bà Mai Thị Vinh - GĐ Công ty TNHH Đức Hiếu - cho biết, cứ mỗi đợt thu mua cá cho ngư dân đi biển khoảng 15-20 tấn với giá 110.000 đồng/kg cá thu và cá hố. Nhưng từ tháng 3.2021 đến nay công ty đã phải vận chuyển từ cửa khẩu Móng Cái quay trở lại Quảng Bình khoảng 25 tấn cá bị hư hỏng do không thông quan được, lỗ hơn 2 tỉ đồng. Cá sau khi đưa về bán lại chỉ có giá 12.000 đồng/kg, không đủ trả tiền thuê xe vận chuyển, cứ kéo dài tình hình này công ty sẽ phá sản.
Theo UBND xã Cảnh Dương, có một thực trạng là toàn xã có 9 doanh nghiệp và cơ sở thu mua hải sản xuất khẩu nhưng chỉ có một kho đông lạnh với sức chứa được khoảng 50 tấn cá, vì vậy cá đã thu mua nhưng không thể xuất khẩu thì cũng không có kho đông lạnh để bảo quản.
Theo các ngư dân và doanh nghiệp thu mua cá xuất khẩu tại Quảng Bình, mong sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn để hàng hóa có thể xuất khẩu. Hoặc có cơ chế, hỗ trợ xây dựng kho đông lạnh vì nếu trong quá trình chưa xuất khẩu được thì mình vẫn mua cá cho ngư dân đi biển về để bảo quản. Vì ngư dân đi biển về mình mua giá rẻ thì dân lỗ, không mua thì dân còn khó khăn nữa mà doanh nghiệp thu mua vào nhưng không xuất khẩu được thì doanh nghiệp sẽ “chết” vì không có nguồn thu.
Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang cho biết, trước tình trạng trên, địa phương sẽ có văn bản báo cáo cấp trên để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hoặc có biện pháp hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng kho đông lạnh để lưu trữ cá trong thời gian không thể xuất khẩu, vì nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp sẽ phá sản, sản phẩm của ngư dân không có đầu ra sẽ khiến doanh nghiệp, ngư dân rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Xem thêm: odl.988719-ac-urt-uul-hnal-gnod-ohk-nac-peihgn-hnaod-nad-ugn/et-hnik/nv.gnodoal