Ảnh hưởng của COVID-19 đang khiến không ít các doanh nghiệp vận tải đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó, hầu hết các trạm BOT giao thông vẫn đạt doanh thu lớn. Để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, cần sớm có các giải pháp, chính sách hỗ trợ, nới giảm chi phí tác động trực tiếp tới giá cước vận chuyển.
BOT giao thông vẫn đạt doanh thu lớn
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có 62 dự án BOT (trong đó có 8 dự án đang tạm dừng thu phí). Như vậy, chỉ còn 54 dự án BOT đang thu phí hoàn vốn. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của 54 trạm BOT là trên 3.294 tỉ đồng với lưu lượng đạt hơn 58 triệu lượt xe. Trong đó: Tháng 1.2021 có tổng số thu hơn 1.157 tỉ đồng, với 21 triệu lượt xe; Tháng 2 số thu hơn 929 tỉ đồng, với hơn 17 triệu lượt xe; Tháng 3, tổng thu từ các trạm thu phí trên địa bàn cả nước là hơn 1.200 tỉ đồng, với gần 20 triệu lượt xe.
Đứng đầu trong danh sách này là dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng doanh thu của quý I/2021 trên 620 tỉ đồng. Trong đó, các trạm trên cao tốc có doanh thu hơn 420 tỉ đồng, số còn lại là doanh thu của các trạm trên QL5; tiếp đến là tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ với doanh thu hơn 205 tỉ đồng và dự án nâng cấp mở rộng QL51 khi cùng đạt doanh thu hơn 205 tỉ đồng. Đứng thứ ba là dự án xây dựng hầm Đèo Cả trên QL1 với doanh thu hơn 188 tỉ đồng.
Dĩ nhiên do lưu lượng vận tải, doanh thu của các trạm BOT cũng có mức giảm tương ứng. Theo một số nhà đầu tư kể từ khi dịch bùng phát lần thứ 4, lượng thu của các trạm BOT sụt giảm mạnh (trên 10%), khiến lượng thu không đạt so với phương án tài chính.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI) - ông Trần Anh Tú (đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), trước dịch doanh thu tuyến cao tốc này khoảng 4,6 - 4,8 tỉ đồng/ngày. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ 30.4, dịch bắt đầu bùng phát, người dân ngại đi lại nên lưu lượng xe giảm hẳn. Trong tháng 4 và tháng 5, doanh thu dự án cao tốc giảm xuống còn khoảng gần 3 tỉ đồng/ngày, giảm hơn 40% so với trước khi có dịch.
Doanh nghiệp vận tải lao đao
Trong khi đó theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hải Phòng - ông Khúc Hữu Thanh Hải, hiện nhiều đơn vị vận tải khách đang “sống dở chết dở” vì xe chạy cũng "chết" mà không chạy cũng "chết". Theo ông Hải, khi các doanh nghiệp mới bắt đầu ổn định, chưa khắc phục hết những thua lỗ do ảnh hưởng từ những đợt dịch COVID-19 trước thì đợt bùng phát dịch lần này đã khiến Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng phải tạm dừng hoạt động khoảng 80%. Trong số các xe còn hoạt động, lượng khách cao nhất trên mỗi xe cũng chỉ đạt khoảng 20%.
“Dịch COVID-19 tiếp tục dội đến, như một “cái tát trời giáng” khiến doanh nghiệp chưa biết bao giờ mới có thể hồi phục hoàn toàn. Nếu dịch bệnh lần này kéo dài thì tình hình còn tồi tệ hơn rất nhiều. Ngoài việc cắt giảm tối đa chi phí để cố gắng cầm cự, đơn vị tạm thời cũng chưa đưa ra được cách gì khác", ông Hải cho hay.
Cùng đó, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát - ông Đỗ Văn Bằng (đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt) cho biết, từ đầu tháng 5.2021 đến nay, 100% xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Doanh nghiệp có 100 xe, chỉ có 2-3 xe chạy để duy trì tuyến.
Hiện, một chuyến xe từ Hà Nội - Lào Cai chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành tốn khoảng 7,5 triệu đồng/chuyến. Cũng theo ông Bằng, lượng khách đi lại ít, thu không đủ bù chi cho một chuyến đi chứ đừng nói là bù lỗ cho những ngày xe nằm không. Vì thế, cứ chạy là lỗ, mà không chạy thì khách bỏ. Lái xe và công nhân viên của doanh nghiệp này phải nghỉ việc hàng loạt.
Khi các doanh nghiệp vận tải xe khách hoạt động cầm chừng, phía các bến xe cũng rơi vào cảnh “thất thu” vì vắng phương tiện vào bến.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình - ông Lý Trường Sơn cho biết, khi chưa có dịch tần suất xe xuất bến khoảng 800 lượt/ngày, hiện nay chỉ còn khoảng 30% (350 lượt xe/ngày) nhưng cũng rất vắng khách. Nếu dịch COVID-19 kéo dài và lan rộng ra các tỉnh như hiện nay, doanh nghiệp và bến xe sẽ rất khó khăn.
Từ thực tế trên, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020 về mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; kéo dài thời gian giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với xe khách và 10% với xe tải đến hết năm nay.
Đồng thời, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch, cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2021; không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải bằng việc giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 đến 12 tháng cho các doanh nghiệp vận tải...
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, các ngân hàng cần cho doanh nghiệp vay theo hình thức tín chấp theo gói vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi để họ nhanh chóng có tiền trả lương cho người lao động và quay vòng sản xuất.
Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, hiện rất nhiều người lao động không có việc làm hoặc có việc nhưng thu nhập rất thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không có doanh thu nhưng vẫn phải duy trì bộ máy vận hành. Mặt khác, cần miễn đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp, miễn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, như vậy mới có điều kiện phục hồi.
Xem thêm: odl.968719-nol-uht-hnaod-tad-nav-gnoht-oaig-tob-oad-oal-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.gnodoal