Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Trương Minh Tước Nguyên (thứ hai từ trái sang) và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ (thứ hai từ phải sang) trao 5,1 tỉ đồng cho đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Từ lời kêu gọi của Chính phủ nhằm xã hội hóa nguồn lực tài chính để mua vắc xin tiêm phòng cho toàn dân, chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" đến ngày 7-6 đã nhận được hơn 10,6 tỉ đồng từ 188.879 lượt bạn đọc trong và ngoài nước chung tay đóng góp.
"Khi có vắc xin, ở đó có dấu ấn bạn đọc Tuổi Trẻ"
Cụ thể, trong cùng ngày 7-6, tại TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM đã trao 5,1 tỉ đồng cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM để hỗ trợ thanh niên công nhân và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP.HCM. Tại Hà Nội, 3 tỉ đồng được Tuổi Trẻ trao cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để hỗ trợ tiêm vắc xin cho công nhân hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Đặc biệt, hai dự án phát triển vắc xin nội là dự án phát triển vắc xin Nano Covax do Công ty Nanogen phối hợp Học viện Quân y, Viện Pasteur TP.HCM thực hiện cùng dự án phát triển vắc xin Covivac do Viện Vắc xin sinh phẩm y tế Nha Trang phối hợp Trường ĐH Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đang triển khai nhận được mỗi đơn vị 1 tỉ đồng từ nguồn đóng góp chắt chiu của bạn đọc Tuổi Trẻ.
Đồ họa: T.ĐẠT
Tại lễ trao tài trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho công nhân Bắc Ninh và Bắc Giang, cùng 2 dự án phát triển vắc xin nội tổ chức chiều 7-6, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã chia sẻ tâm huyết "mong sao có đủ vắc xin cho người dân phòng COVID-19", trong đó phần rất lớn là hi vọng vào vắc xin nội địa, sẽ chính thức tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 trên người vào chiều nay 8-6.
Vắc xin là "vũ khí" quan trọng trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, hiện nay nhu cầu vắc xin toàn thế giới tăng cao, Việt Nam đã tiếp cận được 110 triệu liều nhưng số lượng cung cấp về Việt Nam đang chậm hơn thời gian dự kiến và số lượng ít ỏi. Do đó, nếu có vắc xin nội, Việt Nam mới có thể chủ động về vắc xin, từ đó đạt miễn dịch cộng đồng và quay trở lại cuộc sống bình thường.
Hai bé Trọng Lâm và Bảo Uyên (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đến ủng hộ tiền lì xì đợt tết vừa rồi cho chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" - Ảnh: N.THỊNH
Thay mặt Ủy ban MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến cho biết trong các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, áp dụng 5K, vắc xin và công nghệ là giải pháp quan trọng.
"Qua 3 lần bùng phát dịch, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, giữ được sức khỏe cho cộng đồng, sản xuất và sinh hoạt của xã hội diễn ra bình thường, nhưng đợt dịch thứ 4 này cho thấy virus đã có biến đổi, cần những biện pháp chủ động để dập dịch hiệu quả" - ông Chiến nói.
"Chúng tôi đánh giá cao báo Tuổi Trẻ trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong việc phát động bạn đọc trong cả nước, nhà hảo tâm giúp đỡ và hôm nay đã trao ủng hộ cho quỹ 5 tỉ đồng.
Trong đó 3 tỉ đồng ủng hộ quỹ vắc xin và 2 tỉ đồng ủng hộ cho hai đơn vị nghiên cứu vắc xin nội. Bạn đọc Tuổi Trẻ đã dành nghĩa cử cao đẹp đồng lòng chung sức, đoàn kết để chiến thắng đại dịch COVID-19. Khi có vắc xin nội, ở đó có dấu ấn, có sự quan tâm của bạn đọc Tuổi Trẻ", ông Chiến nói.
Đại diện báo Tuổi Trẻ (trái) trao bảng tiền 3 tỉ đồng cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để hỗ trợ tiêm vắc xin cho công nhân hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh - Ảnh: VIỆT DŨNG
Tiếp nối hành trình dài chống dịch
Báo Tuổi Trẻ là một trong những đơn vị đầu tiên phát động chương trình chung tay ủng hộ vắc xin COVID-19 thông qua việc đóng góp kinh phí. Từ đó góp phần hỗ trợ thanh niên công nhân và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là tại TP.HCM.
Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Việt Nam (cuối tháng 1-2020), báo Tuổi Trẻ đã phát động chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" và đã tiếp nhận hơn 28 tỉ đồng gồm tiền mặt, quà và hiện vật.
Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được thực hiện từ đây như hỗ trợ trang thiết bị y tế, sẻ chia với lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19; tặng quà cho người dân và học bổng cho học sinh sinh viên bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, chương trình đã tổ chức đêm "Tri ân tuyến đầu chống dịch COVID-19" nhằm biểu dương tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch COVID-19... Một hệ thống máy thở ECMO, hai hệ thống máy lọc máu liên tục và hai monitor cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng đã được chương trình tổ chức trao tặng.
15.000 tấm chắn giọt bắn đã được Công ty TNHH sản xuất và thương mại xuất nhập khẩu Giũa Mỹ Tiến gửi đến báo Tuổi Trẻ nhằm ủng hộ chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" - Ảnh: DUYÊN PHAN
Liền sau đó, để hưởng ứng cuộc vận động xã hội hóa tạo thêm nguồn lực tài chính nhằm trang trải cho chi phí về vắc xin COVID-19 và tiến tới bảo đảm đủ vắc xin để phòng chống dịch bệnh lâu dài của Chính phủ, báo Tuổi Trẻ đã khởi xướng chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19". Tính đến ngày 7-6-2021, chương trình này đã tiếp nhận được hơn 10,6 tỉ đồng từ bạn đọc trong và ngoài nước chung tay đóng góp.
Ngoài ra, báo Tuổi Trẻ cũng đang thực hiện chương trình "Cùng biên giới chống dịch COVID-19" nhằm hỗ trợ kịp thời các lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm tuần tra bảo vệ biên giới, ngăn chặn xử lý kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Sự đóng góp của bạn đọc Tuổi Trẻ đã góp phần cho công cuộc phòng chống đại dịch thêm thành công, mang dấu ấn từng người dân trong công cuộc chống dịch.
Bà Quý (quận 12, TP.HCM) dành 1 triệu đồng tiền tích cóp đến tòa soạn Tuổi Trẻ ủng hộ chương trình "Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" - Ảnh: NHẬT THỊNH
Chị Nguyễn Bảo Chinh (công nhân may tại khu vực Q.Tân Bình, TP.HCM):
Dù đi làm bình thường nhưng tôi vẫn rất lo, cuộc sống bị đảo lộn đi nhiều khi dịch bệnh mỗi lúc một phức tạp. Nghe tin tôi thuộc nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin thì vui lắm. Có vắc xin thì cuộc sống mới bình thường lại được, tôi cảm ơn những tấm lòng luôn nhớ đến những người công nhân, lao động nghèo như tôi, chứ vui quá biết nói sao giờ.
Anh Trần Hoàng An (29 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, tài xế xe công nghệ):
Qua các đợt dịch tôi cũng đã có ý định nghỉ chạy xe vì lo sợ sẽ mắc COVID-19 nhưng vì mưu sinh, vợ con nên đành tiếp tục theo nghề. Tôi mong sẽ được tiêm vắc xin sớm, chứ mãi như thế này thì khó quá.
Bà Nguyễn Thị Phước (77 tuổi, ngụ Q.Tân Bình):
Là bạn đọc lâu năm thường xuyên tham gia đóng góp vào các chương trình xã hội của Tuổi Trẻ, tôi rất vui khi biết được thông tin báo Tuổi Trẻ cũng như các đơn vị sẽ ưu tiên cho đối tượng thanh niên công nhân và lao động nghèo trong các chương trình triển khai tiêm vắc xin sắp tới. Đây là những người ít có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, lại đang gặp phải vô vàn khó khăn nên việc ưu tiên là cần thiết.
Anh Trương Minh Tước Nguyên (phó bí thư Thành đoàn TP.HCM):
"Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin COVID-19" là chương trình vô cùng ý nghĩa, tạo thêm nguồn lực tài chính trang trải chi phí tiêm vắc xin cho người dân TP.HCM, đặc biệt là cho công nhân và người lao động khó khăn, các đối tượng yếu thế khác tại TP.HCM.
Ngay thời điểm báo Tuổi Trẻ phát động chương trình thì các cơ sở Đoàn đã đồng loạt tuyên truyền, vận động trên các trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử tại đơn vị để chủ trương này được chuyển tải nhanh chóng đến thanh thiếu nhi và người dân TP.HCM.
Bà Phan Kiều Thanh Hương (phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM):
Ngoài việc chấp hành tốt việc thực hiện biện pháp 5K do Bộ Y tế đề ra, biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống dịch COVID-19 vẫn là vắc xin. Vì thế, khi người dân hiểu được rằng biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch COVID-19 vẫn là vắc xin thì dù cho các cơ quan chức năng vẫn chưa phát động nhưng đã có rất nhiều cá nhân, đơn vị chủ động liên hệ để đóng góp.
Chúng tôi cam kết thực hiện công khai, minh bạch các khoản thu, đặc biệt là tách bạch các nguồn ủng hộ cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19 và ủng hộ cho quỹ vắc xin.
TP.HCM đã tiêm cho 140.000 người
Ngày 7-6, trao đổi tại cuộc họp về COVID-19, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ việc tiêm vắc xin cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM tương đối tốt, hiện đã đạt khoảng 140.000 người.
TP.HCM đã sẵn sàng kinh phí và đang chỉ đạo tập trung bằng nhiều hình thức tiếp xúc, mua vắc xin với số lượng nhiều nhất, trong thời gian ngắn nhất để tiêm phòng cho toàn bộ người dân.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian cao điểm dịch ghi nhận 70 ca bệnh/ngày. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, sau 7 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh phát hiện hằng ngày đang có dấu hiệu giảm dần.
Hiện tại còn khoảng 20-25 ca trong cộng đồng, còn lại là các ca phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa. Cho đến thời điểm hiện nay cơ bản đã khoanh vùng, xác định được những địa điểm liên quan đến dịch.
T.LONG - THẢO LÊ
Infographic cách người dân và tổ chức trong nước đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 - Đồ họa: NGỌC THÀNH
TTO - Trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết, giám đốc Học viện Quân y, cho biết như vậy chiều nay 7-6, tại lễ trao hỗ trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ cho Quỹ Vắc xin và 2 dự án phát triển vắc xin nội, thông qua Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Xem thêm: mth.93174848080601202-ert-iout-cod-nab-na-uad-gnam-nix-cav/nv.ertiout