Án mạng đến từ “ảo giác”
Ngày 8/6, TAND tỉnh Nghệ An vừa mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Mong Văn Hòa (32 tuổi, ngụ xã Tiền Phong, Quế Phong, tỉnh Nghệ An) về tội Giết người.
Theo truy tố, ngày 10/2/2019, sau khi sử dụng ma túy đá, Hòa luôn thấy hoang mang lo sợ và thường nghĩ có người đến giết mình.
Tối ngày 12/02/2019, Hòa khóa hết cửa ra vào nhà và cùng vợ là chị M.T.H. và con trai đi ngủ. Tới 8h sáng hôm sau, hai vợ chồng tỉnh dậy, Hòa vẫn nghĩ có người đến nhà mở cửa vào đánh chết mình nên không dám ra khỏi giường và yêu cầu chị H. phải ngồi cùng mình.
Trong lúc hai vợ chồng trò chuyện, Hòa khoác vai ôm chị H. Do nghĩ có người giết mình nên anh ta muốn vợ phải chết cùng. Ngay lập tức, Hòa dùng một tay siết mạnh vào cổ, một tay bịt miệng chị H.
Một lúc sau thấy chị H. không còn cử động, giãy đạp nữa, Hòa biết là vợ đã chết nên đặt nạn nhân nằm sấp xuống giường rồi lấy thanh kiếm tự cắt vào vùng cổ của mình để tự tử.
Do trước đó, Hòa có gọi điện thoại nói với mẹ về việc có người muốn giết mình nên mẹ Hòa đã nhờ anh trai chị H. tới để coi tình hình.
Tới nơi, thấy nhà Hòa khóa cửa và im ắng bất thường nên anh này đã phá cửa và đưa chị H. đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong.
Tại phiên tòa xét xử, xét thấy bị cáo nhận thức được tác hại của việc sử dụng chất ma túy nhưng vẫn cố tình sử dụng dẫn đến bị ảo giác nên đã có hành vi giết chị M.T.H. Hành vi của bị cáo không tước đoạt quyền sống của người khác được pháp luật bảo vệ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội nói chung.
Tuy nhiên, xét thấy bị cáo không có tình tiết tăng nặng; là người dân tộc thiểu số, nhân thân tốt; quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; đã tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho người đại diện hợp pháp của bị hại.
Vì vậy, sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hòa 15 năm tù.
Quả bom nổ chậm mang tên “ngáo đá”
Có thể thấy, những vụ án mạng liên quan đến đối tượng sử dụng ma túy đá đang xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội hiện nay khiến không ít người dân cảm thấy hoang mang, lo sợ. Nhiều người ví von, sống cùng “kẻ ngáo đá” trong khu dân cư như một quả bom có thể nổ bất cứ lúc nào vậy.
Vậy xét cho cùng, sự lo lắng này vì sao lại có? Phải chăng đây là hệ quả của sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người người thân đối với đối tượng nghiện hay công tác quản lý những đối tượng này ngoài cộng đồng chưa đủ chặt chẽ?
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước chỉ có khoảng 10% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung. Còn lại 90% số người nghiện có hồ sơ quản lý và người nghiện chưa thống kê được đang sinh sống trong cộng đồng. Ước tính số người nghiện ma túy tổng hợp, ma túy đá chiếm hơn 70% tổng số người nghiện hiện nay và đang có chiều hướng gia tăng.
Bác sĩ Phạm Thành Luân, Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội, cho biết, phần lớn những người nghiện ma túy tổng hợp đều bị ảo giác, tâm thần và chưa có thuốc điều trị hữu hiệu.
“Khi chúng ta tiếp cận rối loạn tâm thần là chúng ta tiếp cận đầy đủ hơn xung quanh vấn đề sử dụng chất. Để làm điều này không hề đơn giản, chúng ta chưa có một hệ thống hay quy trình nào cho việc điều trị nghiện chất phải điều trị các mặt. Sắp tới có thể có những thay đổi trong cách tiếp cận điều trị, ngoài tiếp cận điều trị cai nghiện, chống tái nghiện sau cai thì còn phải quan tâm đến những khía cạnh khác nữa và cần có sự phối hợp từ nhiều đơn vị liên quan, ít nhất phải có sự phối hợp từ các bệnh viện tâm thần, từ những trung tâm điều trị nghiện chất”, bác sĩ Luân chia sẻ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng, phân tích, nghiện ma túy ảnh hưởng trực tiếp lên não bộ. Những người nghiện ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, trước khi gây hại cho bản thân và người khác, họ thường có những biểu hiện bất thường như mất ngủ, nói lảm nhảm, hay la hét, cho rằng có ai đó muốn hại mình hoặc bị xui khiến làm điều xấu... Nếu gia đình phát hiện ra những dấu hiệu này có thể đưa ngay người nghiện đến bệnh viện hoặc trung tâm điều trị cai nghiện.
Có lẽ, phương pháp “gỡ bom” hiệu quả nhất chính là các cơ quan chức năng có liên quan cần tăng cường biện pháp quản lý, tiến hành điều trị cai nghiện hiệu quả ngay tại công đồng. Đồng thời khuyến khích, vận động người nhà của đối tượng nghiện phối hợp, trách nhiệm, tránh bao che. Chỉ có vậy, những vụ thảm án mới có thể ngừng gia tăng.
Han (theo VOV, Vietnamnet)