Hãng tin Reuters cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nhà sản xuất vaccine chú ý hơn đến chương trình COVAX (sáng kiến tiếp cận vaccine toàn cầu) để đảm bảo có đủ vaccine ngừa COVID-19 cho các quốc gia nghèo.
Phát biểu hôm 7-6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nhà sản xuất vaccine góp một nửa số lượng liều vaccine các hãng sản xuất ra cho COVAX để phục vụ chiến lược tiêm chủng toàn cầu.
Ông Tedros cũng bày tỏ sự thất vọng và lo lắng trước tình trạng một số quốc gia nghèo thậm chí không thể tiêm chủng cho cả các nhân viên y tế, người già và nhóm người dễ bị phơi nhiễm.
“Trong khi đó, một số quốc gia giàu có khác đã mua hết vaccine” - Tổng Giám đốc WHO nói.
Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đồng nghiệp của cô ở Senegal, ngày 24-2. Ảnh: REUTERS
Ông Tedros còn kêu gọi cần có một nỗ lực toàn cầu để có thể tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của tất cả các quốc gia vào tháng 9 và ít nhất 30% vào cuối năm nay. Với mục tiêu này sẽ phải cần thêm 250 triệu liều vào tháng 9, với 100 triệu liều trong tháng 6 và tháng 7, theo Reuters.
"Cuối tuần này, các nhà lãnh đạo G7 (diễn đàn bảy quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới) sẽ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh hàng năm của họ. Tôi kêu gọi G7 không chỉ cam kết chia sẻ liều lượng vaccine họ có mà còn cam kết chia sẻ chúng vào tháng 6 và tháng 7" - ông Tedros chia sẻ.
COVAX được thành lập để đảm bảo việc phân phối vaccine được diễn ra một cách công bằng, đặc biệt cho các quốc gia có thu nhập thấp. Cơ chế này đã giúp phân phối hơn 80 triệu liều vaccine đến 129 vùng lãnh thổ, song vẫn còn đó khoảng 200 triệu liều chưa đến tay người dân trên toàn thế giới.
Theo dự tính, COVAX sẽ mua đủ vaccine cho 30% dân số ở 91 các quốc gia nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên quá trình này đã bị ảnh hưởng trước việc triển khai vaccine bất bình đẳng và cả sự chậm trễ trong phân phối.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: REUTERS
Mặc dù số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 mới được báo cáo lại cho WHO đã giảm trong sáu tuần liên tiếp, nhưng Tổng Giám đốc WHO khẳng định thực tại khác hoàn toàn so với những số liệu được cung cấp, Reuters đưa tin.
“Càng ngày, chúng ta càng thấy rõ tình hình đại dịnh đang diễn ra theo hai chiều ngược nhau: nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với tình trạng cực kỳ nguy hiểm, trong khi một số quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất đang bắt đầu nói về việc chấm dứt các biện pháp phòng chống dịch” - ông Tedros nhận định.
Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP, hơn 2,15 tỉ liều vaccine đã được tiêm ở ít nhất 215 vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ 0,3% trong số đó là được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới.
“Việc phân phối vaccine không cân đối đã cho phép virus tiếp tục lây lan, làm tăng nguy cơ xuất hiện biến thể mới khiến vaccine trở nên kém hiệu quả hơn. Tiêm chủng không hợp lý là một mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia, không chỉ những quốc gia có ít vaccine nhất” - ông Tedros kết luận.