Vì vậy, các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực tuyên truyền, cảnh báo sức khỏe đối với những sản phẩm này vì lo ngại sản phẩm sẽ tác động đến giới trẻ, đặc biệt là những người chưa từng hút thuốc lá điếu trước đó. Tuy nhiên, chỉ tuyên truyền thôi là chưa đủ khi mà vẫn thiếu các hành động thiết thực, trong đó có cả việc yêu cầu các công ty thuốc lá phải có kế hoạch khả thi để bảo vệ giới trẻ. Đây là cách các nước đã và đang thương mại hóa thuốc lá làm nóng đang thực hiện.
Không để người dưới 18 tuổi tiếp cận thuốc lá làm nóng
Là một sản phẩm được phát triển dành cho những người hút thuốc lá trưởng thành, thuốc lá làm nóng được thiết kế để không hấp dẫn với giới trẻ. Cụ thể, giá thành của thiết bị dao động từ 90-100 USD tùy vào từng thị trường.
Ngoài ra, quy trình thương mại sản phẩm được chính phủ yêu cầu các công ty thuốc lá phải thiết kế để có thể kiểm tra độ tuổi của khách hàng ở tất cả các khâu tương tác, truyền thông sản phẩm và bán hàng (cả trực tuyến và trực tiếp). Ngoài việc khai báo, người muốn tiếp cận sản phẩm còn phải trải qua bước cung cấp giấy tờ tùy thân để xác thực tuổi. Chỉ những người thỏa điều kiện về độ tuổi mới tiếp cận được vào thông tin sản phẩm và mua hàng. Quá trình kiểm soát này được thực hiện ở các nước đang thương mại hóa thuốc lá làm nóng.
Hiện các sản phẩm thuốc lá làm nóng đang được tiêu thụ tại Việt Nam đều từ nguồn hàng xách tay hoặc nhập lậu
Hiện nay, Nhật Bản là một trong những quốc gia cho thấy chưa có tỷ lệ người trẻ bắt đầu sử dụng thuốc lá làm nóng trước khi hút thuốc lá điếu. Dữ liệu năm 2018 chỉ ghi nhận tỷ lệ không đáng kể (0,1%) học sinh trung học đã từng hút thuốc lá điếu trước khi chuyển đổi sang thuốc lá làm nóng.
Do vậy, Việt Nam cũng có thể yêu cầu các đơn vị kinh doanh thuốc lá làm nóng trong tương lai phải thực hiện quy trình xác minh độ tuổi nhằm ngăn chặn giới trẻ tiếp cận với sản phẩm này.
Hiệu quả không thể chỉ dừng ở tuyên truyền
Trong khi thuốc lá điện tử đang tấn công vào học đường một cách tinh vi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của giới trẻ thì cho đến nay vẫn chưa có số liệu nào ghi nhận trường hợp tương tự đối với sản phẩm thuốc lá làm nóng. Hiện, các cơ quan y tế đã ra chỉ đạo để tuyên truyền phòng chống thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng (nhập lậu) trong môi trường giáo dục.
Tại hội thảo trực tuyến về giải pháp phòng ngừa thuốc lá thế hệ mới đối với học sinh nhân ngày Thế giới không thuốc lá 31-5, trao đổi về kinh nghiệm và khó khăn trong công tác giáo dục, phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học, ông Dương Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM bày tỏ mong muốn sớm có căn cứ pháp lý để kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc lá điện tử quanh trường học, mạng xã hội… Điều này cho thấy việc tuyên truyền cần phải đi đôi với xử phạt. Nếu thiếu một trong hai thì sẽ khó đem lại kết quả khả quan. Theo đó, Việt Nam cần có khung hình phạt cứng rắn hơn đối với các tội phạm buôn lậu thuốc lá thế hệ mới, trong đó có thuốc lá làm nóng. Điều kiện tiên quyết chính là phải có khung hành lang pháp lý quản lý các sản phẩm này, để từ đó tạo điều kiện hướng dẫn cho các bộ, ngành khác thực thi.
Việt Nam đã có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để quản lý thuốc lá điếu, trên tinh thần khuyến nghị của Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong đó, nội dung nghiêm cấm mua bán thuốc lá đối với người dưới 18 tuổi chính là điều khoản nhằm ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc với thuốc lá và đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực thi chính sách kiểm soát thuốc lá đối với giới trẻ.
Với thuốc lá làm nóng, việc quản lý sản phẩm này cũng đã nằm trong Luật Phòng, chống Tác hại Thuốc lá hiện hành do sản phẩm có chứa thành phần thuốc lá, nằm trong định nghĩa “thuốc lá” của Bộ Luật này và nhất quán với định nghĩa thuốc lá của Công ước khung FCTC mà Bộ Y tế công bố trên website. Do đó, việc sớm đưa thuốc lá làm nóng đi theo luật hiện hành sẽ là cơ sở để xử phạt cho các hành vi cố tình tuyên truyền, mua bán các sản phẩm thuốc lá đến giới trẻ.