Chính phủ họp thường kỳ tháng 5-2021 - Ảnh: VGP
Đó là yêu cầu được nêu ra trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021 do Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành.
Theo đó, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch). Đồng thời, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.
Nghị quyết cũng yêu cầu báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30-6 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tiết kiệm các khoản chi phí là yêu cầu cấp bách được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu chi tiêu ngân sách cho các hoạt động chống dịch cần thiết và cấp bách hơn. Cùng với việc tập trung vào "chống dịch như chống giặc"; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, tấn công, nghị quyết yêu cầu thực hiện phương châm "vắc xin + 5K".
Đánh giá đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các ngành dịch vụ, du lịch, các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh nhận thức về tình hình kinh tế - xã hội đất nước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song không bi quan, dao động, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, xem khó khăn, thách thức thành động lực để nỗ lực phấn đấu, vươn lên.
Theo đó, người đứng đầu tập trung chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp. Rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng; kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chấm dứt tình trạng xin cho, chạy dự án…
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đề xuất thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số doanh nghiệp, tổng kết thực hiện nghị quyết về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch.
Tập trung chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, người dân
Trên cơ sở yêu cầu thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp, hài hòa, hợp lý, bảo đảm thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Rà soát thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại với một số mặt hàng, nguyên liệu tăng giá mạnh, chống hành vi đầu cơ, thao túng giá, đảm bảo cung ứng hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Không để đứt gãy chuỗi cung ứng, cắt giảm tối đa chi phí vận chuyển, lưu kho và chi phí logistics khác.
Tăng cường kiểm tra việc tăng giá cước, bảo đảm chấp hành đúng quy định về niêm yết, công khai giá cước vận tải, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, khẩn trương đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
TTO - "Mong muốn của tôi lúc này là anh chị em tuyến đầu chống dịch cùng với mọi người dân đoàn kết để phòng chống dịch bệnh, chờ đến thời điểm tiêm vắc xin".