Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC (DSC)
Thị trường đã tăng rất nhiều trong liên tục 3 tháng qua mà chưa có nhịp chỉnh đáng kể nào. Trong vòng 1 tuần trở lại đây, những tín hiệu suy yếu đã bắt đầu dần xuất hiện khi chỉ có một số trụ được kéo chỉ số, trong khi đó độ rộng thị trường thiên về tiêu cực. Đây cũng là một phần “nguồn cơn” dẫn đến phiên điều điều chỉnh mạnh cuối tuần.
Ông Bùi Văn Huy |
Thứ hai, thị trường tăng điểm dựa trên một nền tảng vĩ mô thực sự nếu khách quan nhìn nhận thì chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện, mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ đã được đưa ra. Bức tranh lợi nhuận quý II phần nào cho thấy điều đó.
Thứ ba, những biến động theo chiều hướng xấu của thị trường thế giới với việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ các kỳ hạn lăm le vượt đỉnh. Đồng thời, USD Index tăng trở lại. Bài toán tỷ giá được quan tâm trở lại khi nhân dân tệ, yên Nhật và nhiều đồng tiền châu Á khác mất giá (đặc biệt là đồng nhân dân tệ). Các thông tin xấu cũng đến khá nhiều từ thị trường bất động sản Trung Quốc.
Cuối cùng, mức độ giảm mạnh đến từ tâm lý đầu cơ rất cao của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân. Chính sự FOMO khiến cho sóng tăng rất nóng và cũng là lý do chính gây nên sự hoảng loạn trên nền margin cao…
Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý và có thể khẳng định đà tăng ngắn hạn kết thúc là khối lượng giao dịch phiên cuối tuần cao nhất lịch sử, mặc dù giá trị giao dịch chưa lập kỷ lục mới, vì vốn hóa thị trường đã giảm nhiều so với cao điểm năm 2022. Sau một đà tăng dài và một phiên rõ ràng là rũ bỏ, khả năng thị trường cần thời gian (vài tuần) và những ngưỡng hỗ trợ mạnh hơn để có thể cân bằng. Do đó, những hành động “bắt dao rơi” sớm có thể tồn tại rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.
Mặc dù vậy, điều đáng mừng là dòng tiền trở lại và niềm tin ít nhiều trở lại. Nhưng, đầu tư trong bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều điểm chưa tích cực không hề dễ dàng, và phiên cuối tuần qua chứng minh điều đó. Sau phiên giao dịch ngày 18/8, sự kỳ vọng có thể sẽ được xác định lại một cách hợp lý hơn.
Đối với nhà đầu cơ, giao dịch ngắn hạn, sau phiên 18/8, việc hạ tỷ lệ margin nên được ưu tiên. Điểm mua mới ngắn hạn cần có thời gian để quan sát thị trường đạt được trạng thái cân bằng hơn, như ở trên, có lẽ ít nhất cũng tính bằng tuần. Quãng thời gian dễ kiếm tiền đã dần qua đi. Sắp tới sẽ cần chọn lọc hơn.
Đối với nhà đầu tư, định giá hiện tại chưa phải là quá hấp dẫn, do đó cũng cần chọn lọc. Cá nhân tôi thấy, giai đoạn tới để nói về ngành, thực sự lại tiếp tục cần cập nhật số liệu vĩ mô để biết đà phục hồi kinh tế đến đâu để luân chuyển hợp lý.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, CTCK Maybank Investment Bank
Việc thị trường giảm điểm vốn đã được dự báo trước, do thị trường tăng điểm trong khoảng thời gian dài mà chưa có đợt nào điều chỉnh đáng kể trong bối cảnh TTCK có tốc độ tăng điểm mạnh hơn đà phục hồi của nền kinh tế, khiến cho định giá thị trường không còn rẻ nữa.
Ông Phan Dũng Khánh |
PE của thị trường đã ở mức 17, tương đương với giai đoạn thị trường tích cực trong quá khứ và nếu loại bỏ nhóm ngân hàng có PE thấp thì PE đã vượt 21, cao nhất trong 5 năm qua, tức cao hơn cả giai đoạn hoàng kim 2021.
Điều này làm cho nhà đầu tư mới khó tham gia, mà nhà đầu tư cũ thì sẵn hàng để chốt lời. Bên cạnh đó, việc thị trường tăng nhiều tháng qua mà chưa có đợt điều chỉnh nào đáng kể cũng làm cho lực thị trường bị dồn nén nhiều. Điều này dễ dẫn đến các động thái chốt lời và thực tế nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức đã có nhiều phiên bán ròng trước đó, tác động đến thị trường hiện tại.
Giá ngày càng cao thì dòng tiền vào ngày càng mạnh, chẳng hạn 1 cổ phiếu có giá 5 đồng, tăng lên 10 đồng, tức là dòng tiền phải gấp đôi, nhưng để tăng lên gấp 2 lần nữa, tức lên 20 đồng, thì cần nhiều tiền hơn nữa, trong khi tốc độ tăng điểm của chứng khoán thời gian qua vượt khỏi mức định giá, cũng như tốc độ phục hồi kinh tế. Ngoài ra, một số nhóm nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mua tăng bán ròng cũng ảnh hưởng đến dòng tiền hiện tại.
Thực tế, thị trường đáng lẽ đã điều chỉnh những ngày trước, nhưng vẫn tăng hoặc chỉ giảm nhẹ do cổ phiếu có vốn hóa lớn là VIC tăng trần nhiều phiên, là bệ đỡ cho thị trường. Tức là xuất hiện tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng". Do vậy, khi cổ phiếu này giảm kéo theo một số cổ phiếu lớn khác giảm, đã đẩy thị trường giảm sâu.
Theo tôi thấy, sau nhiều tháng tăng điểm, việc giảm một phiên chưa thể đánh giá được xu hướng tăng đã kết thúc hoặc giảm giá quay trở lại. Do đó, việc thị trường vào xu thế điều chỉnh dù chỉ là ngắn hạn cũng cần ít nhất một vài phiên, còn nếu không, thị trường vẫn đang thuộc xu thế tăng. Vì thế, hành động bắt đáy chỉ phù hợp với nhà đầu tư trung dài hạn, không margin, còn tỷ trọng tiền cao, còn ngược lại các nhà đầu tư nên đứng ngoài thậm chí giảm bớt tỷ trọng (nếu có sử dụng đòn bẩy hoặc không còn tiền mặt).
Tâm lý chung của nhà đầu tư là khi thị trường lên lại mong điều chỉnh để mua vào, nhưng khi thị trường giảm mạnh lại dễ bị "nhụt chí", sợ bị đứt tay nhiều hơn. Đây là hiện tượng FUD thay vì FOMO trong thời gian qua. Vì thế, phiên giảm mạnh này có thể khiến giới đầu tư đặc, biệt là các nhà đầu tư cá nhân e dè và có thể tạm thời nhường sân chơi cho các nhà đầu tư tổ chức, khối ngoại vốn mua bán dứt khoát hơn.
Thường dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân chỉ rõ ràng khi thị trường có xu hướng rõ rệt. Do đó, hiện tại chỉ phù hợp với nhà đầu tư trung dài hạn, không margin, còn tỷ trọng tiền cao, còn ngược lại, các nhà đầu tư nên đứng ngoài, thậm chí giảm bớt tỷ trọng (nếu có sử dụng đòn bẩy hoặc không còn tiền mặt).
Về cơ hội, tôi cho rằng, những cổ phiếu nhóm bất động sản, công nghệ, năng lượng (trừ nhiên liệu hóa thạch, ưu tiên năng lượng sạch, xanh), hàng tiêu dùng, vận tải (ưu tiên vận tải hàng không)... Tuy nhiên, chỉ nên giải ngân tiền mặt, hạn chế tối đa margin, nên nắm giữ trung hạn như tiết kiệm nhưng thay vì gửi ngân hàng thì tiết kiệm thông qua chứng khoán. Còn với những nhà đầu tư lướt sóng thì tạm thời chờ thị trường ổn định hơn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc Tế Việt Nam (VISE)
Cú rơi của thị trường hôm nay hầu như đã được dự đoán trước đó dù có thể nhà đầu tư không ngờ là cú rơi này mất đến hơn 55 điểm chỉ trong một phiên như vậy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phiên sụp rất sâu này, mà trước tiên là thị trường đã có chuỗi tăng rất dài suốt gần 3 tháng qua mà chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào.
Ông Nguyễn Hồng Khanh |
Ngoài ra, những thông tin về sự phá sản của tập đoàn bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc và thêm việc chốt lời nhóm cổ phiếu bất động sản sau khi có chuỗi hồi phục kéo dài đã kéo theo làn sóng bán tháo phiên cuối tuần qua. Khi sự hoảng loạn và bi quan gia tăng thì nhà đầu tư dễ dàng thoái hết toàn bộ danh mục bất kể cổ phiếu tốt xấu, vì vậy việc thị trường giảm rất sâu trong một phiên là điều hay gặp tại thị trường Việt Nam.
Một số nhà đầu tư đã thoát bớt cổ phiếu ở những phiên trước sẽ tự tin hơn trong phiên bắt dao rơi phiên 18/8 và kỳ vọng có thể mua vùng đáy thấp những cổ phiếu mục tiêu. Sẽ có khá nhiều cổ phiếu bị đè bán giá thấp dù không nằm trong nhóm cổ phiếu đầu cơ của thị trường. Thông thường, nếu thị trường có phiên sụp mạnh trước đó thì các phiên sau đó sẽ hạ nhiệt hơn và thậm chí sẽ có vài phiên hồi để nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội cơ cấu lại danh mục.
Sau phiên rơi mạnh 18/8 thì chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ chậm lại đà rơi với hỗ trợ mạnh quanh 1.120 - 1.130. Nếu thị trường có các thông tin hỗ trợ thì khả năng sự phân hóa sẽ gia tăng và những nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt sẽ sớm phục hồi trở lại. Tuy nhiên, nhiều khả năng thị trường sẽ vẫn duy trì xu hướng giảm thêm một thời gian trước khi có tín hiệu tạo lập xu thế hồi phục mới.
Có số lượng lớn nhà đầu tư sử dụng margin để giao dịch, vì vậy khi thị trường sụt giảm sâu thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại nhanh hơn dẫn đến tâm lý lo ngại thị trường tiếp tục giảm sẽ bị chạm rủi ro danh mục. Với phiên bán tháo như 18/8 thì nhà đầu tư sau nhịp bắt dao rơi có thể sẽ ngồi yên chờ đợi thêm tình hình và theo dõi thêm về xu hướng thị trường trước khi có quyết định tiếp theo. Còn với các nhà đầu tư dài hạn thì các nhịp giảm sâu như hiện tại sẽ kích thích giải ngân dần ở những cổ phiếu mà trước đây chưa mua được.
Với những phiên điều chỉnh sâu nhà đầu tư có thể chờ đợi thị trường dần ổn định để giải ngân lại nhóm cổ phiếu cơ bản tăng trưởng ổn định để nhằm tích lũy lâu dài. Ngoài ra, một số nhóm cổ phiếu mang yếu tố thị trường khi rơi mạnh cũng là cơ hội để nhà đầu tư bắt đáy để bình quân giá hoặc bắt đáy thu lợi nhuận ngắn hạn. Việc bắt đáy cần cẩn trọng vì thị trường có thể sẽ có những phiên hồi giả sau đó có thể hình thành xu thế downtrend kéo dài hơn dự kiến.
Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, CTCK Bản Việt
Ông Vũ Minh Đức |
Chỉ số VN-Index đã có một sóng tăng điểm khá dài kể từ giữa tháng 4 cho tới nay khiến cho nhiều nhà đầu tư đã có một khoản lợi nhuận tích lũy khá lớn từ danh mục cổ phiếu. Trong những tuần gần đây, diễn biến của VN-Index tốt hơn khá nhiều so với diễn biến của chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, khi mà VN-Index vượt qua mốc tâm lý 1.200 điểm với thanh khoản mạnh đã tạo ra điểm tựa tâm lý cho thị trường. Do vậy, khi VN-Index vi phạm mốc này vào ngày thứ Sáu, nhiều nhà đầu tư bán tháo danh mục cổ phiếu để bảo toàn lợi nhuận của danh mục và khiến chỉ số lao dốc mạnh.
Theo tôi, sau một phiên giảm mạnh với thanh khoản cao như vậy, áp lực cần bán ra để chốt lãi của thị trường sẽ được hấp thụ ít nhiều. Do đó, VN-Index cũng sẽ có cơ hội xuất hiện các nhịp hồi phục vào đầu tuần tới nên việc "bắt dao rơi" của một số nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao cũng có cơ sở về mặt kỹ thuật. Tất nhiên, khi "bắt dao rơi" thì khả năng "đứt tay" cũng có thể xảy ra, đòi hỏi người chơi cần có những biện pháp phòng ngừa rủi ro tốt.
Về chuyển động thị trường, tôi cho rằng nếu trong thứ Hai tới, VN-Index không đóng cửa dưới mốc 1.170 điểm thì chỉ số này sẽ xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật lên vùng 1.200-1.210 điểm. Nếu lực cầu đủ mạnh để giúp chỉ số sàn HOSE vượt qua vùng này thì có thể đà tăng sẽ được khôi phục lại sau đó. Hiện tôi chưa có đủ cơ sở để đánh giá xác suất cho kịch bản này.
Thị trường chứng khoán cũng là một mô hình xã hội thu nhỏ, do đó những nhà đầu tư tham gia cũng sẽ có những chiến lược, trạng thái tâm lý, vị thế và mức độ chịu đựng rủi ro khác nhau. Theo tôi, sẽ không có một mẫu số chung, do vậy, khi tiến hành cơ cấu danh mục, chúng ta thường đề cập tới định giá đắt rẻ của các cổ phiếu. Theo quan điểm của tôi, sau nhịp tăng điểm thời gian qua của thị trường và khiến VN-Index tiệm cận vùng 1.250 điểm, định giá của nhiều cổ phiếu không còn hấp dẫn, ngoại trừ một số cổ phiếu ngân hàng.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK Smart Invest
Với phiên điều chỉnh giảm mạnh 18/8, xét bối cảnh hiện tại chúng ta có thể giải thích dựa vào vài luận điểm sau, thị trường chứng khoán thế giới điều chỉnh cũng có thể tác động tới tâm lý; Nhu cầu chốt lời và muốn nghỉ ngơi sau chuỗi dài tăng giá của thị trường. Hiệu ứng chốt lời đồng loạt luôn xảy ra như vậy trong quá khứ; Phân tích kỹ thuật cho thấy sau phiên hôm qua thị trường đã có 4 phiên phân phối trong 20 phiên qua. Theo các lý thuyết phân tích kỹ thuật sẽ thị trường sẽ thường có điều chỉnh giảm mạnh. Do vậy, đây là xu hướng bình thường.
Ông Vũ Duy Khánh |
Áp lực bán gia tăng mạnh trên diện rộng khiến nhiều nhóm cổ phiếu đồng loạt giảm sàn. Nhiều nhà đầu tư đã thực hiện “bắt dao rơi” và đây luôn là hành động mạo hiểm nhưng trò chơi này lại có lợi nhuận cao. Rủi ro cao đi kèm lợi nhuận cao do vậy thị trường luôn có nhu cầu bắt dao rơi là vậy. Việc này cũng không thể nói được là đúng hay sai. Mỗi nhà đầu tư có chiến lược mua bán và quản trị rủi ro khác nhau do vậy điều quan trọng họ cần tuân thủ kỷ luật giao dịch của mình hoặc biết phân bổ danh mục cho hợp lý.
Tuy vậy, sự sợ hãi và FOMO luôn diễn ra và điều này khiến thị trường thường giao dịch ngoài dự đoán của số đông. Chúng ta có lẽ không nên cho rằng đó là điều bất thường.Với nhà đầu tư, lời khuyên của chúng tôi là quản trị rủi ro mới tạo ra chiến thắng lâu dài.
Trong ngắn hạn, dựa vào phân tích kỹ thuật cho thấy, MA(50) là một hỗ trợ tốt và mốc 1.100 là mốc hỗ trợ cứng thứ hai. Do vậy, theo quan điểm của chúng tôi, xác suất rơi mạnh 1-2 phiên 50 điểm sẽ thấp (khoảng 20%) và cầu dò đáy sẽ tăng mạnh nếu kịch bản này xảy ra. Kịch bản khả dĩ hơn là chỉ số sẽ hồi phục vận động theo mô hình củng cố từ mốc hỗ trợ 1.150 điểm và kháng cự 1.210 điểm (kịch bản này có xác suất 80%). Giao dịch này với khối lượng sẽ giảm dần trở lại. Trong khung dao động này, một số mã cổ phiếu tốt có thể phá đỉnh còn khá nhiều mã vẫn tiếp tục tìm đáy mới.
Còn quá sớm để xác định một dòng cổ phiếu nào đó sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, xét một cách đơn giản những nhóm cổ phiếu xuất khẩu như dệt may, đầu tư công, ngành chứng khoán, bán lẻ có thể là nhóm có câu chuyện hay để thị trường kể vào cuối năm với các tín hiệu phục hồi từ sản xuất kinh doanh hoặc thanh khoản tăng cao của thị trường.