APEC đồng thuận để tăng tốc phân phối vaccine Covid-19
Khánh Lan
(KTSG Online) – Tại cuộc họp trực tuyến hôm 5-6, các Bộ trưởng Thương mại của tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí tăng tốc phân phối vaccine Covid-19 và hàng hóa liên quan giữa biên giới các nước, đồng thời sẽ xem xét lại các rào cản thương mại đối với những mặt hàng này. Họ cũng cam kết hỗ trợ các cuộc đàm phán ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 để giúp các nước nghèo tiếp cận được vaccine nhanh hơn.
Khuyến khích các thành viên xem xét bỏ các rào cản thương mại không cần thiết
Tuyên bố của các Bộ trưởng Thương mại APEC cho biết, họ sẽ "thúc đẩy dòng chảy của tất cả các loại vaccine Covid-19 và hàng hóa liên quan qua các cảng hàng không, đường biển và đường bộ”.
Tuyên bố có đoạn: "Chúng tôi sẽ cân nhắc các hành động tự nguyện để giảm chi phí của các sản phẩm này cho người dân của chúng tôi, đặc biệt bằng cách khuyến khích mỗi nền kinh tế xem xét lại các khoản phí của chính họ được áp dụng ở biên giới đối với vaccine Covid-19 và các hàng hóa liên quan”.
Một lô vaccine Covid-19 của hãng dược Johnson & Johnson được vận chuyển bằng máy bay đến một sân bay quân sự ở TP Seongnam, Hàn Quốc hôm 5-6. Ảnh: Reuters |
Các Bộ trưởng Thương mại APEC cũng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các mặt hàng thiết yếu và giảm thiểu sự gián đoạn của các mạng lưới quan trọng nhằm duy trì chuỗi cung ứng hoạt động thông suốt.
"Các nền kinh tế APEC cần ưu tiên xác định các rào cản thương mại không cần thiết đối với bất kỳ dịch vụ liên quan nào có thể cản trở việc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các mặt hàng thiết yếu, và cần đảm bảo tính nhất quán giữa bất kỳ rào cản nào như vậy với các nghĩa vụ mà họ đã cam kết ở WTO", tuyên bố cho hay.
Các rào cản thương mại liên quan đến Covid-19 bao gồm quy định hạn chế xuất khẩu, thuế quan và các rào cản nhập khẩu khác, được xem là nguyên nhân góp phần khiến các nước đang phát triển thiếu khả năng tiếp cận vaccine Covid-19. Mức thuế trung bình của APEC đối với vaccine Covid-19 chỉ ở mức thấp khoảng 0,8%, nhưng các mặt hàng quan trọng khác trong chuỗi cung ứng vaccine Covid-19 phải đối mặt với mức thuế cao hơn.Các dung dịch cồn sát khuẩn, thiết bị đông lạnh, vật liệu đóng gói và bảo quản, lọ đựng vaccine Covid-19 và nút cao su phải đối mặt với mức thuế trung bình trên 5% và có thể cao tới 30% ở một số nền kinh tế APEC.
New Zealand muốn các thành viên APEC cam kết dỡ bỏ thuế quan áp dụng cho vaccine Covid-19 và hàng hóa liên quan, nhưng Mỹ phản đối ý tưởng này vì điều này có nghĩa là Mỹ buộc phải cắt giảm thuế đã áp lên hàng hóa từ Trung Quốc.
Thúc đẩy đàm phán việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ của vaccine Covid-19
Các Bộ trưởng Thương mại APEC cũng cho biết họ sẽ làm việc chủ động và khẩn trương trong các cuộc đàm phán ở WTO, nhằm đạt được thỏa thuận về việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 "càng sớm càng tốt" và không muộn hơn thời điểm hội nghị cấp bộ trưởng của WTO dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11.
Đại diện Thương mại Mỹ, Katherine Tai cho biết trong một cuộc họp báo trước cuộc họp APEC rằng, bà cảm thấy phấn chấn trước tiến triển của các cuộc đàm phán đó.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Damien O'Connor, cho biết một loạt thách thức xung quanh việc sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 có khả năng sẽ được giải quyết để cải thiện nguồn cung trên toàn thế giới, nhưng việc đạt được thỏa thuận miễn trừ bản quyền sáng chế vaccine Covid-19 có thể vẫn là một trở ngại. Ông nhấn mạnh: “Việc phân phối vaccine Covid-19 khắp khu vực thành công sẽ là yếu tố quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế của chúng ta”.
Trong tuyên bố chung hôm 5-6, các Bộ trưởng Thương mại APEC nhấn mạnh, WTO phải chứng tỏ rằng các quy tắc thương mại toàn cầu có thể hỗ trợ giải quyết thảm họa Covid-19 và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình phục hồi kinh tế.
Các cuộc họp của APEC trong những năm gần đây gặp khó khăn trong việc đạt được các thỏa thuận do cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động. Tuy nhiên, chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden có cách tiếp cận đa phương hơn, ông Biden ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine, bất chấp sự phản đối của các hãng dược trong nước.
New Zealand xem việc APEC đạt được thỏa thuận về tăng tốc phân phối vaccine là điều quan trọng để chứng tỏ rằng APEC phản ứng nhanh và phù hợp với cuộc khủng hoảng mà thế giới đang đối mặt.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand, Damien O'Connor lưu ý khu vực châu Á- Thái Bình Dương cần khoảng 5 tỉ liều vaccine Covid-19 để tiêm cho gần 3 tỉ người. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ người dân được tiêm chủng cho đến nay chỉ ở mức thấp, bao gồm các nền kinh tế như Thái Lan và Đài Loan, những nơi ban đầu đã tránh được các đợt bùng phát dịch lớn ban đầu nhưng gần đây đã chứng kiến các ca bệnh mạnh trở lại. Các thành viên APEC khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand cũng triển khai tiêm chủng chậm chạp hơn nhiều so với số các nước phát triển khác ở phương Tây. |
Theo Reuters
Xem thêm: lmth.91-divoc-eniccav-iohp-nahp-cot-gnat-ed-nauht-gnod-cepa/971713/nv.semitnogiaseht.www