Nga xem xét chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam
Minh Duy
(KTSG Online) - Trong cuộc điện đàm vào chiều nay (8-6) với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko cho biết đang xem xét việc chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V tại Việt Nam.
Việt Nam muốn hợp tác với Johnson & Johnson về chuyển giao công nghệ vaccine
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19, theo thông tin từ Bộ Y tế, số ca nhiễm trong nước tính từ đợt bùng dịch hồi cuối tháng Tư rồi đã hơn 6.000 nhưng dịch đang có dấu hiệu chững lại.
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại một chung cư ở Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: HCDC |
Kỳ vọng sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam
Theo chinhphu.vn, vào chiều nay, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko.
Cùng với các vấn đề hợp tác về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, vấn đề về vaccine đã được đặt ra trong cuộc điện đàm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Nga đã tặng Việt Nam 1.000 liều vaccine Sputnik V từ đầu năm nay và vài ngày trước đã cam kết ưu tiên để Việt Nam tiếp cận 20 triệu liều vaccine Sputnik V trong năm nay.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Liên bang Nga hợp tác và chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tại Việt Nam.
Chủ tịch Valentina Matvienko cho biết, các cơ quan của hai nước đang tích cực đàm phán về việc cung ứng nguồn vaccine ngừa Covid-19. Liên bang Nga cũng đang xem xét việc chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine Sputnik V tại Việt Nam.
Vài ngày trước, khi thông tin về việc đàm phán mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V trong năm nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Công ty Vabiotech, một đơn vị của bộ đã hợp tác với phía Nga trong việc đóng ống, gia công vaccine ngừa Covid-19.
Dự kiến, đến tháng Bảy tới, công ty sẽ đóng ống, gia công vaccine ngừa Covid-19 của Nga tại Việt Nam, công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả rất quan trọng để phía Nga có thể chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.
Hơn 6.000 ca nhiễm Covid-19 tính từ cuối tháng 4-2021
Hôm nay (8-6), Bộ Y tế công bố thêm 171 ca nhiễm Covid-19 trong nước. Trong đó, Bắc Giang có 98 ca, TPHCM có 39 ca, Bắc Ninh 25, Lạng Sơn, Hà Nội 3 (gồm 1 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và Hà Tĩnh 1 ca.
Tính từ đợt bùng dịch từ hồi cuối tháng 4-2021 cho đến nay, cả nước đã có hơn 6.00 ca nhiễm. Trong đợt này, dịch đã xuất hiện ở 39 tỉnh, thành phố. Trong đó, 5 địa phương có số người mắc Covid-19 cao nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định, đến thời điểm này, dịch bệnh trong nước cơ bản đã được kiểm soát. Số ca mắc mới đang có dấu hiệu chững lại. Trong những ngày tới, những địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh và TPHCM có thể sẽ ghi nhận thêm các ca mắc mới nhưng đây là những người đã bị phơi nhiễm từ trước, hầu hết đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa.
Trong buổi họp thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 vào chiều nay, ban chỉ đạo đã nghe báo cáo về quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ban chỉ đạo về chấn chỉnh việc đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Do nhu cầu đưa đón chuyên gia, người Việt Nam từ nước ngoài về rất lớn nên Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phải hoàn thiện hệ thống công nghệ quản lý người nhập cảnh trong 1 tuần tới để Bộ Y tế nghiệm thu, đưa vào hoạt động chính thức.
Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, hệ thống này sẽ tạo thành chu trình quản lý khép kín từ khi tiếp nhận nhu cầu nhập cảnh nhập cảnh vào Việt Nam, cách ly tập trung cho đến hết thời gian theo dõi y tế tại nhà. Qua hệ thống này, ban chỉ đạo cũng sẽ có cơ sở dữ liệu tập trung về người nhập cảnh để phục vụ phòng, chống dịch.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tính đến việc giảm thời gian cách ly tập trung cho người nhập cảnh. Thông tin từ cuộc họp này cho biết, dự kiến những người nhập cảnh sẽ được phân thành các nhóm khác nhau.
Trong đó, những người đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ được kiểm tra bằng những xét nghiệm khác nhau để xem việc tiêm vaccine đã có tác dụng hay chưa, nếu có thì thời gian cách ly tập trung sẽ giảm còn khoảng 1 tuần. Hiện nay, hiệu quả ngừa Covid-19 của các loại vaccine là từ 70% đến 90%.
TPHCM lập thêm khu cách ly tập trung Chỉ vài ngày sau khi thành lập trung tâm cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM ở thành phố Thủ Đức, hôm nay (8-6), UBND TPHCM tiếp tục quyết định thành lập thêm 2 trung tâm cách ly tập trung và các khu cách ly tại khách sạn. Hai trung tâm cách ly tập trung gồm trung tâm tại Trường Quân sự Quân khu 7, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 và tại trung tâm cách ly ký túc xá Trường đại học Sư phạm TPHCM, phường 5, quận 11. Các khu cách ly y tế tập trung tại các khách sạn gồm Happy Life, phường Bình Thuận, quận 7; Golden View, TTC Deluxe Airport ở quận Tân Bình. |
Mời đọc thêm:
Xem xét rút ngắn thời gian cách ly cho người nhập cảnh đã tiêm vaccine Covid-19
Bắc Giang phê bình các huyện chống dịch chưa nghiêm
Khoản đóng góp của doanh nghiệp cho quỹ vaccine được trừ khi tính thuế TNDN
Việt Nam phê duyệt vaccine ngừa Covid-19 Vero Cell của Trung Quốc