Tính từ 18 giờ ngày 7-6 đến 18 giờ ngày 8-6, TP.HCM đã ghi nhận 39 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, đã được Bộ Y tế công bố.
“Nếu F5 dương tính COVID-19 khi ở ngoài cộng đồng thì đáng lo ngại”
Trong số 39 ca nhiễm mới trong ngày 8-6, có 28 trường hợp là người tiếp xúc liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng. Tám trường hợp là F1 của bệnh nhân được phát hiện qua khám sàng lọc đã được công bố trước đó. Ba trường hợp còn lại cư trú tại các quận 11, Tân Phú, Bình Tân được phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện (bv) đang điều tra xác định nguồn lây.
Cũng trong số 39 ca này có một ca là trường hợp lây nhiễm đến vòng thứ năm (F5), liên quan đến nhóm truyền giáo Phục hưng. Khi nghe thông tin này, không ít người hoang mang vì từ trước đến giờ chỉ quen với F1, F2, F3, F4... mức độ lây lan đến F5 quả là đáng sợ.
Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học BV Nhi đồng 1, khi nói đến F5 tức là cơ quan y tế đã điều tra được quá trình tiếp xúc của người này khi truy ngược lại lịch sử tiếp xúc của họ. Cụ thể, F5 dương tính khi có F4, F3, F2, F1 dương tính do tiếp xúc với một ca mắc COVID-19 (F0) trước đó.
BS Khanh lý giải: Sở dĩ bệnh nhân COVID-19 lây nhiễm đến vòng thứ năm là do ổ dịch phát hiện muộn, đi xa tầm truy vết, chậm hơn so với sự lây lan của virus. Các biến chủng virus mới được biết có khả năng lây lan nhanh, người ủ bệnh hai ngày đã có thể lây bệnh nên F0 ở ngoài càng lâu thì khả năng lây cho F1 và tiếp tục chuỗi lây nhiễm đến F5 cũng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, cần phân biệt nếu F5 nằm trong khu phong tỏa thì không đáng lo. Những người trong khu phong tỏa nên thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế vì có thể sẽ mở rộng lấy thêm mẫu xét nghiệm.
Còn trường hợp F5 không nằm trong khu phong tỏa nhưng sau khi phát hiện một F0 bên ngoài và truy ngược lại thì thấy người nhiễm nằm trong chuỗi F4, F3, F2, F1, F0 thì khá đáng lo ngại nhưng vẫn còn may mắn. Lý do là điều này cho biết những F4, F3, F2, F1 đã là cầu nối đưa virus tỏa đi nhiều hướng, chứ không phải là ca nhiễm không rõ nguồn gốc.
Vì thế, BS Khanh khuyến cáo mỗi người dân nên kiểm lại mình đã đi đâu, đến đâu, có lúc nào đến nơi nguy cơ mà không thực hiện nguyên tắc 5K không. “Khi nghe chuỗi lây nhiễm đã đến F5 thì cộng đồng càng phải cảnh giác, nâng cao biện pháp phòng ngừa dịch bệnh” - BS Khanh nói thêm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở quận Gò Vấp, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Thêm 171 ca COVID-19 mới, số ca nhiễm đã vượt mốc 6.000 Bộ Y tế tối 8-6 ghi nhận 53 ca COVID-19 mới trong nước. Tính trong ngày 8-6, Việt Nam ghi nhận 171 ca COVID-19. Hôm nay cũng là lần đầu tiên số ca công bố tính theo ngày dưới 200, sau 14 ngày liên tục ghi nhận hơn 200 ca một ngày. Tổng số ca COVID-19 cả nước từ ngày 27-4 đến nay đã vượt 6.000, lên 6.004 ca, ghi nhận ở 39 tỉnh, thành. |
Hai bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM tổn thương phổi rất nặng
Sáng 8-6, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết BV đang điều trị cho 32 trường hợp mắc COVID-19.
Trong đó, ba ca bệnh rất nặng đang phải chạy hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, chín ca thở máy xâm nhập, hai ca đang lọc máu.
Ca thứ nhất là bệnh nhân NTKP (BN2983), ở An Giang chuyển lên, tình trạng hô hấp cải thiện, đang giảm thông số ECMO, tiên lượng tốt.
Bệnh nhân thứ hai là ĐHĐP (nam sinh viên ở Long An, BN7445), có tình trạng tổn thương phổi rất nặng, suy hô hấp chưa cải thiện, rối loạn đông máu tiến triển. Bệnh nhân đang tiếp tục duy trì sự sống bằng ECMO, lọc máu liên tục, tiên lượng rất nặng.
Bệnh nhân thứ ba là NHN (BN8346), được Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu (Tây Ninh) chuyển ngày 4-6 trong tình trạng suy hô hấp nặng (SpO2 65% qua thở ôxy mask). Tại BV Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy, tiến hành đặt ECMO ngày hôm sau (5-6). Hiện tại, tình trạng suy hô hấp chưa cải thiện, tiên lượng nặng.
Hiện TP.HCM đang điều trị cho hơn 500 bệnh nhân COVID-19, trong đó bốn ca can thiệp ECMO, nhiều ca viêm phổi nặng cần thở máy, lọc máu liên tục.
Bốn bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bắc Giang đã cai ECMO, máy thở Sáng 8-6, tin vui từ BV Phổi Bắc Giang - đơn vị điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng cho biết: Có thêm một bệnh nhân đã cai ECMO và ba bệnh nhân được rút ống nội khí quản, kết thúc thở máy. Dự kiến trong hai ngày tới sẽ có ba bệnh nhân nặng được công bố xuất viện. BS CKII Trần Thanh Linh, bác sĩ điều trị trực tiếp cho những ca bệnh nặng tại BV Phổi Bắc Giang, cho biết hiện nay có tổng 56 bệnh nhân nặng đang nằm trong khoa. Từ khi cơ sở này đi vào hoạt động đến nay, có sáu bệnh nhân phải thở máy và ba bệnh nhân được chạy ECMO (trong đó có hai bệnh nhân nặng đã được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới trung ương) và bệnh nhân còn lại sáng 8-6 đã vui mừng vì được cai ECMO. NGỌC MAI |