Sau hai phiên "đỏ lửa" ngày 7 và 8.6, sắc xanh đã quay lại với thị trường chứng khoán Việt Nam phiên hôm nay (9.6). Kết phiên, VN-Index tăng 13,02 điểm (0,99%) lên 1.332 điểm, HNX-Index tăng 3,42% lên 316,87 điểm, UPCOM-Index tăng 0,99% lên 87,25 điểm.
Trước 2 phiên giảm sốc của thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã dự báo VN-Index sẽ có đợt điều chỉnh ngắn hạn do áp lực chốt lời.
Báo cáo chiến lược thị trường tháng 6 của Chứng khoán Miraeasset Việt Nam (MASVN) nhận định: “Thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn do áp lực chốt lời sau khi thị trường đã tăng 4 tháng liên tiếp (VN-Index: +26%), đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn đã có mức tăng vượt trội hơn so với thị trường chung và đang ở mức đỉnh lịch sử”.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam từ cuối tháng 5 đã dự báo về áp lực điều chỉnh của thị trường, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư giảm dần tỉ trọng ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngân hàng và thép.
Trong khi đó, VNDirect kỳ vọng VN-Index sẽ biến động trong khoảng 1.280-1.380 điểm trong tháng 6 và cho rằng nhà đầu tư vẫn có thể “lạc quan trong sự thận trọng”.
VN-Index có thể chinh phục ngưỡng 1.500 trong năm 2021
MASVN kỳ vọng vào kịch bản lạc quan nhất là VN-Index sẽ chinh phục ngưỡng 1500 điểm trong năm nay.
“Cả phương pháp so sánh tương đối với các thị trường khác và thống kê lịch sử đều cho thấy mức định giá hiện tại của thị trường vẫn chưa "đắt". Do đó, ủng hộ cho khả năng xảy ra kịch bản lạc quan này”, nhóm chuyên gia của MASVN nhận định.
MASVN chỉ ra 4 động lực tăng điểm của thị trường chứng khoán:
Đó là sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa, tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, MASVN kỳ vọng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán (có thể quan sát thông qua lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân); nhờ đó, thanh khoản trên thị trường sẽ tiếp tục dồi dào.
Mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn.
Ngoài ra, MASVN cho rằng thoái vốn nhà nước được thúc đẩy; câu chuyện nâng hạng thị trường lên nhóm các thị trường mới nổi cũng sẽ tạo động lực tăng điểm cho VN-Index.
Kinh tế vĩ mô bắt đầu “miễn dịch” với COVID-19
Nền tảng kinh tế vĩ mô là bệ đỡ quan trọng cho đà tăng trưởng của VN-Index. Theo Yuanta Việt Nam, tình hình kinh tế vĩ mô trong tháng 5 nhìn chung là bị gián đoạn phần nào do đợt bùng phát COVID lần 4. Tuy nhiên, mức ảnh hưởng đối với sản xuất hàng hóa và bán lẻ là không quá lớn như các đợt trước đây, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) vẫn tăng 1,6% cho với tháng 4 và PMI vẫn đạt trên 50 điểm.
Yuanta Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp và Chính phủ đã có những kinh nghiệm và sự chuẩn bị nhất định đối với các đợt bùng phát dịch nên lần bùng phát sau sẽ gây thiệt hại ít hơn đợt bùng phát trước. Nhìn chung, tình hình kinh tế vẫn đang trên đà hồi phục và quen dần với dịch bệnh.
Đối với các hoạt động liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư FDI, Yuanta Việt Nam nhận định hoạt động xuất nhập khẩu vẫn duy trì tăng trưởng tốt và cần thêm thời gian để có sự gia tăng trong dòng vốn FDI vào Việt Nam.
VNDirect đồng quan điểm với Yuanta Việt Nam về triển vọng xuất khẩu và cho rằng đây là một trong ba yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong tháng 6.
Ngoài ra, VNDirect chỉ ra 2 yếu tố hỗ trợ cho thị trường tháng 6, bao gồm: Một số nền kinh tế lớn đã sẵn sàng mở cửa hoàn toàn trở lại và kỳ vọng lợi nhuận ròng các công ty niêm yết tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021.
Tuy nhiên, VNDirect cũng khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng với một số rủi ro vẫn tồn tại như: tác động tiêu cực của đợt bùng phát COVID-19 mới đối với triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý 2/2021; rủi ro lạm phát tăng trong quý 2/2021 và dư nợ margin thị trường ở mức cao.
Xem thêm: odl.725819-cos-maig-neihp-ueihn-uas-naohk-gnuhc-gnourt-iht-ohc-aut-meid/et-hnik/nv.gnodoal