Thổ Nhĩ Kỳ thả cựu chỉ huy quân sự Ukraine, Nga phản ứng
* Thổ Nhĩ Kỳ thả 5 chỉ huy quân sự của Ukraine, Nga không hài lòng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trở về sau chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8-7, mang theo 5 cựu chỉ huy quân sự từng tham chiến ở Mariupol, bất chấp thỏa thuận trao đổi tù nhân với Nga.
Cụ thể, các cựu chỉ huy này được tôn vinh như những anh hùng ở Ukraine. Họ đã lãnh đạo cuộc bảo vệ Mariupol hồi năm ngoái, là thành phố lớn nhất của Ukraine mà Nga kiểm soát cho tới nay.
Nga đã trả tự do cho một số người Ukraine vào tháng 9-2022 trong một cuộc trao đổi tù nhân do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Trong các điều khoản lần đó có yêu cầu các chỉ huy Ukraine phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi chiến tranh kết thúc.
Do đó, Nga ngay lập tức phản ứng khi các chỉ huy này theo chân ông Zelensky về nước. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm các điều khoản trao đổi tù nhân và đã không thông báo cho Matxcơva về vụ việc.
Ông Peskov cho biết vụ phóng thích này là kết quả của áp lực nặng nề từ các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự vào tuần tới.
Trước đó, ông Zelensky gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ngày 7-7. "Chúng tôi đang trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ và đưa các anh hùng của chúng ta về nhà", ông Zelensky thông tin trên Telegram.
Ông Zelensky không giải thích lý do các chỉ huy được về nhà. Phía Thổ Nhĩ Kỳ thì chưa lên tiếng. Trong khi đó, nhiều người Ukraine đã ca ngợi diễn biến này trên mạng xã hội.
* Nga pháo kích làm chết 8 thường dân. Quân đội Nga cho biết cuộc pháo kích ngày 8-7 đã giết chết ít nhất 8 thường dân và làm bị thương 13 người ở Lyman, thuộc vùng Donetsk ở Ukraine.
Trong báo cáo tối cùng ngày, Bộ tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết lực lượng Nga không thành công trong việc tiến công ở Lyman. Ít nhất 10 thị trấn và làng mạc đã bị pháo kích.
Thống đốc khu vực Donetsk Pavlo Kyrylenko trước đó đã thông tin về các vụ pháo kích ở Lyman. Thành phố này là đầu mối quan trọng về đường sắt ở khu vực phía đông Donetsk.
Biểu tình lớn tiếp tục ở Pháp
* Hàng trăm người tiếp tục biểu tình ở trung tâm Paris. Bất chấp lệnh cấm, ngày 8-7, hàng trăm người xuống đường biểu tình ở thủ đô nước Pháp, một tuần sau khi bạo loạn nổ ra sau vụ cảnh sát sát hại một thiếu niên ở ngoại ô.
Cảnh sát đã giải tán đám đông khỏi quảng trường République, đưa hàng trăm người tới đại lộ Magenta, nơi họ tuần hành ôn hòa.
Sở Cảnh sát Paris thông tin trên website rằng họ cấm biểu tình với lý do "bối cảnh căng thẳng".
"Chúng tôi vẫn được hưởng quyền tự do ngôn luận ở Pháp, nhưng đặc biệt là quyền tự do hội họp đang bị đe dọa", ông Felix Bouvarel, một nhân viên y tế đã xuống đường bất chấp lệnh cấm mà ông gọi là "gây sốc".
Cùng ngày, các nhà chức trách cũng cấm biểu tình ở phía bắc thành phố Lille, trong khi một cuộc tuần hành ở Marseille bị yêu cầu dời ra khỏi trung tâm thành phố.
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết hơn 3.000 người, chủ yếu là thanh thiếu niên, đã bị bắt trong 6 đêm bạo loạn đầu tiên. Khoảng 2.500 tòa nhà bị hư hại.
Thủ tướng Elisabeth Borne tuyên bố chính phủ sẽ cấm bán và sử dụng pháo hoa cho mục đích cá nhân vào Ngày Quốc khánh 14-7 tới, sau khi chúng được người biểu tình sử dụng rộng rãi vào tuần trước, dẫn đến hỏa hoạn và thương tích.
* Biểu tình lớn ở Israel để phản đối cải cách tư pháp. Ngày 8-7, thành phố Tel Aviv của Israel nổ ra cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất trong nhiều tuần trở lại đây, nhằm phản đối nỗ lực của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong việc cải cách hệ thống tư pháp.
Theo Hãng tin Reuters, hàng chục ngàn người đã xuống đường trên khắp đất nước. Các cuộc biểu tình ở trung tâm kinh tế Tel Aviv thu hút đám đông lớn hơn mọi khi.
Biểu tình ở Israel nổ ra từ tháng 1, khi chính phủ công bố kế hoạch cải cách tư pháp, trong đó giảm bớt một số quyền của Tòa án Tối cao và trao thêm quyền cho liên minh cầm quyền trong việc lựa chọn thẩm phán.
Các cuộc biểu tình lắng xuống một chút vào cuối tháng 3, sau khi ông Netanyahu tạm hoãn thúc đẩy kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi, nhằm tiếp tục đối thoại rộng rãi trong nhân dân và tránh nguy cơ xảy ra xung đột tại quốc gia này.
Dự kiến trong tuần tới Quốc hội Israel sẽ bỏ phiếu lần đầu về dự luật mới. Phe đối lập xem đây là diễn biến nguy hiểm, nhằm hạn chế sự độc lập của hệ thống tư pháp, dẫn đến việc Tòa án Tối cao sẽ chịu sự chi phối của chính trị.
Hiện tại, những cuộc biểu tình đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Israel. Đồng Shekel của nước này đã giảm hơn 5% kể từ đầu năm.
Các vụ tai nạn thảm khốc
* Máy bay rơi ở Los Angeles, Mỹ, toàn bộ 6 người thiệt mạng. Chính quyền thành phố Los Angeles, bang California của Mỹ, cho biết tất cả 6 người trên một chiếc máy bay nhỏ đã thiệt mạng khi máy bay rơi và bốc cháy trên cánh đồng sáng 8-7.
Cục Hàng không cho hay chiếc máy bay nhỏ Cessna C550 cất cánh từ Las Vegas thì rơi gần sân bay French Valley, cách Los Angeles khoảng 136,79km về phía nam.
Văn phòng Cảnh sát trưởng ở quận Riverside, nơi có sân bay French Valley, cho biết lực lượng ứng phó với vụ tai nạn đã xác định được một chiếc máy bay chìm trong biển lửa trên cánh đồng và 6 hành khách được cho là đã chết tại hiện trường.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang điều tra vụ tai nạn.
* Sập tòa nhà chung cư ở Brazil, 14 người chết. Vụ sập tòa nhà xảy ra tại khu phố Janga ở ngoại ô Recife, thủ phủ của bang Pernambuco phía đông bắc Brazil ngày 8-7.
Tòa nhà chung cư bị sập trong trận mưa lớn khi nhiều cư dân vẫn đang ngủ. Theo cơ quan chức năng, có 3 người sống sót trong sự cố này.
Thống đốc bang Pernambuco Raquel Lyra bày tỏ lời chia buồn trên mạng xã hội Twitter, đồng thời cam kết rằng chính quyền sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các gia đình gặp nạn.
Theo Hãng tin Reuters, Recife là thành phố ven biển với khoảng 1,5 triệu cư dân và đang phải hứng chịu trận mưa rất lớn trong những ngày gần đây.
Gặp lại Sophia
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói “không nghĩ Ukraine sẵn sàng gia nhập NATO”; Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng về khả năng vào NATO của Ukraine; thế giới sắp phá kỷ lục ngày nóng… là những tin tức đáng chú ý.