Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Trong đó có gói hỗ trợ được đề xuất lên tới 27.600 tỉ đồng.
Có hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Theo Bộ LĐTBXH, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường lao động của cả nước có sự biến động mạnh. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2021, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên.
Do đó, Bộ LĐTBXH đề xuất Chính phủ có 7 nhóm chính sách hỗ trợ cụ thể: Chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động;
Đồng thời, Bộ LĐTBXH cũng đề xuất 2 nhóm chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho NLĐ trong doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ cho vay trả lương cho NLĐ trong doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động.
Tổng hợp chung kinh phí đề xuất 9 nhóm hỗ trợ nêu trên là gần 27.600 tỉ đồng.
Theo một số doanh nghiệp, với chính sách được đề xuất nêu trên vẫn nhìn thấy nhiều bất cập xảy ra tương tự lần hỗ trợ đầu tiên và có thể dẫn đến tình trạng hỗ trợ nhưng không nhận thấy sự hỗ trợ.
Việc Bộ LĐTBXH chọn các nhóm chính sách hỗ trợ thuộc 7 nhóm trên không có nội dung nào có tác động tích cực, nhanh chóng và phù hợp ngay nhất thời đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Song Song Ngọc - CEO E-Solution Media - cho biết, về cơ bản, doanh nghiệp SMEs là đối tượng cần được bảo vệ đầu tiên và cần được hỗ trợ nhiều nhất, bởi họ không đủ dòng tiền để chống chọi, đối phó với tình trạng dịch COVID-19 kéo dài, đồng thời dẫn đến khả năng bảo vệ người lao động của họ cũng kém đi và mất khả năng xử lý vấn đề với người lao động.
“Bộ phận doanh nghiệp SMEs tại Việt Nam chiếm đến 90%, họ nắm số lượng lao động tương đối nhiều, việc không có chính sách phù hợp sẽ ảnh hưởng lan rộng và phá sản nhiều DN có cùng một môi trường kinh doanh, có mối quan hệ cộng sinh.
Nhìn về bản chất và hiện tượng như trên, để bảo vệ được người lao động - cần phải có biện pháp giúp đỡ SMEs, đó mới là cốt lõi của vấn đề bảo vệ người lao động thiết thực”, ông Ngọc cho biết.
Cần sự phối hợp của nhiều bộ ngành
Theo đại diện một doanh nghiệp khác (xin được giấu tên), để giải quyết được tình trạng này thì sự nỗ lực của Bộ LĐTBXH là đáng ghi nhận, với những cơ chế, chính sách trong quyền kiểm soát của Bộ, Bộ đã đưa ra các tình huống giải quyết nhanh.
Tuy vậy, vẫn nhận định rằng đây là vấn đề liên ngành, cần sự hỗ trợ từ phía các bộ ngành khác, ví dụ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… Vì vậy cần có những giải pháp căn cơ.
Theo đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần đưa ra giải pháp giãn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021 nhanh chóng, từ đó có thể giúp doanh nghiệp xử lý được dòng tiền ngắn hạn, cơ cấu dòng tiền trung hạn, để có giải pháp tính toán lâu dài. Đây là việc quan trọng, có ý nghĩa thiết thực lúc này.
Dòng tiền nên tập trung đẩy mạnh vào đầu tư công, tạo công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động, thay vì chọn phương án trợ cấp hay xử lý bằng các hình thức bảo hiểm - bởi vì biện pháp này chưa thiết thực và khả quan.
Các cơ quan xúc tiến thương mại, đầu tư ở trung ương, địa phương nên có giải pháp kết nối, tạo cộng đồng hệ sinh thái một cách chủ động để các doanh nghiệp có điều kiện cộng sinh, hợp tác nhanh để xoay xở trong tình hình hiện nay.
"Nhìn chung, có thể thấy dòng tiền được chính sách đề xuất là nhiều, tuy nhiên phân bổ chưa thực sự đúng mức với thực tiễn và tình trạng của doanh nghiệp.
Tôi cho rằng mọi sự nỗ lực lúc này là nỗ lực chung, cả các bộ ngành, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân nên cùng nhau đóng góp ý kiến, tiền bạc và của cải giúp Việt Nam chúng ta vượt qua giai đoạn này" - đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Xem thêm: odl.055819-neit-uad-ort-oh-coud-nac-ia-gnod-it-00672-nag-ort-oh-iog-taux-ed/et-hnik/nv.gnodoal