Nhắc đến Bách khoa Hà Nội có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ đến phát biểu gây "sang chấn" của PGS. TS Nguyễn Phong Điền (Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội) về ngành Công nghệ thông tin:
"Nếu ra khỏi phòng thi, các em chắc chắn ba môn đều đạt điểm 10 thì hẵng suy nghĩ về việc nộp hồ sơ vào ngành này của trường. Tôi hiểu con số này rất cao nhưng chúng ta cũng cần cân bằng giữa mong muốn và năng lực của mình".
Mới đây, trong ngày 8/6, Đại học Bách khoa Hà Nội khiến nhiều người "choáng" khi công bố mức trúng tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng.
Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phương thức này bao gồm xét chứng chỉ quốc tế và xét theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn. Với xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, thí sinh phải đạt từ 1520/1600 điểm SAT, đồng thời SAT Toán đạt 770/800 mới trúng tuyển ngành IT1 (Khoa học máy tính), IT-E10 (Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo).
Với cách xét tuyển điểm như thế này kết hợp với phương thức phỏng vấn, nhiều người cho rằng xin học bổng đại học ở Mỹ còn "dễ thở" hơn vào được CNTT, Khoa học máy tính Đại học Bách Khoa.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, tác giả sách "Cùng con bước qua các kì thi": "Quá khó! Học sinh đỗ quá đỉnh!
Theo chị Thanh Hải, nhiều học sinh nộp đơn xét học bổng Đại học Mỹ với nhiều thành tích SAT 1450 trở lên là khá nhiều cơ hội.
"Cháu họ tôi nộp đơn cách đây 2 năm, với SAT 1.490 và một số hoạt động xã hội, cháu được học bổng 100% một trường ĐH Mỹ cũng khá có bề dày. Đó là lý do tại sao tôi vẫn tư vấn cho các học sinh và phụ huynh có con thích ngành CNTT, Khoa học máy tính là nếu thực sự giỏi, thực sự xuất sắc, hãy quyết tâm vào ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội. Vì "đầu vào" chất như thế này, với kinh nghiệm và bề dày đào tạo của trường, bảo sao "đầu ra" sinh viên giỏi Bách Khoa không oách?", chị Hải nói.
"Theo tôi, tiêu chí tuyển sinh và cách xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội văn minh, gần giống cách xét tuyển các trường ĐH của Mỹ và nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Cũng có vòng nộp hồ sơ, thư, chứng chỉ quốc tế SAT, Ielts, cũng có vòng phỏng vấn...
Và ngay FTU (Đại học Ngoại thương) cũng xét tuyển Hệ tiến tiến tiêu chuẩn khó cũng không kém gì... Để đỗ thì học sinh cũng phải có điểm GPA cao, còn thêm điều kiện khó là Toán, Văn, Anh hoặc Lý, Hóa phải 8.5-9.0. Và để đỗ chương trình tiên tiến FTU thì Ielts 7.5-8.0 mới đỗ.
Tôi mong các trường đại học top đầu Việt Nam ngày càng cải tiến cách xét tuyển cho phù hợp để tuyển được những sinh viên tài năng, toàn diện chứ không chỉ là có điểm số cao. Mong có thêm xét tuyển tặng hỗ trợ tài chính, học bổng cho các học sinh suất xắc nhưng điều kiện kinh tế khó khăn", chị cho biết thêm.
Thầy Vũ Khắc Ngọc: "Mở đầu vào không đồng nghĩa với việc giảm đi tính cạnh tranh"
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội) cho rằng, với điểm SAT 1520/1600 là gần tương đương với các trường top đầu của Mỹ, chưa kể đây là học sinh Việt Nam thi. Bởi vậy nên gọi Bách Khoa là "MIT Đại Cồ Việt" cũng có lý. (MIT - Viện Công nghệ Massachusetts là một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ. MIT là nơi sản sinh ra các tài năng trên toàn thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ các kiến trúc sư nổi tiếng, CEO đến các nhà khoa học).
Thầy Ngọc cho rằng, điều này cũng phản ánh 1 "dự báo" mà thầy đã nhiều lần nhấn mạnh với các học sinh: Tuyển sinh của Bách Khoa HN và các trường top hiện nay chính là "mở đầu vào". "Mở đầu vào" có thể hiểu là mở ra nhiều phương thức tuyển sinh với nhiều căn cứ, nhiều công cụ để đánh giá, đo lường năng lực của học sinh. Nhưng việc các trường top đầu mở ra nhiều phương thức tuyển sinh không hề làm giảm đi tính cạnh tranh của việc xét tuyển mà thậm chí còn căng thẳng hơn.
Lý do là chỉ tiêu của mỗi phương thức đều nhỏ mà ngưỡng trúng tuyển của phương thức nào cũng đều là "đỉnh của chóp". Chung quy lại, muốn đỗ vào trường top đầu thì kiểu gì cũng phải học, phải cày cuốc.
"Để "cày" đúng hướng trong tình hình xét tuyển như hiện nay, các bạn càng nghiên cứu sớm việc chọn ngành/chọn trường và chọn cho mình phương thức xét tuyển có nhiều lợi thế nhất từ sớm thì càng có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn", thầy Ngọc nói.
ĐH Bách khoa Hà Nội đặt ngưỡng yêu cầu xét tuyển tài năng theo phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế là từ SAT 1520 trở lên, tức ngang với mức điểm trúng tuyển Harvard, MIT. Cụ thể, theo Niche, mức điểm SAT để trúng tuyển ĐH Harvard là 1460-1570, mức trung bình 1510. Điểm SAT để trúng tuyển MIT rơi vào khoảng 1500-1570.
Nhiều người thắc mắc "SAT cao thế, vào Bách khoa làm gì?".
Trước băn khoăn của dư luận, trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, giải thích cách xét tuyển của các trường khác nhau.
Harvard hay MIT xét tuyển 100% theo hồ sơ. Trong khi đó, ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển sinh bằng nhiều phương thức và phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 5% chỉ tiêu.
Theo đề án tuyển sinh, năm 2021, chỉ tiêu xét tuyển tài năng theo mã IT1 là 90 em, theo hai phương thức xét chứng chỉ quốc tế và xét hồ sơ kết hợp phỏng vấn. Theo chia sẻ của ông Kiên, xét chứng chỉ quốc tế chỉ chiếm 5% tổng chỉ tiêu, tức số lượng trúng tuyển bằng điểm SAT chỉ khoảng 15 em.
Với mã xét tuyển IT-E10, trường lấy 30 chỉ tiêu theo xét tuyển tài năng và số lượng trúng tuyển bằng phương thức xét chứng chỉ quốc tế khoảng 5 em.
Ngoài ra, ông Kiên cho hay Công nghệ thông tin - Khoa học máy tính (IT1) và chương trình tiên tiến Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo đều là ngành hot, thu hút nhiều thí sinh giỏi ứng tuyển: "Số lượng tuyển ít mà nhiều thí sinh nộp vào có SAT cao, hồ sơ lấy từ trên xuống dẫn ngưỡng yêu cầu cao. Một số người đánh giá Bách khoa tuyển sinh khó hơn Harvard, MIT là không đúng", ông Kiên giải thích.
PGS.TS Trần Trung Kiên thông tin thêm với ngưỡng SAT 1520, trong đợt 1 xét tuyển tài năng, khoảng 15-20 học sinh đạt ngưỡng yêu cầu.
Hạ Uyên
Trí thức trẻ