Tiền tiết kiệm tập trung mua vàng vì rủi ro ít hơn các loại hình đầu tư khác
Ngay từ khi mới lập gia đình, Ngọc Hân (hiện đang sống tại Mỹ Đình, Hà Nội) đã có thói quen tiết kiệm hàng tháng để tích lũy. Không chọn cách gửi tiết kiệm ngân hàng, Hân mua vàng bằng số tiền dư của mình. Mục tiêu của cô là mỗi tháng phải mua được ít nhất 1 chỉ vàng.
"Ai cũng hỏi vì sao tiền tiết kiệm của mình lại đổ vào mua vàng vậy? Đơn giản vì mình học chuyên ngành kế toán kiểm toán của học viện tài chính nên đã nghiên cứu kinh tế từ lâu, mình lường và đo được biên độ của vàng và đô la sẽ dao động như thế nào. Chính vì thế khi có tiền để dư mỗi tháng, mình chỉ đầu tư vào vàng bằng tiền tiết kiệm mà không mua bảo hiểm hay chứng khoán.
Mục tiêu phấn đấu của mình đặt ra là mỗi tháng sẽ tiết kiệm được ít nhất là một chỉ vàng. Nhiều nhất có tháng mình tiết kiệm được 1 cây. Năm nhiều nhất mình tiết kiệm được là 12 cây vàng", Hân cho biết.
Ảnh: NVCC.
Tất nhiên để có lãi, Hân cũng chú ý nhiều tới thời điểm mua vàng để có giá rẻ nhất. Học kinh tế, Hân biết chú ý hơn tới thời điểm mua vào, lúc nào giảm nhiều Hân sẽ cố gắng vay tiền bạn bè để mua được nhiều vàng hơn.
Nếu tháng nào giá vàng không giảm thì Hân dành số tiền tiết kiệm đó để trả nợ bạn bè. Có giai đoạn giá vàng tăng liên tục, Hân vẫn sẽ mua nhưng với số lượng ít trong tâm lý để tiền nhàn rỗi rồi tích lũy. Trong hoàn cảnh mua vàng không phải đi vay giúp Ngọc Hân không cần quá sốt ruột.
"Theo mình đánh giá hai năm trở lại đây vì tình hình dịch bệnh nên xu hướng thế giới sẽ bơm tiền ra thị trường, lúc này mua vàng vào tích lũy là hợp lý nhất. Mua vàng sẽ linh hoạt cho bản thân vì muốn mua nhiều hay ít phụ thuộc vào số tiền để dư được mỗi tháng của mình là bao nhiêu. Sau khi mua vào mình sẽ ăn lãi được từ việc bán lại theo chênh lệch giá hoặc nếu không để vậy tích lũy dài hạn cũng vẫn có lời. Trên thị trường, giá vàng luôn biến động nhưng số tiền đầu tư ít nên mình đánh giá là rủi ro không quá nhiều", Ngọc Hân chia sẻ thêm.
Thời cơ đủ sẵn sàng "thâu tóm ngay" mảnh đất nền ưng ý
Không chỉ dừng lại ở việc mua vàng, Hân tiếp tục dùng chính số vàng đó để đầu tư thêm bất động sản. Mẹ đảm này chia sẻ: "Sau khi mua vàng, mình sẽ dành dụm đến khoảng thời gian nhất định, thường từ 1-3 năm rồi thấy mảnh đất nào hợp lý phù hợp với số vàng mình đang có thì sẽ bỏ ra mua. Những mảnh đất mình ngắm mua thường là đất nền nằm ở ngoại ô, cách xa trung tâm thành phố, giá dao động là 900 triệu và 1,5 tỷ đồng/mảnh".
Ngọc Hân chia sẻ, sau gần 10 năm tích vàng rồi tìm đất hợp với nhu cầu cho tới thời điểm hiện tại cô đã chốt để mua được 2 mảnh đất nền. "Mình thấy mua đất nền là một loại hình đầu tư vốn ít, tiềm năng nhất hiện nay. Chỉ với số vốn ban đầu dưới 1 tỷ có thể giúp mình sở hữu một lô đất nền tại tỉnh ven đô như Long Biên chẳng hạn với tiềm năng phát triển cực lớn trong tương lai. Ngoài ra, quỹ đất càng hạn hẹp, giá trị của đất nền sẽ càng tăng cao.
Thứ hai, lợi nhuận cho loại hình bất động sản này lớn hơn gấp 2-3 lần lãi suất ngân hàng. Cùng một số tiền vốn ban đầu, tại sao mình phải bỏ tiết kiệm ngân hàng với lãi suất hàng năm thấp trong khi có thể dùng cho loại hình đầu tư có tỷ suất sinh lời cao hơn như thế này. Khả năng sinh lời, thanh khoản tốt hơn nhà phố, đặc biệt là những khu vực đang có cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Lợi nhuận của đất nền trong 1 năm thường không thấp hơn 15%, trong khi lãi suất ngân hàng còn chưa chạm mức 10%", Ngọc Hân đánh giá.
Số đất nền này đến hiện tại Hân vẫn chưa bán ra và dự định sẽ để làm vốn cho con. Trong tương lai nếu thấy có lời, Hân có thể sẽ bán ra để mua mảnh đất khác ở thủ đô hoặc chuyển sang mua căn chung cư nếu thấy hợp lý.
Sau khi mua vàng, Hân sẽ dành dụm đến khoảng thời gian nhất định, thường từ 1-3 năm rồi thấy mảnh đất nào hợp lý sẽ bỏ số vàng đó ra mua. Ảnh minh họa.
Quan điểm: Tiết kiệm và đầu tư để tiền đẻ ra tiền càng sớm càng tốt
Cũng giống như nhiều người, tâm lý ăn chắc mặc bền, lo lắng tài chính trong tương lai của các con và gia đình chính là nguồn động lực thôi thúc Ngọc Hân sống tiết kiệm và luôn dành dụm tiền nhiều nhất có thể.
Hân chia sẻ, trong gia đình món đồ dùng đắt giá nhất chính là chiếc máy lọc nước với giá trị 40 triệu đồng. Hay trong cuộc sống cô cũng không sắm sửa gì nhiều, quần áo mua chỉ đủ mặc mà toàn canh sale giá rẻ. Đồ ăn, thực phẩm chủ yếu được gửi từ quê là Nam Định và Hà Tĩnh ra để đảm bảo chất lượng mà rẻ nữa.
"Mình nghĩ các cặp vợ chồng trẻ nên có tâm lý tiết kiệm và học cách lên kế hoạch chi tiêu hợp lý càng sớm càng tốt. Có thể khi cưới nhau về bạn và chồng đã có mục tiêu tài chính để cùng nhau cố gắng. Song song đó, tiền tiết kiệm của bạn không nên để 1 chỗ mà cần đầu tư xoay vòng, để tiền đẻ ra tiền. Cách đầu tư có thể giống mình là mua vàng, gửi tiết kiệm hoặc mua bất động sản,... tùy vào điều kiện kinh tế của các bạn, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là kế hoạch rõ ràng. Càng tiết kiệm sớm càng tốt cho tài chính của bạn và gia đình sau này.
Với riêng mình, cảm giác cứ cuối tháng có tiền để dư đi mua vàng là cảm thấy sung sướng lắm. Việc tiết kiệm tiền cũng giúp mình có ý thức hơn. Mình biết mục tiêu của mình là gì và tính toán hoàn thành mục tiêu đó trong điều kiện cho phép. Trong tài chính của gia đình, mình chú trọng hướng đến chính là sự bền vững và đảm bảo tương lai ổn định cho các con và hai vợ chồng khi không còn sức lao động nữa", Ngọc Hân chia sẻ.
Ghi theo lời kể của nhân vật.
Hồng Nhung
Nhịp sống Việt